NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM: Hoàn thiện Hò Dô theo hướng chuyên nghiệp, phù hợp xu thế toàn cầu
Liên hoan Âm nhạc Quốc tế TPHCM - HOZO (Hò Dô) sau nhiều năm tổ chức đã trở thành biểu tượng văn hóa nổi bật của TPHCM, góp phần khẳng định vị thế TPHCM trên bản đồ văn hóa thế giới.
NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM, đại diện Ban tổ chức Hò Dô 2024, đã có những chia sẻ với Báo SGGP về liên hoan, cũng như chiến lược phát triển lâu dài công nghiệp văn hóa tại TPHCM.
PHÓNG VIÊN: Với vai trò là một sự kiện âm nhạc mang tầm quốc tế, Hò Dô 2024 đã đóng góp như thế nào vào việc nâng cao vị thế văn hóa của TPHCM trên bản đồ thế giới?
NSND NGUYỄN THỊ THANH THÚY: Mỗi mùa tổ chức, từ năm 2019 đến nay, Hò Dô thu hút sự tham gia của hàng trăm nghệ sĩ đến từ khắp nơi trên thế giới, tạo nên sự giao thoa văn hóa độc đáo.
Việc hợp tác với các lễ hội âm nhạc quốc tế lớn trong khu vực và các mạng lưới sáng tạo toàn cầu cũng đã đưa Hò Dô trở thành cầu nối giữa Việt Nam và thế giới, không chỉ trong lĩnh vực âm nhạc mà còn ở các khía cạnh văn hóa, nghệ thuật và du lịch.
Thông qua Hò Dô, TPHCM không chỉ được biết đến như một trung tâm kinh tế năng động, sáng tạo, hội nhập, mà còn là một điểm hẹn giao lưu văn hóa quốc tế, nơi các giá trị âm nhạc và nghệ thuật được tôn vinh và lan tỏa.
Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa đến năm 2030 của TPHCM xác định nghệ thuật biểu diễn là mũi nhọn. Bà có thể cho biết vai trò cụ thể của Hò Dô trong kế hoạch này, cũng như những bước đi chiến lược để phát triển Hò Dô gắn liền với công nghiệp văn hóa?
Trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa của TPHCM, nghệ thuật biểu diễn là một trong những lĩnh vực trọng tâm và Hò Dô hướng tới nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu này. Chúng tôi đặt kỳ vọng Hò Dô sẽ trở thành một sự kiện với những giá trị mang tính nền tảng, kết nối và phát triển, nơi hội tụ sự sáng tạo của các nghệ sĩ, sân chơi dành cho tài năng trẻ và tinh thần hợp tác quốc tế.
Vai trò của Hò Dô là tạo ra không gian để các loại hình nghệ thuật đặc sắc của nhiều dân tộc trên thế giới được tiếp cận gần hơn với công chúng, đồng thời thúc đẩy sự giao thoa giữa văn hóa Việt Nam và quốc tế. Các màn trình diễn tại Hò Dô không chỉ dừng lại ở yếu tố giải trí mà còn chứa đựng thông điệp về sự đổi mới và khát vọng hội nhập của TPHCM.
Ngay từ những ngày đầu xây dựng mục tiêu cho Hò Dô, chúng tôi mong muốn đây không chỉ là một lễ hội hấp dẫn mà còn góp phần hiệu quả vào tăng trưởng cho ngành văn hóa du lịch, kinh tế để thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa.
Những hoạt động cụ thể bao gồm xây dựng kế hoạch chi tiết, bộ máy tổ chức chuyên nghiệp với vai trò hợp tác giữa khu vực công và tư; kết nối với các tổ chức quốc tế, mời gọi nghệ sĩ trong và ngoài nước tham gia và tạo điều kiện để các nhà đầu tư, doanh nghiệp nhận ra tiềm năng kinh tế trong lĩnh vực văn hóa.
Tuy nhiên, chúng tôi hiểu rằng hành trình này còn nhiều thách thức. Những bước đi tiếp theo sẽ tập trung vào việc lắng nghe cộng đồng, đánh giá chất lượng tổ chức, học hỏi từ các mô hình thành công và dần hoàn thiện Hò Dô để xứng đáng với kỳ vọng của người dân, góp phần xây dựng ngành công nghiệp nghệ thuật biểu diễn TPHCM phát triển bền vững.
Tương lai, Hò Dô liệu sẽ có những thay đổi hay cải tiến nào để đáp ứng kỳ vọng của khán giả và phù hợp với xu hướng toàn cầu?
Chúng tôi luôn kỳ vọng Hò Dô sẽ tiếp tục phát triển, trở thành một sự kiện văn hóa mang tính biểu tượng, không chỉ trong nước mà còn trên trường quốc tế. Tuy nhiên, đây là một hành trình cần sự đồng lòng và nỗ lực lớn từ nhiều phía, từ chính quyền thành phố, cơ quan tổ chức, các đơn vị đồng hành, cộng đồng nghệ sĩ cho đến khán giả.
Để một lễ hội với chuỗi hoạt động chuyên sâu về âm nhạc được phát triển bền vững, cần đầu tư công nghệ trình diễn hiện đại để tăng cường trải nghiệm cho khán giả, cho đến việc mở rộng phạm vi hợp tác quốc tế, kết nối với các lễ hội âm nhạc lớn trên thế giới.
Việc thúc đẩy chương trình ươm mầm tài năng trẻ và đưa nhiều giá trị văn hóa bản địa vào sự kiện cũng sẽ là trọng tâm để Hò Dô ngày càng tiệm cận với xu hướng toàn cầu nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng.
Mục tiêu đó không chỉ là đáp ứng kỳ vọng của khán giả, mà còn góp phần xây dựng Hò Dô thành một lễ hội mang tính nền tảng, kết nối, nơi âm nhạc và văn hóa được tôn vinh trong sự hài hòa giữa truyền thống và hiện đại.
Hò Dô là liên hoan do UBND TPHCM chủ trì, giao Sở VH-TT TPHCM phối hợp với các đơn vị tổ chức thực hiện. Các định hướng và hỗ trợ từ thành phố được thực hiện ở nhiều cấp độ, từ việc xây dựng môi trường pháp lý phù hợp, tạo điều kiện về hạ tầng, hỗ trợ kinh phí từ ngân sách, nhân lực đến quảng bá và kết nối các nguồn lực để nâng cao chất lượng tổ chức sự kiện. Bên cạnh đó, thành phố cũng khuyến khích sự hợp tác giữa các đơn vị trong nước và quốc tế, đồng thời lắng nghe ý kiến từ các chuyên gia và cộng đồng để tiếp tục hoàn thiện Hò Dô theo hướng chuyên nghiệp và phù hợp với xu thế toàn cầu
- Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM Nguyễn Thị Thanh Thúy, cho biết.
Hò Dô đã đóng góp như thế nào vào việc kích cầu du lịch, phát triển kinh tế của TPHCM, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa?
Qua các năm tổ chức, Hò Dô đã thể hiện được sự phát triển về nhiều mặt, với những con số ấn tượng. Hò Dô năm 2023 đã thu hút trên 5 triệu lượt tương tác và hơn 200.000 lượt người tham dự trực tiếp 3 đêm diễn, trong đó có đông đảo du khách quốc tế. Doanh thu từ các hoạt động dịch vụ như ẩm thực, dịch vụ lưu trú, du lịch cũng đã góp phần hiệu quả vào tăng trưởng kinh tế thành phố, lan tỏa các giá trị văn hóa đặc sắc.
Điều này góp phần đưa thành phố trở thành điểm hẹn âm nhạc chất lượng cao trên bản đồ lễ hội âm nhạc quốc tế, tạo đà để TPHCM định hình như một trung tâm kinh tế và văn hóa trong khu vực.
Tác động cụ thể cần thêm thời gian và công cụ để đánh giá chính xác, toàn diện. Nhưng, chúng tôi tin rằng Hò Dô đã, đang làm rất tốt nhiệm vụ của mình và sẽ tiếp tục đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của công nghiệp văn hóa, kinh tế sáng tạo tại TPHCM.