Bảo vệ, phát huy kho báu di sản trong giai đoạn mới
Hiện cả nước có hơn 40.000 di tích và gần 70.000 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê. Di sản văn hóa đang góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế
Hội nghị - hội thảo "65 năm sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa" đã được Bộ VH-TT-DL tổ chức chiều 14-12 tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long.
Di sản văn hóa góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế, xã hội
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh: Từ những văn bản đầu tiên về bảo vệ di sản văn hóa, như Sắc lệnh số 65 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành năm 1945, Pháp lệnh về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hóa và danh lam, thắng cảnh năm 1984, Luật Di sản văn hóa năm 2001, sửa đổi bổ sung năm 2009 cho đến Luật Di sản văn hóa số 45/2024/QH15 vừa được Quốc hội thông qua, công tác thể chế và nhận thức về bảo tồn di sản văn hóa ngày càng được nâng cao, phát triển.
Theo Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương, bảo tồn di sản văn hóa là lĩnh vực hoạt động văn hóa khác biệt so với các lĩnh vực khác, đã được hình thành và phát triển trước đó. Cha ông đã lưu giữ và truyền lại những thành quả, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, tư liệu vô giá. Các di sản đó là sản phẩm, chứng nhân lịch sử, có giá trị văn hóa cả về vật chất và tinh thần, cần được bảo lưu, trao truyền. Do vậy, những người làm công tác bảo tồn di sản văn hóa đòi hỏi phải có kiến thức đa ngành và liên ngành, thấu hiểu di sản, nỗ lực ứng xử trên nền tảng tiếp cận văn hóa...
Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Lê Thị Thu Hiền nhấn mạnh sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ngày càng được Đảng, Nhà nước, nhân dân ta quan tâm, coi trọng, để lại nhiều dấu ấn, thành quả. Hiện nay, cả nước có hơn 40.000 di tích và gần 70.000 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê. Trên phương diện quốc tế, Việt Nam đã khẳng định là một trong những nước thành viên tích cực tham gia các Công ước của tổ chức UNESCO (phê chuẩn 4 trong số 6 Công ước của UNESCO), đóng góp kinh nghiệm, thể hiện nỗ lực trong bảo tồn di sản văn hóa của nhân loại.
"Di sản văn hóa đã và đang đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương, sự phát triển chung của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu nổi bật, trên con đường phát triển, chúng ta cần phải nhận diện được một số khó khăn, thách thức để cùng vượt qua" - bà Lê Thị Thu Hiền khẳng định.
Dung hòa bảo tồn và phát triển
Theo PGS- TS Nguyễn Quốc Hùng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, phần lớn di tích được làm bằng chất liệu không bền vững (gỗ, tranh tre, nứa, lá...) một số di tích làm bằng chật liệu vô cơ là các tháp gạch, đá tại các chùa, đền - tháp, lăng, mộ hợp chất... phần lớn do cộng đồng xây dựng. Những di tích ấy ở nước ta nằm trong điều kiện khi hậu nhiệt đới ẩm, nắng lắm, mưa nhiều, bão lụt, thiên tai, chiến tranh xảy ra thường xuyên nên rất nhanh xuống cấp, hư hỏng, biến dạng, nhiều di tích đã bị hủy hoại tuy việc trùng tu di tích xưa kia vẫn được thực hiện vào những lúc thiên hạ thái bình, đời sống no đủ.
Thực tế đa dạng, phức tạp của di tích ở nước ta nêu trên đặt ra cho hoạt động quản lý di tích hiện nay nhiều khó khăn thách thức, đòi hỏi bên cạnh những quy định chung, quy định khung phải có những quy định cụ thể, hình thức quản lý phù hợp với từng loại hình, quy mô, hình thức sở hữu của mỗi di tích.
Sự phát triển kinh tế của đất nước tạo nguồn lực cho việc tu bổ di tích nhưng cũng gây nên nhiều ảnh hưởng đến sự toàn vẹn của di tích do quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa... đang diễn ra nhanh chóng. Nhìn chung, mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển đang nghiêng nhiều về phát triển nhằm đáp ứng những lợi ích trước mắt hơn là bảo tồn di sản cho những mục đích phát triển lâu dài, bền vững.
Ở một số nơi, phát triển thiếu sự kiểm soát, không quan tâm đến bảo vệ di tích dẫn đến việc xâm phạm, phá hoại di tích như việc mở rộng sân bay ở các khu di tích, phát triển cơ sở hạ tầng đô thị, xây dựng các nhà máy (thủy điện), nâng cấp, mở hệ thống đường giao thông không có sự phối hợp với ngành văn hóa (quản lý di sản) trong quy hoạch phát triển đô thị, công nghiệp, hạ tầng giao thông.
Một số nơi không khảo sát di tích trước khi triển khai dự án xây dựng và giám sát trong quá trình thi công công trình để đề xuất những giải pháp thích hợp khi phát hiện di tích nên đã hủy hoại không ít di tích, chỉ có số ít di tích được phát hiện, cứu vãn theo lối "chữa cháy" nhằm mục đích phục vụ xây dựng, phát triển. Di tích khảo cổ được khai quật gấp rút, di tích kiến trúc phải nâng nền, thêm tầng hoặc di chuyển địa điểm để phục vụ việc nâng cấp hệ thống giao thông, thủy điện, xây dựng công trình đô thị…
Ở một số địa phương khi có kinh phí đã đầu tư tu bổ hàng loạt di tích trong tình trạng thiếu đội ngũ những người làm dự án có đủ chứng chỉ hành nghề tu bổ di tích, thợ thi công có tay nghề, kinh nghiệm tu bổ di tích. Điều này dẫn đến một số dự án tu bổ di tích không đáp ứng yêu cầu dẫn đến di tích bị làm mới, to đẹp nhưng không giữ được yếu tố gốc của di tích.
PGS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, cho hay giới khảo cổ học Việt Nam đặc biệt quan tâm tới tình hình làm thế nào để bảo vệ được di tích khảo cổ học, loại di tích mà Hiến chương quốc tế về khảo cổ học Lausanne năm 1990 cho là dễ bị hủy hoại và biến mất nhất.
Thực tế tại Việt Nam hầu như tất cả các di tích khảo cổ học do không có điều kiện bảo tồn tại chỗ, lâu dài nên đều được đóng lại bằng phương pháp lấp hố bảo tồn.
Thực tế còn có nhiều di tích trăm tuổi bị biến thành một tuổi, nhiều ngôi chùa được xây mới hoàn toàn trên nền móng cũ, các di tích bên dưới được xử lý thế nào thì giới khoa học đều không được biết.
Ông Tống Trung Tín cho rằng nguyên nhân sự sai lầm đó là do xuất phát từ nhận thức lệch lạc, đặc biệt là không coi trọng công tác nghiên cứu khoa học, thiếu hiểu biết về khoa học bảo tồn và thiếu phương pháp và tính sáng tạo trong quảng bá giá trị di sản.