KTS Đoàn Thanh Hà:'Tự nhiên là để chung sống chứ không phải để chinh phục'

Kiến trúc sư (KTS) Đoàn Thanh Hà (Văn phòng Kiến trúc H&P Architects) vừa vinh dự được mời tham gia Liên hoan Kiến trúc và Cảnh quan 2025 (lần thứ 3), viết tắt là BAP!2025, diễn ra từ 6-5 đến ngày 13-7 tại thành phố Versailles (Pháp).

Anh đã chọn công trình “Nhà hang gạch” (Đông Anh, Hà Nội) để giới thiệu tại liên hoan, với mong muốn lan tỏa xu hướng kiến tạo cấu trúc theo cách tự nhiên, bằng những vật liệu truyền thống, quen thuộc và mang đậm hơi thở nhiệt đới.

KTS Đoàn Thanh Hà và mô hình công trình “Nhà hang gạch”.

KTS Đoàn Thanh Hà và mô hình công trình “Nhà hang gạch”.

- Thưa KTS Đoàn Thanh Hà, được biết Liên hoan Kiến trúc và Cảnh quan 2025 sẽ tập trung vào những phương án kiến trúc và quy hoạch đô thị dựa trên dự báo về sự nóng lên của trái đất. Anh có thể thông tin thêm về phần nội dung tham gia của mình?

- Liên hoan Kiến trúc và Cảnh quan 2025 tập trung vào 3 phần chính: Quá khứ (thông tin về kiến trúc bản địa) - Hiện tại (tác phẩm của KTS đương đại) - Tương lai (đồ án sinh viên).

Ở phần Hiện tại, tôi và khoảng 40 KTS đương đại trên khắp thế giới được mời kể câu chuyện về cách mà chúng tôi đang ứng xử với vấn đề biến đổi khí hậu thông qua công trình kiến trúc thực tế của mình. Hơn 40 KTS được chia làm 4 chuyên đề: Nước, Không khí, Lửa và Đất. Mỗi yếu tố sẽ bao gồm các vấn đề về khí hậu và giải pháp của chúng, ví dụ: Không khí (thông gió, làm mát đối lưu...), Lửa (liên quan đến mặt trời, năng lượng mặt trời...), Đất (năng lượng địa nhiệt...) và Nước (liên quan đến mưa, lũ lụt, hạn hán...). Tôi được mời tham gia trong chuyên đề Lửa.

- Vì sao anh chọn “Nhà hang gạch” cho nội dung “Lửa” tại triển lãm này?

- Nói đến lửa, chúng ta liên hệ ngay đến: Nhiệt (nóng - lạnh), ánh sáng (sáng - tối) và tái sinh. Và như lẽ tự nhiên tôi nghĩ đến “Nhà hang gạch” ở ngoại thành Hà Nội mà mình đã làm từ 10 năm trước.

Ngôi nhà này có cấu trúc giống như cái hang, tổng thể được tạo nên bởi hai lớp tường bằng gạch nung chạy khép kín qua một nút giao nhau, xen kẽ giữa chúng là các mảng cây xanh... Gạch nung từ lâu đã là vật liệu địa phương quen thuộc và được sử dụng rộng rãi ở nông thôn Việt Nam với phương pháp xây dựng thủ công đơn giản. Viên gạch cũng được tạo nên từ 4 yếu tố đất, nước, lửa và không khí.

Hai lớp tường lồng vào nhau có chức năng hoạt động như bộ lọc nhằm triệt tiêu những yếu tố bất lợi của môi trường bên ngoài (nắng nóng, khói bụi, tiếng ồn) và đưa thiên nhiên (ánh sáng, mưa, gió) vào những nơi cần thiết bên trong. Yếu tố đặc trưng của hai lớp bao che còn thể hiện ở trên mái, là lớp rau xanh bên trên lớp tấm đan để chống nóng và chống thấm cho các không gian bên dưới.

- Sau thành công với công trình “Nhà hang gạch”, “Không gian ngói” (Hà Nội), trong những năm gần đây, KTS Đoàn Thanh Hà cùng các cộng sự tại Văn phòng Kiến trúc H&P đã có nhiều hơn những công trình lạ mà quen với những vật liệu thân thuộc như ngói, chum, vại, chẳng hạn như công trình “Thảm thực vật bay” (Thái Bình), “Cái tổ ngói” (Hà Nam)... Anh đang hướng đến mục tiêu tạo ra những không gian bền vững, kiến tạo cấu trúc theo cách tự nhiên?

- Tôi quan niệm, kiến trúc cần có trách nhiệm với cả tự nhiên lẫn văn hóa, xã hội - vì một môi trường sống an toàn, thân thiện và bền vững. Bởi thế, tôi sử dụng vật liệu thân thiện để tạo dựng những cấu trúc nhân tạo theo cách tự nhiên, để tạo nên những không gian thiết yếu đối với con người, với hình thể hữu cơ, sống động. Tôi cho rằng, “Kiến trúc = Kiến tạo cấu trúc theo cách tự nhiên”.

Hơn 15 năm qua, chúng tôi đã làm ra những công trình có cấu trúc như bông hoa, cái hang, cái cây, cái tổ, đám mây, ruộng bậc thang... bằng cách ưu tiên các nguồn lực tại chỗ thông qua việc sử dụng vật liệu thích đáng; xây dựng bằng công nghệ thích hợp với điều kiện địa phương, dựa trên kỹ thuật truyền thống, được nâng cấp, kết hợp với kỹ thuật mới - tùy theo bối cảnh cụ thể. Chúng tôi khuyến khích người dân tham gia vào quá trình kiến tạo kiến trúc “cho mình” từ khâu lập dự án, thiết kế, thi công cho đến khi sử dụng và cải tạo.

- Việc lựa chọn vật liệu không chỉ là vấn đề kỹ thuật mà còn thể hiện thái độ sống và quan điểm kiến trúc của anh?

- Chúng tôi đã dùng vật liệu tái sử dụng cho nhiều công trình, có thể kể đến việc tái sử dụng đá thải loại, đá khai thác trái phép để tái hiện danh thắng tự nhiên như một cách để cảnh báo về sự nhức nhối của nạn khai thác trái phép tài nguyên thiên nhiên ở Việt Nam đang làm mất cân bằng hệ sinh thái tự nhiên và hệ sinh thái nhân văn.

Những vật liệu này luôn được dùng theo cách đổi mới nhằm nới rộng biên cho kiến trúc và tạo nên diện mạo đặc trưng. Ví dụ như chuỗi công trình tìm cách đưa gạch và ngói xuất hiện trở lại, mang lại cho kiến trúc những cảm xúc và ý nghĩa mới lạ mà vẫn thân thuộc. Hoặc góp phần giúp phá bỏ những quan niệm cố hữu, chẳng hạn như Kiến trúc cho người nghèo = Không gian buồn chán/ nghèo nàn Vật liệu tồi tàn. Con người có thể nghèo về vật chất nhưng cần sự giàu có về tinh thần.

Nói cách khác, “một cách tự nhiên” trước hết là theo cách tương tự như các cấu trúc tự nhiên; thứ nữa là theo cách gần gũi với con người. Và tự nhiên là để chung sống chứ không phải để chinh phục. Thiên nhiên không phải là tài sản ông bà để lại mà là món nợ chúng ta đang vay mượn của con cháu mình.

- Trân trọng cảm ơn KTS Đoàn Thanh Hà!

Mai Đình thực hiện

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/kts-doan-thanh-ha-tu-nhien-la-de-chung-song-chu-khong-phai-de-chinh-phuc-701982.html
Zalo