Hành lang đa chức năng

HNN - Trong bối cảnh diện tích nhà ở ngày càng bị thu hẹp, đặc biệt là tại các đô thị lớn, xu hướng thiết kế hành lang đa chức năng không chỉ giúp tối ưu hóa diện tích mà còn tạo nên sự tiện nghi, sáng tạo và cá tính cho không gian sống.

 Có thể trưng dụng hành lang như một góc làm việc nhỏ. Ảnh: Contemporist

Có thể trưng dụng hành lang như một góc làm việc nhỏ. Ảnh: Contemporist

Thay vì chỉ là nơi đi lại giữa các phòng, hành lang đang được tận dụng một cách thông minh để trở thành nơi lưu trữ, nghỉ ngơi, học tập hay thậm chí là trưng bày nghệ thuật.

Trong căn nhà của mình, chị Nguyễn Thu Hương (đường Đặng Huy Trứ, phường Phước Vĩnh, quận Thuận Hóa) đã biến đoạn hành lang dẫn từ cửa ra vào đến phòng khách thành khu vực lưu trữ đa năng với hệ tủ âm tường gọn gàng. Việc bố trí gương soi toàn thân trên cánh tủ không chỉ giúp tiện lợi trong sinh hoạt hàng ngày mà còn tạo cảm giác không gian rộng rãi hơn.

Từ không gian lưu trữ, hành lang còn có thể trở thành điểm nhấn thẩm mỹ trong ngôi nhà. Theo kiến trúc sư (KTS) Trương Văn Dương (Công ty HS House), sự sáng tạo trong cách bố trí có thể biến hành lang thành một phần không gian sinh hoạt thực thụ. Bằng cách tích hợp ghế ngồi, kệ sách, bảng vẽ hay khu vực đọc sách nhỏ, hành lang trở thành nơi thư giãn hoặc góc làm việc đầy cảm hứng. Ánh sáng là yếu tố được chú trọng, với việc bố trí đèn rọi tường, cửa sổ nhỏ hay giếng trời nhằm tạo nên sự thông thoáng và cảm giác dễ chịu cho người sử dụng. “Các vật liệu như gỗ tự nhiên, kim loại sơn tĩnh điện hay kính cường lực khi được kết hợp hài hòa cũng góp phần tăng tính thẩm mỹ cho hành lang mà vẫn giữ được độ bền và công năng”, KTS. Trương Văn Dương phân tích.

Không chỉ dừng lại ở khía cạnh thiết kế thông minh, hành lang đa chức năng còn có giá trị về mặt kết nối các thành viên trong gia đình. Trong căn nhà ba thế hệ của mình, chị Nguyễn Thị Hằng (đường Ngự Bình, phường Trường An, quận Thuận Hóa) đã sắp xếp khu vực hành lang giữa các phòng thành một không gian sinh hoạt nhẹ nhàng, nơi đặt kệ sách dành cho trẻ nhỏ, ghế ngồi cho người lớn tuổi và bảng đen cho các cháu vẽ tranh hay học bài. Không gian này giúp các thành viên có thể trò chuyện, nghỉ ngơi mà không cần vào phòng riêng. Chính nhờ sự “nối liền” về không gian mà tình cảm giữa các thế hệ trong gia đình thêm gắn bó.

Tính linh hoạt và đa dụng của hành lang còn được khai thác mạnh mẽ trong các công trình công cộng, đặc biệt là văn phòng làm việc, trường học hay khách sạn. Những thiết kế hành lang kết hợp khu vực nghỉ ngắn, trưng bày sản phẩm hoặc thông tin nội bộ đang ngày càng phổ biến. Ở đó, hành lang không còn là không gian bị động mà trở thành phần nội thất tích cực, hỗ trợ con người trong các hoạt động thường ngày. Đặc biệt, trong môi trường làm việc hiện đại, hành lang được tận dụng làm nơi nghỉ giải lao, khu vực trao đổi nhanh hay thậm chí là điểm họp nhóm linh hoạt, giúp tiết kiệm diện tích mà vẫn đảm bảo công năng.

Sự thành công của thiết kế hành lang đa chức năng không chỉ nằm ở việc bố trí vật dụng mà còn ở khả năng tổ chức không gian một cách thông minh và tinh tế. KTS. Trương Văn Dương lưu ý rằng, để hành lang phát huy được vai trò đa nhiệm, người thiết kế cần tính toán kỹ lưỡng về diện tích lưu thông, ánh sáng, vật liệu và đặc biệt là sự an toàn trong di chuyển. Những chi tiết như tay vịn, chiều rộng phù hợp, và cách tổ chức vật dụng dọc theo hành lang phải vừa thuận tiện, vừa đảm bảo không gây cản trở cho việc đi lại.

Xu hướng thiết kế hành lang đa chức năng là minh chứng cho một triết lý sống linh hoạt, hiện đại – nơi mọi không gian đều có thể được tận dụng một cách sáng tạo để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt ngày càng đa dạng của con người. Hành lang không còn là nơi “đi qua” mà đã trở thành “nơi dừng lại” đầy cảm hứng, mang trong mình cả giá trị thẩm mỹ lẫn tiện ích, kết nối các không gian và con người trong một tổng thể sống hài hòa, gần gũi.

Khánh Chu

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/doi-song/hanh-lang-da-chuc-nang-153382.html
Zalo