Sở Tư pháp: Góp phần bảo đảm hoạt động quản lý nhà nước diễn ra liên tục
Thời gian qua, Sở Tư pháp Khánh Hòa đã nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ lĩnh vực tư pháp, góp phần bảo đảm hoạt động quản lý nhà nước không bị gián đoạn, chồng chéo, bỏ sót nhiệm vụ khi thực hiện các chủ trương, nhiệm vụ về sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Tăng cường số hóa, gia tăng tiện ích cho người dân
Như thường lệ, ngày làm việc tại Sở Tư pháp bắt đầu với cuộc họp giao ban. Khi nghe báo cáo tiến độ rà soát, xử lý dữ liệu hộ tịch sai lệch giữa cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có xu hướng chững lại, ông Lý Nguyễn Nguyên Vũ - Giám đốc Sở Tư pháp lập tức yêu cầu báo cáo cụ thể số liệu thực hiện của từng địa phương và phân tích nguyên nhân. Sau đó, ông gọi điện thoại cho một trưởng phòng tư pháp đề nghị đôn đốc; đồng thời, yêu cầu phòng chuyên môn của sở tham mưu văn bản nhắc nhở, cảnh báo tiến độ… Cuộc họp chỉ khoảng 15 phút nhưng đã giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh.

Cán bộ, công chức Phòng Nghiệp vụ 1, Sở Tư pháp trao đổi công việc.
Ông Lý Nguyễn Nguyên Vũ cho biết, trong các nhiệm vụ thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến 2030 (Đề án 06) của sở có nhiệm vụ hoàn thành rà soát, xử lý dữ liệu hộ tịch sai lệch giữa cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên toàn tỉnh trước ngày 30-4. Tuy nhiên, hiện nay, cả nước đang sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, nhiều công việc phát sinh, trong khi khối lượng dữ liệu cần hoàn thành rất lớn, thời gian thực hiện ngắn, nguồn lực còn hạn chế, các hệ thống phần mềm thường xuyên bị lỗi, một số vướng mắc về nghiệp vụ xử lý dữ liệu phải chờ hướng dẫn của Bộ Tư pháp, Bộ Công an… Để hoàn thành nhiệm vụ, sở đã phân bổ chỉ tiêu dữ liệu tối thiểu cần thực hiện theo ngày; đề nghị UBND cấp huyện theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp kết quả và báo cáo nhanh hằng ngày để kịp thời điều chỉnh nguồn lực, chỉ tiêu. Đồng thời, đề nghị ngành Công an phối hợp chặt chẽ với sở, UBND cấp huyện và công chức tư pháp - hộ tịch làm sạch dữ liệu đúng quy trình. Sở cũng thường xuyên theo dõi, đôn đốc, nhắc nhở, cảnh báo địa phương có tỷ lệ hoàn thành thấp; kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc…
Nhờ đó, đến ngày 23-4, toàn tỉnh đã hoàn thành 86% khối lượng dữ liệu cần xử lý, cao nhất cả nước. Đến ngày 26-4, tỉnh đã rà soát, xử lý xong 58.653 dữ liệu hộ tịch, đạt 100%. Nhiều địa phương hoàn thành vượt tiến độ, như: TP. Cam Ranh, huyện Diên Khánh, huyện Vạn Ninh…
Từ kết quả này, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch ứng dụng dữ liệu hộ tịch đã số hóa để cắt giảm thành phần hồ sơ trong quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), góp phần đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, gia tăng tiện ích cho người dân, doanh nghiệp. Ngày 8-5, UBND tỉnh có văn bản gửi Bộ Tư pháp về phối hợp triển khai phương án cắt giảm việc nộp, xuất trình giấy tờ hộ tịch trong giải quyết TTHC. Theo đó, trong 47 TTHC có yêu cầu nộp, xuất trình giấy tờ hộ tịch thuộc phạm vi quản lý của 8 cơ quan, UBND tỉnh sẽ khai thác cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, không yêu cầu người dân nộp, xuất trình giấy tờ đối với 6 TTHC thuộc lĩnh vực hộ tịch và nuôi con nuôi. Đồng thời, đề xuất kết nối dữ liệu hộ tịch từ Bộ Tư pháp với phần mềm cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, VNelD để trích xuất dữ liệu, tra cứu thông tin phục vụ giải quyết TTHC đối với 19 TTHC thuộc thẩm quyền của Công an tỉnh..
Bảo đảm văn bản quy phạm pháp luật được ban hành kịp thời, đúng quy định
Thực hiện nhiệm vụ do Ban Chỉ đạo triển khai xây dựng Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp giao, sở đã kịp thời có văn bản hướng dẫn trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND tỉnh, UBND tỉnh; góp phần đảm bảo các văn bản này được ban hành kịp thời, đúng thể thức, thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định; đáp ứng yêu cầu triển khai, hướng dẫn các nội dung áp dụng văn bản pháp luật để xử lý một số vấn đề liên quan đến chuyển tiếp thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương khi sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Sở cũng thường xuyên chủ động rà soát các văn bản đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan trình hoặc tham mưu UBND tỉnh trình Thường trực HĐND tỉnh để kịp thời hướng dẫn. Đồng thời, báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan thực hiện trình tự, thủ tục đúng quy định, đảm bảo các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đúng chỉ đạo của trung ương về định hướng sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 (định hướng chính quyền địa phương 2 cấp); giúp UBND tỉnh đôn đốc, hướng dẫn rà soát văn bản quy phạm pháp luật theo định hướng sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 (định hướng chính quyền địa phương 2 cấp). Trong đó, việc tổng hợp kết quả rà soát, kiến nghị xử lý văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến sắp xếp tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp đã được thực hiện đúng yêu cầu của Bộ Tư pháp.

Rà soát, xử lý dữ liệu hộ tịch điện tử tại phường Tân Tiến (TP. Nha Trang).
Ông Lý Nguyễn Nguyên Vũ cho biết, lãnh đạo sở luôn xác định cần nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và công chức, viên chức; phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo; phân công nhiệm vụ theo hướng “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ kết quả, rõ trách nhiệm”; tăng cường công tác phối hợp. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, thời gian tới, sở sẽ thường xuyên rà soát kế hoạch thực hiện; tích cực đổi mới, sáng tạo; chủ động đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện; quyết liệt đôn đốc đơn vị trực thuộc; hướng dẫn tháo gỡ vướng mắc trong phạm vi thẩm quyền…