Kinh tế thế giới nổi bật: Nga vững ngôi đầu nhà cung cấp nông sản, lý do người Mỹ lạc quan hơn, bất động sản Trung Quốc sắp chạm đáy

Nga giữ vị trí nhà cung cấp nông sản hàng đầu ra toàn cầu, niềm tin về tăng trưởng của người dân Mỹ trở nên lạc quan hơn, dự báo thời điểm bất động sản Trung Quốc chạm đáy, Đức phụ thuộc đáng kể vào người nhập cư trong dài hạn… là những tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.

Nga hiện là nhà cung cấp hàng đầu nhiều mặt hàng nông sản ra thế giới. (Nguồn: Reuters)

Nga hiện là nhà cung cấp hàng đầu nhiều mặt hàng nông sản ra thế giới. (Nguồn: Reuters)

Kinh tế thế giới

Tác động kép của AI đối với thương mại toàn cầu

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vừa công bố báo cáo "Hoạt động thương mại với trí tuệ: Cách AI định hình và bị định hình bởi thương mại quốc tế", trong đó phân tích những tác động mà trí tuệ nhân tạo (AI) có thể tạo ra cho thương mại toàn cầu.

Báo cáo nhấn mạnh tiềm năng của AI trong việc giảm chi phí thương mại, định hình lại hoạt động thương mại trong lĩnh vực dịch vụ, thúc đẩy thương mại hàng hóa và dịch vụ liên quan đến AI, và định nghĩa lại lợi thế so sánh của các nền kinh tế.

WTO chỉ ra vai trò của AI trong việc vượt qua các rào cản thương mại bằng cách tự động hóa hoạt động logistics, tinh giản những quy trình hải quan, hỗ trợ tuân thủ các quy định và dự đoán rủi ro. Những tiến bộ này có thể tạo ra sân chơi bình đẳng hơn cho các nền kinh tế đang phát triển và các doanh nghiệp nhỏ, giúp họ tham gia hiệu quả hơn vào thương mại quốc tế.

Tuy nhiên, báo cáo cũng cảnh báo về những thách thức, trong đó có nguy cơ gia tăng "khoảng cách về AI" giữa các nền kinh tế thu nhập cao và các nền kinh tế thu nhập thấp, sự chênh lệch giữa những công ty lớn và nhỏ, các vấn đề quản trị dữ liệu và nhu cầu đảm bảo độ tin cậy của AI.

WTO dự báo việc áp dụng AI rộng rãi sẽ giúp các nền kinh tế thu nhập cao tăng năng suất nhiều nhất, trong khi những nền kinh tế thu nhập thấp hơn có thể giảm chi phí đáng kể, nhưng khoảng cách giữa các nước này có thể nới rộng nếu không có hành động phối hợp.

Kinh tế Mỹ

* Biên bản cuộc họp gần đây của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) được công bố ngày 26/11 cho thấy các quan chức Fed dự đoán lạm phát sẽ tiếp tục hạ nhiệt. Dự đoán này báo hiệu Fed sẽ giảm lãi suất một cách chậm rãi nếu lạm phát tiếp tục giảm và thị trường lao động vẫn mạnh.

Biên bản cho biết nếu dữ liệu đúng như dự đoán rằng lạm phát sẽ tiến tới mức mục tiêu 2%, trong khi việc làm vẫn ổn định, thì "việc chuyển dần sang lập trường chính sách trung lập hơn theo thời gian có thể sẽ là phù hợp".

* Niềm tin về tăng trưởng kinh tế của người dân Mỹ trở nên lạc quan hơn vào tháng 11/2024 nhờ kỳ vọng lạm phát giảm và thị trường việc làm sôi động.

Tổ chức nghiên cứu Conference Board cho biết chỉ số niềm tin của người tiêu dùng Mỹ đã tăng lên 111,7 điểm từ mức 109,6 điểm trong tháng 10/2024.

Niềm tin của người tiêu dùng tăng cho thấy người Mỹ có thể chi tiêu nhiều hơn trong những tháng tới, điều sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, người Mỹ đã chi tiêu ở mức ổn định trong phần lớn hai năm qua ngay cả khi các biện pháp đánh giá niềm tin ở mức thấp.

Kinh tế Trung Quốc

* Sau những dấu hiệu tích cực trong những tháng gần đây do việc chính phủ Trung Quốc áp dụng hàng loạt biện pháp hỗ trợ, giới chuyên gia dự báo thị trường bất động sản Trung Quốc có thể sẽ chạm đáy và sau đó phục hồi trong nửa đầu năm 2026.

Chuyên gia kinh tế hàng đầu của Trung Quốc Uông Đào thuộc UBS Group AG, ngân hàng đầu tư đa quốc gia của Thụy Sỹ, cho hay mặc dù vẫn còn nhiều yếu tố bất ổn và thiếu bền vững, nhưng nhờ các chính sách hỗ trợ liên tục được chính phủ Trung Quốc áp dụng trong khoảng hai năm vừa qua, thị trường bất động sản của nước này đang có những dấu hiệu chuyển biến tích cực.

* Lợi nhuận của các công ty công nghiệp Trung Quốc trong tháng 10/2024 đã giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái, một dấu hiệu cho thấy các biện pháp kích thích chưa đảo ngược được tình trạng sụt giảm thu nhập của doanh nghiệp.

Đây là tháng thứ ba liên tiếp lợi nhuận của các công ty công nghiệp giảm, sau khi sụt 27,1% vào tháng 9/2024, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2020. Lợi nhuận công nghiệp là thước đo quan trọng về sức khỏe tài chính của các nhà máy ở Trung Quốc.

Từ tháng 1-10/2024, lợi nhuận của các công ty công nghiệp Trung Quốc đã giảm 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này được so sánh với mức giảm 3,5% trong giai đoạn tính đến tháng 9/2024.

Kinh tế châu Âu

* Theo các nguồn tin thân cận, trong những tuần gần đây, Liên minh châu Âu (EU) chỉ đạt được tiến triển hạn chế trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc về một thỏa thuận toàn diện thay thế chính sách áp thuế đối với xe điện.

Trung Quốc và EU hiện vẫn tiếp tục các cuộc đàm phán kỹ thuật sau các cuộc thảo luận tại Bắc Kinh vào đầu tháng này, khi cả hai bên đều tuyên bố đã đạt được một số tiến bộ. Tuy nhiên, tình hình không có sự thay đổi đáng kể kể từ đó, và việc tiếp xúc giữa hai bên hiện rất hạn chế.

* Theo một nguồn tin thân cận, Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga đang lên kế hoạch cho năm 2025 dựa trên giả định sẽ không còn vận chuyển khí đốt sang châu Âu qua Ukraine sau ngày 31/12. Kế hoạch này hiện chưa được ban lãnh đạo cấp cao của Gazprom phê duyệt.

Kế hoạch dự kiến xuất khẩu khí đốt của Nga sang "những nước xa xôi" - thuật ngữ dùng để chỉ châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ và không bao gồm các nước thuộc Liên Xô cũ - sẽ giảm 20% vào năm 2025, từ mức hơn 49 tỷ m3 dự kiến trong năm nay xuống dưới 39 tỷ m3 do ngừng sử dụng tuyến đường ống qua Ukraine.

* Phó Thủ tướng Nga Dmitry Patrushev cho biết nước này hiện là nhà cung cấp hàng đầu nhiều mặt hàng nông sản ra thế giới.

Theo ông Patrushev, trong năm 2024, Nga không chỉ đáp ứng đầy đủ các loại thực phẩm thiết yếu cho nhu cầu trong nước, mà còn duy trì vị thế là nhà cung cấp lương thực đáng tin cậy trên thị trường thế giới, tham gia tích cực vào các chương trình nhân đạo quốc tế, góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu. Nguồn cung nông sản của Nga ra thị trường nước ngoài, trong đó có Ấn Độ, Bangladesh, Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), Indonesia… tiếp tục tăng trưởng.

* Theo một nghiên cứu do Quỹ Bertelsmann ủy quyền thực hiện, thị trường lao động Đức cần khoảng 288.000 lao động nhập cư mỗi năm từ nay cho đến năm 2040, cho thấy "mức độ phụ thuộc đáng kể" vào người nhập cư trong dài hạn, để có đủ nguồn cung lao động.

Hiện tại, số lao động nhập cư vào Đức thấp hơn đáng kể so với nhu cầu. Bà Susanne Schultz, chuyên gia về nhập cư của Bertelsmann, cho rằng cần phải giảm bớt các rào cản và cải thiện điều kiện cho người nhập cư để có thể thu hút nhiều hơn lao động nước ngoài đến Đức.

Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc

* Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KCCI) đã tổ chức một cuộc họp với đối tác Nhật Bản vào ngày 25/11 và nhất trí tăng cường quan hệ trong các lĩnh vực năng lượng, chuỗi cung ứng và công nghệ tiên tiến.

Cuộc họp lần thứ 13 của các lãnh đạo KCCI và Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI) đã được tổ chức tại Osaka (Nhật Bản). Cuộc họp gần đây nhất của họ diễn ra tại Busan (Hàn Quốc) vào tháng 6/2023. Các cuộc thảo luận tập trung vào việc xác định các lĩnh vực triển vọng cho hợp tác kinh tế do khu vực tư nhân dẫn đầu, bao gồm năng lượng, chuỗi cung ứng và công nghệ tiên tiến, cũng như khám phá các mô hình hợp tác giữa các phòng thương mại địa phương.

* Theo Bộ Khoa học và Công nghệ thông tin Hàn Quốc ngày 27/11, chính phủ nước này sẽ đầu tư tổng cộng 4.000 tỷ Won (tương đương 2,86 tỷ USD) để xây dựng một trung tâm điện toán AI quốc gia như một phần trong nỗ lực tăng cường khả năng cạnh tranh của nước này trong lĩnh vực công nghệ AI đang phát triển nhanh chóng.

Quyết định nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh toàn cầu của các ngành công nghiệp Hàn Quốc, hỗ trợ các công ty và nhà nghiên cứu Hàn Quốc trong lĩnh vực xử lý đồ họa (GPU) tiên tiến, đóng vai trò quan trọng trong AI.

* Kết quả một cuộc thăm dò dư luận của Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) vừa công bố cho thấy, tâm lý người tiêu dùng Hàn Quốc đã giảm vào tháng 11 do lo ngại gia tăng về tình trạng xuất khẩu chậm lại và sự bất ổn bắt nguồn từ những thay đổi chính sách dự kiến của chính quyền mới tại Mỹ.

Đáng chú ý là tác động của lập trường “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống đắc cử Donald Trump đối với các lĩnh vực kinh tế và công nghiệp nói chung, khi ông tuyên bố sẽ áp thuế cao đối với hàng hóa nhập khẩu và thực hiện một loạt các biện pháp bảo hộ, khiến tâm lý người tiêu dùng xứ kim chi xấu đi đáng kể.

Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi

* Tại cuộc họp của Ủy ban Môi trường chung Malaysia-Singapore (MSJCE), hai bên đã trao đổi và thảo luận về những tiến triển đã đạt được trong hợp tác thúc xây dựng môi trường bền vững. Một trong những vấn đề trọng tâm trong cuộc thảo luận là việc kiểm soát khí thải từ các phương tiện giao thông.

Hai bên đã nhất trí tăng cường trao đổi thông tin để cải thiện chất lượng không khí và cam kết tăng cường hợp tác trong việc giám sát chất lượng nguồn nước ở bang Johor.

* Chủ tịch Hội đồng Kinh tế Quốc gia Indonesia Luhut Binsar Pandjaitan ngày 27/11 cho biết, chính phủ có thể sẽ tạm dừng việc thực hiện kế hoạch tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) lên 12% trước ngày 1/1/2025.

Ông nhấn mạnh, chính phủ sẽ xây dựng và thực hiện biện pháp kích thích nền kinh tế cho tầng lớp trung lưu, sau đó mới tính toán đến khả năng triển khai chính sách tăng VAT.

* Chính phủ Thái Lan đang xúc tiến xây dựng một cây cầu nối liền tỉnh Chanthaburi ở miền Đông nước này với tỉnh Pailin của Campuchia, với chi phí khoảng 15 triệu Baht (hơn 435.000 USD).

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Thái Lan Anutin Charnvirakul cho biết, cầu mới sẽ là cầu bê tông có chiều dài khoảng 40 mét. Cây cầu sau khi hoàn thành sẽ được gọi là Cầu Hữu nghị Chanthaburi-Pailin, thay thế cây cầu thép tạm thời hiện đang nối hai tỉnh, qua đó thúc đẩy thương mại và du lịch xuyên biên giới giữa hai nước.

Hải An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kinh-te-the-gioi-noi-bat-nga-vung-ngoi-dau-nha-cung-cap-nong-san-ly-do-nguoi-my-lac-quan-hon-bat-dong-san-trung-quoc-sap-cham-day-295374.html
Zalo