Giá vàng thế giới có thể biến động rất mạnh thời gian tới
Giá vàng thế giới sẽ có thể chạm mốc 3.000USD/ounce ngay trong 2 quý đầu năm 2025, tuy nhiên nhà đầu tư cẩn trọng với kịch bản nếu lạm phát tăng vọt, Fed có thể phải nâng lãi suất.
Cập nhật vào đầu giờ sáng 28-11 trên thị trường New York, giá vàng thế giới giao ngay tăng 0,3% lên 2.638,9USD/ounce. Giá vàng thế giới giao hợp đồng tương lai tăng 0,7% lên 2.639,9USD/ounce.
Giá vàng thế giới có thể biến động rất mạnh thời gian tới
Theo phân tích của các chuyên gia, việc giá vàng diễn biến với biên độ hẹp có nguyên nhân từ việc tâm lý của nhà đầu tư trở nên thận trọng sau khi những dữ liệu gần đây cho thấy lạm phát Mỹ vẫn cao dai dẳng, như vậy tốc độ nới lỏng chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhiều khả năng sẽ chững lại.
Trưởng bộ phận chiến lược thị trường tại quỹ Blue Line Futures, ông Phillip Streible, nhận xét: “Những diễn biến mới đây trên thị trường kim loại có nguyên nhân trực tiếp từ thông tin lạm phát ở Mỹ chưa thực sự hạ sâu, thu nhập người dân tăng. Tuy nhiên sự điều chỉnh này chỉ diễn ra trong ngắn hạn”.
Diễn biến chỉ số đồng USD đang hỗ trợ cho giá vàng thế giới. Chỉ số đồng USD hạ 0,8% rơi xuống ngưỡng thấp nhất trong 2 tuần, chính vì vậy vàng cũng trở nên hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư sở hữu các loại tiền tệ khác.
Ông Streible dự báo giá vàng thế giới sẽ có thể chạm mốc 3.000USD/ounce ngay trong 2 quý đầu của năm 2025, tuy nhiên cũng vẫn phải cẩn trọng với kịch bản nếu lạm phát tăng vọt, Fed sẽ có thể phải nâng lãi suất.
Khả năng Fed hạ lãi suất trong tháng 12-2024 hiện đang được tính toán ở mức khoảng 70%. Những tài sản không mang lại lợi suất thường tăng giá mạnh trong môi trường lãi suất thấp.
Ngày thứ Hai tuần này, giá vàng đã chứng kiến một phiên lao dốc rất mạnh đến hơn 100USD/ounce, đây là ngày sụt giảm mạnh nhất trong 5 tháng của giá vàng thế giới. Nguyên nhân chính đằng sau sự sụt giảm của giá vàng thế giới chính là việc Israel và Hezbollah đạt thỏa thuận ngừng bắn.
Chuyên gia thị trường hàng hóa tại tổ chức Capital Economics, ông Hamad Hussain, dự báo: “Biến động giá vàng thế giới có thể gia tăng trong ngắn hạn nếu bất ổn chính trường Mỹ và căng thẳng địa chính trị Trung Đông gia tăng”.
Chênh lệch mua - bán của giá vàng miếng SJC cao nhất so với các thương hiệu
Giá vàng miếng SJC tại thị trường trong nước giao dịch ở mốc 83,00 – 85,50 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), nhích nhẹ khoảng 300 nghìn đồng/lượng so với phiên liền trước. Chênh lệch giá mua vào – bán ra ước tính 2,5 triệu đồng/lượng, tiềm ẩn khá nhiều rủi ro với người mua.
Giá vàng nhẫn SJC tại thị trường trong nước ở mốc 82,70 – 84,60 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng nhẹ 400 nghìn đồng/lượng so với đầu giờ sáng qua.
Nếu tính theo mức giá đóng cửa của giá vàng thế giới phiên gần nhất, quy đổi theo tỉ giá bán USD của Vietcombank, giá vàng thế giới tương đương 81,97 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng miếng SJC trong nước 3,53 triệu đồng/lượng.
Tại Bảo Tín Mạnh Hải, giá vàng nhẫn ép vỉ vàng rồng Thăng Long giao dịch ở mức 82,98 – 84,98 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Tại Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), giá vàng miếng Kim Bảo 999.9 giao dịch ở mức 83,50 – 84,50 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Có thể thấy ở thời điểm hiện tại, giá vàng miếng SJC có chênh lệch mua vào – bán ra cao nhất so với các thương hiệu khác.