Ngành gỗ bước vào chu kỳ tăng trưởng mới
Các doanh nghiệp ngành gỗ tiếp tục mở rộng thị phần tại nhiều thị trường tiêu thụ đồ gỗ nội thất hàng đầu thế giới.
Bức tranh kết quả kinh doanh trong quý III/2024 của ngành gỗ xuất hiện nhiều hơn những điểm sáng, với động lực đến từ sự gia tăng kim ngạch xuất khẩu và mở rộng thị trường.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 10 tháng đầu năm 2024, trị giá xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ đạt 13,22 tỷ USD, tăng mạnh 21,2% so với cùng kỳ năm trước. Qua đó tiến sát mục tiêu 15,2 tỷ USD của cả năm 2024.
Các thị trường xuất khẩu chủ lực đều ghi nhận tăng trưởng. Trong đó, riêng tại thị trường Mỹ, giá trị xuất khẩu của nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ chiếm tới 55,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này, đạt trên 7,34 tỷ USD, tăng 25,3% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó là một số thị trường cũng đạt kim ngạch cao như Trung Quốc đạt 1,72 tỷ USD, chiếm 13%, tăng 2,5%; Nhật Bản đạt 1,42 tỷ USD, chiếm 10,8%, tăng 22,3%; EU đạt 401,71 triệu USD, chiếm 3%, tăng 26,1%; Đông Nam Á đạt 273,2 triệu USD, chiếm 2,1%, tăng 15,6%.
Những thuận lợi này đã được phản ánh vào bức tranh kinh doanh của các doanh nghiệp gỗ trên sàn chứng khoán trong kỳ công bố báo cáo quý III/2024 vừa qua với số công ty ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận chiếm áp đảo cả về chất và lượng.
Bức tranh ngành gỗ nhiều điểm sáng
Dẫn dắt đà phục hồi tích cực của toàn ngành, doanh thu của Công ty CP Gỗ An Cường trong quý III/2024 ghi nhận 1.043 tỷ đồng, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm ngoái cùng biên lãi gộp cải thiện nhẹ lên 31,4%.
Công ty vẫn tiếp tục giữ ngôi “quán quân ngành” về lợi nhuận ròng quý III với mức lãi ròng hơn 130 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ nhờ sợ hỗ trợ từ thị trường xuất khẩu khởi sắc, tập trung vào các dòng sản phẩm có biên lãi tốt và được củng cố thêm từ thu nhập tài chính.
Lũy kế chín tháng đầu năm 2024, doanh nghiệp mang về hơn 2.764 tỷ đồng doanh thu, tăng gần 6% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 330 tỷ đồng, tăng hơn 32,5% so với cùng kỳ 2023.
Trong khi đó, về mặt doanh thu, một "ông lớn" ngành gỗ khác là Công ty CP Phú Tài tiếp tục đứng đầu quý III với giá trị 1.485 tỷ đồng, tăng hơn 25% so với cùng kỳ.
Sau chín tháng, mảng gỗ của Phú Tài mang về 2.550 tỷ đồng doanh thu, tăng 27%, chiếm 56% tổng doanh thu. Gỗ đang là mảng có tỷ trọng xuất khẩu lớn nhất của Phú Tài với sự thúc đẩy từ các thị trường chủ lực là Mỹ và châu Âu, giúp biên lãi gộp được cải thiện.
Đứng đầu về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ròng quý III, Công ty CP Đầu tư xây dựng và phát triển đô thị Thăng Long và Công ty CP Hợp tác kinh tế và xuất nhập khẩu Savimex ghi nhận “bước nhảy vọt” so với cùng kỳ.
Cụ thể, trong quý III/2024, Đô thị Thăng Long mang về hơn 146 tỷ đồng doanh thu, tăng 347% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 4,4 tỷ đồng, tăng mạnh gần 700% so với cùng kỳ năm trước.
Sau 9 tháng, doanh nghiệp đạt hơn 424 tỷ đồng doanh thu, tăng hơn 115% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 14,5 tỷ đồng, tăng hơn 437% so với cùng kỳ 2023.
Trong khi đó, Savimex mang về hơn 290 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý III, tăng hơn 82% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận gần 11 tỷ đồng, tăng 400% so với cùng kỳ 2023.
Lũy kế chín tháng, Savimex mang về hơn 759 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 36,5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận hơn 51 tỷ đồng, tăng 325% so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý III, Gỗ Đức Thành cũng có kết quả kinh doanh khởi sắc, khi doanh thu tăng hơn 32% so với cùng kỳ lên gần 92 tỷ đồng. Lãi ròng tăng gấp rưỡi lên hơn 15,8 tỷ đồng nhờ biên lãi gộp cao nhất nhiều năm qua, vượt trên 42%.
Theo giải trình, công ty cho biết doanh thu tăng do khách quay trở lại đặt hàng nhiều hơn trước và có nhiều doanh thu từ việc cho thuê nhà xưởng. Lãi ròng tăng nhiều nhờ cải tiến quy trình sản xuất, điều hành hiệu quả nên năng suất lao động tốt.
Bên cạnh đó, công ty thực hiện dồn ba nhà máy lại thành một nên cùng một lúc tiết kiệm được quỹ lương do tinh gọn nhân sự, tiết kiệm chi phí vận chuyển, tiết kiệm chi phí quản lý. Ngoài ra, công ty còn có thêm lợi nhuận từ việc cho thuê nhà xưởng của hai nhà máy đã dời đi.
Lũy kế chín tháng đầu năm, doanh thu thuần của Gỗ Đức Thành đạt hơn 249 tỷ đồng, tăng hơn 12% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận gần 39 tỷ đồng, tăng 62,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Bên cạnh những điểm sáng kể trên, vẫn có những “nốt trầm” hiếm hoi trong bức tranh chung của ngành như trường hợp của Gỗ Trường Thành.
Theo đó, Gỗ Trường Thành tiếp tục lỗ hơn 21 tỷ đồng trong quý III, nâng tổng lỗ chín tháng lên gần 27 tỷ đồng. Thực tế, doanh nghiệp này đã liên tục lỗ lũy kế từ cú “sụp đổ” năm 2016. Tính đến hết 30/9, Gỗ Trường Thành lỗ lũy kế gần 3.268 tỷ đồng.
Công ty cho biết, "do thị trường của các khách hàng lớn gặp nhiều khó khăn nên doanh thu xuất khẩu giảm". Công ty đang tập trung mở rộng và tìm kiếm khách hàng mới tại EU, Mỹ, đặc biệt châu Á, Dubai, Australia và Đông Á nhằm tăng sản lượng trong quý IV/2024.
Sáng cửa tiếp đà phục hồi
Hiện tại, Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 5 thế giới về tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ, đồng thời đã và đang mở rộng thị trường xuất khẩu, thâm nhập sâu hơn vào các thị trường quan trọng.
Đến nay, các sản phẩm gỗ của Việt Nam đã vươn tới 170 thị trường thế giới, trong đó, năm thị trường lớn là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và EU chiếm tới hơn 90% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ.
Nhờ đẩy mạnh tăng trưởng về xuất khẩu, đồ gỗ Việt Nam đang tiếp tục chiếm thị phần lớn tại nhiều thị trường tiêu thụ đồ nội thất bằng gỗ hàng đầu thế giới. Bên cạnh đó, tiêu dùng tại các thị trường lớn bắt đầu phục hồi, kỳ vọng cho ngành gỗ có cơ hội tăng tốc xuất khẩu trong quý IV và cả năm 2024.
Về triển vọng trong thời gian tới, với những số liệu xuất khẩu tích cực, các doanh nghiệp cho biết, đơn hàng về đồ gỗ cuối năm 2024 đang tăng trưởng tốt, đặc biệt việc ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ có thể mở ra nhiều lợi thế cho Việt Nam.
Giới đầu tư kỳ vọng với chính sách áp thuế cao hàng hóa từ Trung Quốc của ông Trump, cơ hội xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam vào Mỹ sẽ tăng lên trong thời gian tới. Bên cạnh đó là xu hướng dịch chuyển đơn hàng sang Việt Nam nhờ lợi thế về nguyên liệu và chi phí sản xuất.
Ngoài ra, theo nhận định mới đây của công ty chứng khoán MB (MBS), lãi suất vay mua nhà 30 năm ở Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất (6,2%) kể từ tháng 2/2023 (6,09%).
Lãi suất hiện tại vẫn tiếp tục xu hướng giảm do các dữ liệu kinh tế được công bố đã cho thấy dấu hiệu ổn định hơn. Việc Fed giảm lãi suất sẽ khiến các ngân hàng tiếp tục hạ lãi suất cho vay mua nhà 30 năm.
Dự báo của Wells Fargo cho thấy kỳ vọng lãi suất vay mua nhà 30 năm sẽ về gần mức 6,3% trong năm 2024 và giảm xuống 5,55% trong năm 2025.
MBS dự kiến với các kỳ vọng về kế hoạch cắt giảm lãi suất của Fed trong thời gian tới sẽ giúp cho lãi suất cho vay mua nhà 30 năm của Mỹ hạ xuống dưới 6% về quanh mức 5,5 – 5,6% trong 2025, giúp nhu cầu nhà ở phục hồi tốt hơn trong giai đoạn sau, tạo động lực cho sự phục hồi của ngành gỗ.