Kinh tế Mỹ 'đi trên dây'
'Kinh tế Mỹ thời gian qua có sức bền rất tốt khi có thể vượt qua nhiều rào cản và duy trì tăng trưởng'.

Theo các nhà kinh tế, ở thời điểm hiện tại, rủi ro suy thoái kinh tế Mỹ đã tăng lên từ mức tương đối thấp trước đó. (Nguồn Bloomberg)
Cùng với nhận định khả quan như vậy, Chiến lược gia trưởng toàn cầu David Kelly tại JPMorgan tỏ ra không chắc chắn vì “tình hình hiện tại rất khác”.
Trên thực tế, giới quan sát nhận định, kỳ vọng về kinh tế Mỹ bị đảo ngược chỉ vỏn vẹn trong 20 ngày. Ngày 19/2, thị trường chứng khoán Mỹ còn ghi nhận mức đỉnh lịch sử khi chỉ số S&P 500 lập lỷ lục mới, trong bối cảnh nhà đầu tư đặt kỳ vọng lớn vào sự tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, chỉ 20 ngày sau, nhà đầu tư Phố Wall bán tháo mạnh do nỗi lo suy thoái, “thổi bay” hàng nghìn tỷ USD vốn hóa thị trường.
Tăng ẩn số, giảm niềm tin
“Mơ hồ và bấp bênh” là những từ ngữ thường xuyên được giới phân tích sử dụng để nói về nền kinh tế lớn nhất thế giới trong những ngày qua, đặc biệt kể từ khi “chiến dịch” thuế quan của ông chủ Nhà Trắng “tấn công” toàn cầu.
Đà bán tháo khiến thị trường chứng khoán Mỹ “tụt dốc” mạnh, sau khi Tổng thống Donald Trump công bố kế hoạch áp thuế đối với tất cả các đối tác kinh tế bị đánh giá là “không công bằng” với Mỹ.
Đỉnh điểm là ngày 9/4 - thời điểm được coi là giờ G - khi các mức thuế quan của chính phủ Mỹ (công bố ngày 2/4) có hiệu lực. Trong đó, Nhà Trắng quyết “xuống tay” với hàng hóa Trung Quốc với mức thuế 104%. Động thái được đánh giá là một trong những hành động thương mại quyết liệt nhất mà Mỹ đã thực hiện trong nhiều năm qua.
Giới chuyên gia bắt đầu điều chỉnh giảm dự báo về GDP của Mỹ. Tổng thống Trump và đội ngũ kinh tế của ông đối mặt với những câu hỏi về nguy cơ suy thoái và dường như không thể xoa dịu mối lo của công chúng về sức khỏe nền kinh tế.
Nhiều chuyên gia tăng dự báo rủi ro tăng trưởng yếu đối với nền kinh tế Mỹ, trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ “rất khó xử” trong trường hợp này.
Tại sao thị trường chứng khoán Mỹ lại lo lắng về thuế quan đến thế? Theo CNBC, các nhà đầu tư lo ngại “cú sốc thuế quan” sẽ ảnh hưởng tăng trưởng của các công ty niêm yết và khả năng kinh tế suy thoái cao.
Chuyên trang tài chính Barron's phân tích, thị trường chứng khoán suy yếu dẫn tới rủi ro chi tiêu của người dân Mỹ. Với các hộ gia đình có thu nhập thấp, thuế quan chỉ đơn giản là một loại thuế đánh vào hàng hóa họ cần mua. Nó góp phần kìm hãm chi tiêu và làm giảm đầu tư kinh doanh. Hoặc để không đổ hết lên vai người tiêu dùng, nhiều công ty sẽ chịu một phần chi phí, khiến lợi nhuận bị xói mòn.
Phân tích sâu hơn, Marketwatch cho biết, hai cuộc suy thoái gần đây, nhà đầu tư Mỹ quen với việc Fed sẽ can thiệp kịp thời và mạnh mẽ “bơm tiền” để giải cứu nền kinh tế, nhưng lần này có thể là không. Hai cuộc suy thoái trước, lạm phát ở mức rất thấp. Điểm khác biệt lần này là suy thoái có thể xảy ra do “cú sốc lạm phát” – lạm phát chồng lên lạm phát, vốn đang có thừa trong nền kinh tế. Nếu Fed bơm thêm tiền bằng hạ lãi suất, sẽ là “lợi bất cập hại” khi bơm thêm lạm phát vào nền kinh tế.
Tương lai khó dự đoán
Tuần qua, lần thứ hai trong vòng một tuần, Goldman Sachs tăng dự báo suy thoái, trong bối cảnh ngày càng nhiều ngân hàng đầu tư cùng đưa ra dự đoán trên, do lo ngại chiến tranh thương mại leo thang, làm đảo lộn kinh tế toàn cầu.
Goldman Sachs đã nâng tỷ lệ dự báo suy thoái kinh tế Mỹ từ 20% lên 35%, hạ triển vọng tăng trưởng năm 2025 từ 1,5% xuống 1,3%, cảnh báo các mức thuế quan mới có thể kìm hãm tăng trưởng, thổi bùng lạm phát và đẩy tỷ lệ thất nghiệp tăng cao.
JPMorgan dự báo rủi ro suy thoái của Mỹ và toàn cầu ở mức 60%, do lo ngại thuế quan không chỉ kích thích lạm phát của Mỹ mà còn gây ra các biện pháp trả đũa từ các quốc gia khác như Trung Quốc, EU, Mexico, Canada…
Trong đó, Trung Quốc tuyên bố sẽ “đáp trả đến cùng”. Liên minh châu Âu cũng xây dựng phương án ứng phó, tính tới kịch bản trả đũa mức thuế 25%.
Thị trường Mỹ đã chịu tổn thất nặng nề trong những ngày qua, sau những loạt đòn tấn công và trả đũa đầu tiên. Chứng khoán Mỹ “bốc hơi” hơn 6.000 tỷ USD trong ngày 3-4/4, đánh dấu hai ngày sụt giảm giá trị thị trường lớn nhất trong lịch sử. Người ta càng lo ngại về một cuộc thương chiến kéo dài, có thể đẩy nền kinh tế đầu tàu thế giới vào suy thoái. Những diễn biến này sẽ đóng vai trò là bối cảnh cho các cuộc họp sắp tới của Fed - cân nhắc xem có nên tiếp tục cắt giảm lãi suất không.
Giáo sư James W. Harpel của trường Harvard Kennedy thẳng thắn cho rằng, cách tiếp cận của chính phủ Mỹ đối với thuế quan đang gây tổn hại đến đầu tư chứ không phải giúp ích cho nó. Sự hỗn loạn chính sách hiện tại đang có tác dụng ngược, làm suy giảm niềm tin. Ông cũng cho rằng, lập luận về thuế quan của Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent “không dựa trên bất kỳ loại lý thuyết kinh tế nào mà ông biết”.
Trước đó, Bộ trưởng Bessent gọi đợt bán tháo trên thị trường vừa qua là “bình thường”, là “điều chỉnh lành mạnh” đối với nhiều năm phụ thuộc quá mức vào chi tiêu của chính phủ và dự đoán Mỹ sẽ có nền kinh tế mạnh hơn.
Tuy nhiên, bất ngờ là, các số liệu kinh tế mới nhất cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới chưa có dấu hiệu sẽ suy thoái trong tương lai gần. Kinh tế Mỹ tăng trưởng khá ổn định từ cuối năm ngoái, trong khi thị trường lao động vẫn ở trạng thái tăng trưởng ít nhất cho đến tháng 1 và 2/2025.
Vẫn còn quá sớm để nhận định nền kinh tế Mỹ đang tiến tới suy thoái. Một cuộc suy thoái sâu thường có các tín hiệu rõ ràng như sa thải lao động hàng hoạt, doanh nghiệp đóng cửa và phá sản la liệt. Thậm chí, lịch sử kinh tế Mỹ cho thấy, nhiều lần nhà đầu tư lo lắng về suy thoái trước đây là do cường điệu quá mức. Đơn cử, trong cơn hoảng loạn về suy thoái năm 2022, nhiều người thậm chí dự báo khả năng suy thoái là 99%. Nhưng không có cuộc suy thoái nào xảy ra năm đó.
Tổng thống Donald Trump cho rằng, người Mỹ nên quen với một giai đoạn chuyển tiếp. Nhưng Chỉ số tâm lý người tiêu dùng do nghiên cứu của Đại học Michigan vừa công bố đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2022.
Theo các nhà kinh tế, ở thời điểm hiện tại, rủi ro suy thoái kinh tế Mỹ đã tăng lên từ mức tương đối thấp trước đó. Nguyên nhân chính là sự bấp bênh liên quan tới chương trình nghị sự kinh tế của Tổng thống Trump, đặc biệt là tính “bất ngờ” trong kế hoạch thuế quan của ông chủ Nhà Trắng.
Điều đáng nói là sự thay đổi nhanh chóng trong tâm lý của nhà đầu tư Phố Wall. Chỉ vài tuần trước, họ còn băn khoăn về việc kinh tế Mỹ liệu có đang “quá nóng” hay không? Giờ đây, họ đang rối bời với câu hỏi: Suy thoái có thể sắp xảy ra và nó có đang quá mạnh? Động thái tiếp theo của Tổng thống Trump là gì? Mọi thứ trở nên mơ hồ hơn bao giờ hết.