'Dân vận khéo' gắn với giảm nghèo ở Lang Chánh
Công tác 'Dân vận khéo' được cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở huyện Lang Chánh được đẩy mạnh trong thời gian qua. Từ đó, thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, giải quyết cơ bản những khó khăn về đời sống, sản xuất, đặc biệt là việc giảm hộ nghèo nhanh và bền vững.

Cán bộ huyện cùng lãnh đạo xã Tân Phúc nắm bắt tình hình sản xuất, đời sống, động viên người dân phát triển kinh tế.
Đến xã Tân Phúc những ngày này, nhìn thấy sự đổi thay của một vùng quê từng loay hoay với câu chuyện thoát nghèo mới có thể cảm nhận hết được sự chuyển biến lớn này. Những con đường bê tông rộng rãi dẫn vào các bản làng, trường học, trạm y tế, trụ sở xã, nhà văn hóa thôn... được xây dựng khang trang. Đây là kết quả từ sự “khéo” trong công tác dân vận, tạo sự đồng thuận của Nhân dân trong cuộc vận động XDNTM.
Đến nay Tân Phúc đã hoàn thành 19 tiêu chí xã NTM. Toàn xã đã huy động được trên 36 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng. Trong quá trình XDNTM, xã chú trọng phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng bền vững, gắn với phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người đến năm 2024 của xã đạt trên 45 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,67%.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Tân Phúc, Lê Minh Thư, phong trào “Dân vận khéo” đã làm thay đổi nhận thức, tư duy và cách làm của người dân trong phát triển kinh tế. Nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, “khéo” tuyên truyền, vận động, phát huy vai trò của Nhân dân ở lĩnh vực văn hóa - xã hội và phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc". Nhiều mô hình đi vào chiều sâu, từng bước trở thành nếp nghĩ, cách làm thường xuyên của tập thể, cá nhân, địa phương. Qua đó kinh tế - xã hội của xã ngày càng phát triển.
Hiện địa bàn huyện Lang Chánh có 53 mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực. Trong đó 8 mô hình cá nhân, 10 mô hình tập thể đang phát huy hiệu quả trong việc tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia phát triển kinh tế, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh. Nổi bật là các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp sạch, thân thiện với môi trường; liên kết sản xuất, nuôi, trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả và nguồn thu nhập kinh tế cao góp phần xóa đói, giảm nghèo, khuyến khích sản xuất, kinh doanh giỏi, làm giàu chính đáng, điển hình như: Nhân rộng mô hình chăn nuôi vịt bầu bản địa; mô hình nuôi gà thả đồi, mô hình chăn nuôi lợn cỏ... Từ đó sản lượng các loại cây trồng, vật nuôi chính tăng nhanh, việc chuyển đổi đất lúa sang trồng cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn mang lại hiệu quả rõ rệt.
Toàn huyện đã có 1ha rau an toàn tập trung chuyên canh tại làng Thung, xã Đồng Lương và hơn 10ha rau an toàn Nhân dân tự gieo trồng; nhiều mô hình mới gắn với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã khẳng định được hiệu quả kinh tế và khả năng nhân rộng như: mô hình Kẹo nhãn Châu Lang, Tinh dầu ngải cứu, mật ong rừng Chí Linh Sơn, muối mắc khẻn Mường Đeng, rượu siêu men lá Bình An, Măng khô Bình Minh... Trong chăn nuôi, đã phát triển nhiều mô hình con đặc sản như: lợn rừng, lợn cỏ, gà đồi, dê... đã khẳng định được hiệu quả và khả năng nhân rộng. Cấp ủy, chính quyền các địa phương cũng tuyên truyền, vận động Nhân dân, nhất là trong việc thực hiện các chủ trương, dự án, các công trình lớn để đẩy mạnh phát triển kinh tế.
Công tác “Dân vận khéo” là yếu tố quyết định nhằm khơi dậy sức mạnh toàn dân trong công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn. Quý I năm 2025, huyện đã tổ chức vận động và tiếp nhận số tiền gần 2,4 tỷ đồng để thực hiện nhiệm vụ này. Hiện tổng số hộ được phê duyệt làm nhà ở là 1.975 hộ, đã làm xong 369 hộ (đạt 18,7%), đang làm 28 hộ (đạt 1,4%), còn lại 1.578 hộ đồng loạt khởi công vào ngày 20/3/2025, phấn đấu hoàn thành trước ngày 31/10/2025.
Có thể nói rằng, công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã lan tỏa sâu rộng trong hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn huyện. Từ phong trào thi đua này đã góp phần chuyển biến nhận thức, tạo động lực để người dân ổn định sinh kế bền vững, nhất là bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, góp phần tạo động lực cho kinh tế - xã hội của huyện phát triển, đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Năm 2024, kinh tế của huyện có bước tăng trưởng khá, các lĩnh vực đều chuyển biến tích cực, nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch của tỉnh giao. Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2024, toàn huyện còn 1.336 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm 7,57% so với năm 2023 (từ 18,97% xuống 11,4%), vượt chỉ tiêu tỉnh giao. Trong quý I năm 2025, tốc độ sản xuất đạt khá, các ngành, lĩnh vực kinh tế tiếp tục chuyển biến tích cực; sản lượng lương thực có hạt tăng 49,3% so với cùng kỳ; giá trị xuất khẩu tăng 13,0%, nguồn cung hàng hóa được đảm bảo, giá cả ổn định.
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Lang Chánh, Nguyễn Xuân Hồng cho biết: “Có được thành quả trong “Dân vận khéo” gắn với giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện trong thời gian qua, đó là sự chung sức đồng lòng của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội, Nhân dân. Thời gian tới công tác “Dân vận khéo” tiếp tục tập trung vào những vấn đề đặt ra trong đời sống hằng ngày, có liên quan mật thiết, trực tiếp đến Nhân dân, nhất là việc phát triển kinh tế, giảm nghèo, XDNTM, an ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội... góp phần tạo khí thế, động lực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”.