Đòn bẩy phát triển kinh tế tư nhân
Theo đánh giá của giới chuyên gia kinh tế, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025 và tăng trưởng 2 con số những năm tiếp theo, ngoài các động lực truyền thống thì một trong những trụ cột quan trọng nhất chính là thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

Cần tháo gỡ nhiều rào cản để tạo động lực cho doanh nghiệp tư nhân phát triển. Ảnh: Quang Vinh.
Đóng góp lớn vào sự tăng trưởng
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 526/QĐ-TTg ngày 6/3/2025 về việc thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Phát triển kinh tế tư nhân.
Đề án phát triển kinh tế tư nhân với quan điểm kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế, năng suất lao động, giải quyết việc làm và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đề án cũng khẳng định kinh tế tư nhân là lực lượng nòng cốt thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Phát triển kinh tế tư nhân là phương thức quan trọng nhất để giải phóng sức sản xuất, kích hoạt, huy động tối đa mọi nguồn lực của người dân vào phát triển kinh tế - xã hội.
Kinh tế tư nhân không chỉ giúp mở rộng sản xuất, thương mại, dịch vụ mà còn góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia. Sự vươn lên mạnh mẽ của nhiều doanh nghiệp (DN) tư nhân Việt Nam không chỉ làm chủ thị trường nội địa mà còn khẳng định thương hiệu trên thị trường quốc tế.
Thời gian qua, với sự vươn lên của các DN, có thể thấy, kinh tế tư nhân ngày càng khẳng định vai trò then chốt trong nền kinh tế Việt Nam. Điều đó thể hiện ở vai trò của khu vực kinh tế tư nhân trong việc đóng góp hơn 50% GDP, chiếm trên 30% tổng vốn đầu tư xã hội và tạo ra tới 80% việc làm, khu vực kinh tế tư nhân còn ghi nhận tốc độ tăng trưởng ấn tượng 6-8%/năm trong giai đoạn 2016-2023, vượt trội so với mức tăng trưởng trung bình của cả nước. So với khu vực kinh tế nhà nước (28% GDP) và FDI (20% GDP), kinh tế tư nhân rõ ràng là lực lượng sản xuất nội địa chủ lực.
Chính phủ đã đặt mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm 2025 phải đạt 8% trở lên và đạt 2 con số từ những năm tiếp sau. Theo các chuyên gia, để đạt được mục tiêu tăng trưởng này, sự đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân là hết sức quan trọng, trong đó chủ lực là cộng đồng DN nhỏ và vừa. Đây là lực lượng đông đảo chiếm đến 98% DN của Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian qua khu vực kinh tế này phát triển lại chưa xứng tầm với tiềm năng.
Một trong những nguyên nhân được giới chuyên gia kinh tế chỉ rõ, là hệ thống pháp luật, chính sách còn bất cập, từ đó khiến DN tư nhân gặp khó khăn trong tiếp cận các nguồn lực. Hệ thống pháp luật kinh doanh thiếu rõ ràng, thiếu cụ thể, chưa hợp lý, còn chồng chéo, mâu thuẫn, không tiên liệu hết các vấn đề có thể xảy ra...
Nói về vấn đề rào cản chính sách, nhiều DN nhỏ và vừa chia sẻ, để có thể trụ vững được trên thương trường, phải là cả một quá trình nỗ lực, cố gắng không dễ dàng, thậm chí không ít DN đã phải bỏ cuộc vì không thể vượt qua được rào cản chính sách.
Theo chia sẻ của chủ một DN xuất khẩu ngành may mặc, vốn là một trong những yếu tố quan trọng để DN có thể tồn tại và phát triển, song những thủ tục để tiếp cận nguồn vốn vay khiến nhiều DN phải bó tay. Lãnh đạo Công ty TNHH May mặc Dony cho biết: “Để có thể vay vốn từ ngân hàng thì phải có tài sản thế chấp, tuy nhiên là DN nhỏ, chưa có tích lũy về tài chính thì không có nhiều tài sản để thế chấp. Đây là khó khăn lớn nhất mà DN đã và đang gặp phải”.
Ngoài gặp khó về nguồn vốn, nhiều DN nhỏ và vừa còn gặp nhiều rào cản về thủ tục hành chính. Việc tiếp cận các chính sách ưu đãi, nguồn lực đất đai cũng không hề dễ dàng... Đây chính là những rào cản khiến cho các DN siêu nhỏ và nhỏ không muốn mở rộng quy mô sản xuất, còn các hộ kinh doanh thì “ngại không muốn lớn” thành DN.
Tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản
Nhận định về bức tranh khu vực kinh tế tư nhân, PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nêu quan điểm, dù đóng góp lớn, nội lực của DN tư nhân còn yếu, đặc biệt khi so sánh với khối FDI. Phần lớn là DN vừa và nhỏ chưa đủ sức tham gia sâu vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Dù đánh giá cao khả năng chống chịu và sinh tồn của khu vực DN này trước những biến động của nền kinh tế, song ông Thiên cho rằng DN tư nhân Việt Nam “vẫn yếu, chậm lớn và khó trưởng thành”.
Để có thể tháo gỡ những điểm nghẽ, rào cản đang trói buộc sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, nhiều giải pháp đã được các chuyên gia kinh tế hiến kế.
Theo TS Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (nay là Viện Nghiên cứu chính sách và Chiến lược, thuộc Ban Chính sách, chiến lược Trung ương) cần nhanh chóng chuyển đổi hệ thống pháp luật theo hướng đảm bảo tự do kinh doanh, khuyến khích đổi mới sáng tạo, mở rộng và kiến tạo cơ hội phát triển. Bên cạnh đó, cần tăng cường hỗ trợ, có ưu đãi vượt trội để khuyến khích các hộ kinh doanh phát triển, khuyến khích DN khởi nghiệp sáng tạo, DN nhỏ và vừa mở rộng quy mô sản xuất...
Ông Cung cũng kiến nghị xây dựng khung khổ pháp lý tạo kênh huy động và tiếp cận vốn đầu tư trung và dài hạn (ngoài tín dụng), tiếp cận đất đai, nghiên cứu phát triển và công nghệ cho DN tư nhân. Cải cách hoạt động tư pháp, rút ngắn tối đa thời gian, giảm tối đa chi phí, đảm bảo minh bạch, công bằng trong giải quyết tranh chấp hợp đồng, giảm thiểu rủi ro pháp lý, nhất là rủi ro hình sự, để người dân và DN an tâm đầu tư.
Còn TS Phùng Đức Tùng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Mekong nêu quan điểm, cần tiếp tục thực hiện các cải cách đột phá trong thể chế, chính sách và môi trường kinh doanh. Sửa đổi và đưa ra các hướng dẫn chi tiết cụ thể việc tuân thủ các yêu cầu của pháp luật liên quan sao cho doanh nghiệp không cần phải xin phép các cơ quan liên quan nhằm loại bỏ cơ chế xin - cho, từ đó giúp kinh tế tư nhân phát huy tối đa tiềm năng. Đặc biệt, cần chú trọng đến khung pháp lý và chính sách hỗ trợ cho các DN và loại hình kinh doanh mới, nhất là trong thời đại công nghệ số.
Ở góc độ tài chính, những áp lực đến từ xu hướng toàn cầu càng khiến DN phải thay đổi mạnh mẽ hơn. Ông Hoàng Việt Cường - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Nam Á nhận định: “Sự chuyển dịch của công nghệ và yêu cầu về phát triển xanh đang đặt ra thách thức lớn. Chỉ khi nâng cao năng lực nội tại, tăng cường tính phòng vệ và chủ động thích ứng, DN mới có thể biến khó khăn thành lợi thế cạnh tranh”.
Còn theo PGS.TS Trần Đình Thiên , đây là một thời điểm đặc biệt, không chỉ với Việt Nam mà còn với toàn thế giới. Tuy nhiên, theo ông Thiên, dù rủi ro là không thể lường trước, nhưng đây cũng chính là giai đoạn lịch sử để DN nắm bắt cơ hội, xoay chuyển tình thế và bứt phá.