Luật Thủ đô 2024: thông đường cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo đã tháo gỡ nhiều điểm nghẽn của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, để Luật phát huy tác dụng, bên cạnh sự chung tay từ chính quyền, sự chủ động của DN là yếu tố hết sức cần thiết.
Khuyến khích đổi mới sáng tạo
Hà Nội hiện đang dẫn đầu cả nước về chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương. Các ý tưởng và giải pháp công nghệ hiệu quả không chỉ bắt nguồn từ phòng nghiên cứu của các trường đại học, mà còn đến từ nhiều DN khởi nghiệp trẻ, trong đó có hơn 1.000 DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang hoạt động trên địa bàn Hà Nội, chiếm trên 26% cả nước.
Mặc dù đã có nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo nhưng thực tế hệ sinh thái cho lĩnh vực này còn thiếu và phân tán, dẫn tới việc các nhà đầu tư khó tìm được DN khởi nghiệp sáng tạo, DN khởi nghiệp sáng tạo cũng chưa hiểu rõ các chính sách và đầu mối hỗ trợ chính sách. Tỷ lệ hỗ trợ còn thấp, chưa đủ sức hấp dẫn với các DN. Hoạt động hợp tác, liên kết quốc tế, hoạt động kết nối các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp giữa các tỉnh, thành phố trong khu vực, cũng như giữa các vùng lân cận còn hạn chế...

Cùng với đó, các quỹ đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam còn hạn chế, đặc biệt thiếu quỹ sẵn sàng đầu tư ngay từ giai đoạn đầu hoặc với quy mô nhỏ. Trung bình, mỗi năm chỉ có khoảng 10 DN khởi nghiệp Việt Nam nhận được đầu tư từ những quỹ này, trong khi nhu cầu vốn cho các startup là rất lớn…
Để thực hiện mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn của cả nước, năm 2019, TP đã ban hành “Đề án hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2025” (Đề án 4889). Đề án tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: Đẩy mạnh truyền thông khởi nghiệp sáng tạo và xây dựng văn hóa khởi nghiệp; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; phát triển cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, mặt bằng cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển giao công nghệ và sản xuất thử nghiệm, thương mại hóa sản phẩm...
Đặc biệt, sự ra đời của Luật Thủ đô 2024 được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 28/6/2024 tại Kỳ họp thứ 7. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025 (trong đó có 5 nội dung có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025) với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kho học công nghệ, đổi mới sáng tạo đã tháo gỡ nhiều điểm nghẽn của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
TS Nguyễn Từ - Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội chỉ ra, Điều 25 Luật Thủ đô năm 2024 quy định về cơ chế cho phép việc thử nghiệm có kiểm soát. Quy định này đã cho phép thử nghiệm công nghệ, sản phẩm, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh mới có tính đổi mới sáng tạo trong điều kiện thực tế với phạm vi được giới hạn, dưới sự kiểm soát đặc biệt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Điều này là cơ sở để khuyến khích các tổ chức, cá nhân mạnh dạn dấn thân đầu tư nghiên cứu những sản phẩm, ứng dụng mới. Đồng thời, quy định này cũng phù hợp và là sự thể chế hóa Văn kiện Đại hội XIII của Đảng: “Xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý, thử nghiệm cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, kinh tế số, phát triển các mô hình kinh tế mới, khởi nghiệp sáng tạo, cung cấp dịch vụ công, quản lý và bảo vệ môi trường” và “Cho phép thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới, thúc đẩy triển khai và ứng dụng công nghệ mới, đổi mới sáng tạo, mô hình kinh doanh mới”.
Ngoài ra, trong Luật cũng có quy định về việc đầu tư mạo hiểm, điều này cho thấy sự thích ứng với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng.
Cũng đặt nhiều kỳ vọng vào Luật Thủ đô thúc đẩy phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Tổng Giám đốc Công ty CP Đào tạo và Phát triển nhân lực Dgroup Lê Thị Dung cho biết, điểm mà bà tâm đắc nhất chính là những chính sách thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Hà Nội. Theo Luật mới, Hà Nội sẽ có các tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như trung tâm xúc tiến, vườn ươm, quỹ đầu tư (Điều 3). Đây là yếu tố rất quan trọng giúp startup dễ dàng tiếp cận vốn, công nghệ và mạng lưới cố vấn chất lượng cao. Bên cạnh đó, Luật cũng nhấn mạnh Hà Nội sẽ trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số hàng đầu (Điều 23). Điều này có nghĩa là TP sẽ ưu tiên nguồn lực cho các lĩnh vực công nghệ cao, tự động hóa, công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo - những lĩnh vực mà DN khởi nghiệp đang hướng tới.
Doanh nghiệp cần chủ động phát huy chính sách
Để Luật Thủ đô đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh sự chung tay từ chính quyền, sự chủ động của DN là yếu tố hết sức cần thiết. Các DN không chỉ cần nắm bắt đầy đủ nội dung, tinh thần của luật mà còn phải tích cực tìm hiểu, tận dụng những chính sách ưu đãi, cơ chế đặc thù mà luật mang lại. Đồng thời, DN cần chủ động phối hợp với chính quyền trong việc phản ánh khó khăn, vướng mắc khi triển khai, từ đó góp phần hoàn thiện các hướng dẫn thực thi. Chỉ khi có sự đồng hành chặt chẽ giữa chính quyền và doanh nghiệp, Luật mới thực sự phát huy hiệu quả và tạo ra những thay đổi tích cực.
Theo Tổng Giám đốc Công ty CP Đào tạo và Phát triển nhân lực Dgroup Lê Thị Dung, với những chính sách đặc thù phát triển đổi mới sáng tạo được quy định trong Luật Thủ đô, Hà Nội sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn cho startup, giúp chúng tôi không chỉ phát triển trong nước mà còn vươn ra thị trường quốc tế. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa những cơ hội mà Luật mới mang lại, mỗi DN cần chủ động thay đổi và thích nghi.
Cụ thể, cần nắm rõ các chính sách hỗ trợ mới, các DN khởi nghiệp nên tìm hiểu kỹ về những ưu đãi tài chính, thuế, quỹ hỗ trợ đổi mới sáng tạo để có thể tận dụng nguồn lực này một cách hiệu quả; đầu tư mạnh vào công nghệ và chuyển đổi số; kết nối với các tổ chức trung gian và hệ sinh thái khởi nghiệp...
Đặc biệt, DN cần tư duy dài hạn và hướng đến thị trường quốc tế. Với những chính sách đổi mới, Hà Nội không chỉ là thị trường tiềm năng mà còn là cầu nối để DN vươn xa hơn.
Đồng quan điểm, Luật sư Đoàn Thu Nga, Giám đốc Công ty Luật LAWPRO nhận định, Luật này sẽ là bước tiến quan trọng, tạo cơ hội cho DN và nhà đầu tư, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống tại Hà Nội. Luật mới hứa hẹn cải thiện chính sách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường minh bạch và khuyến khích mô hình kinh tế sáng tạo.
Theo bà Nga, để Luật Thủ đô đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng, các DN cần cập nhật và hiểu rõ các quy định mới; chủ động trong việc cải cách nội bộ và tối ưu hóa quy trình (đầu tư vào công nghệ và tự động hóa)...; tận dụng các cơ hội đầu tư, phát triển ngành nghề mới; chú trọng đến bảo vệ môi trường và phát triển bền vững (áp dụng các giải pháp xanh); tạo ra môi trường khởi nghiệp sáng tạo; chủ động tham gia vào các hoạt động cộng đồng và xã hội...
Còn theo PGS-TS Nguyễn Tuấn Anh - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Thủ đô Hà Nội, việc đưa quy định về đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách vào Luật Thủ đô 2024 là một bước tiến quan trọng, tạo ra những tác động tích cực và mở ra nhiều cơ hội mới cho việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại Hà Nội. Tuy nhiên, đầu tư mạo hiểm luôn đi kèm với rủi ro cao. Vì vậy, cần có các cơ chế quản lý rủi ro hiệu quả. Theo đó, cần tăng cường đào tạo và thu hút nhân tài. Các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, các nhà đầu tư cần phối hợp chặt chẽ để tạo ra một môi trường thuận lợi cho các DN khởi nghiệp. Việc xây dựng một quỹ đầu tư mạo hiểm thành công đòi hỏi sự nỗ lực của nhiều bên, bao gồm chính quyền thành phố, các nhà đầu tư, các chuyên gia và các DN khởi nghiệp. Với một cơ cấu tổ chức phù hợp và những hoạt động hiệu quả, quỹ đầu tư mạo hiểm sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp tại Hà Nội.