Kinh doanh khả quan, nhiều doanh nghiệp BĐS vẫn đối mặt với dư nợ vay tăng cao

Nhiều doanh nghiệp bất động sản thông báo kết quả kinh doanh khả quan trong 6 tháng đầu năm 2024. Tuy nhiên, những công ty địa ốc này vẫn đang đối mặt với số dư nợ vay tăng.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản có dư nợ vay tăng mạnh

Theo thống kê từ VietstockFinance, Địa ốc Hoàng Quân, CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG, Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp), Bất động sản Phát Đạt hay Nhà Khang Điền là những doanh nghiệp lớn có tỷ lệ nợ vay tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2024.

CTCP Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (mã: HQC) ghi nhận dư nợ vay tăng đột biến đến hơn 22 lần (+ 2.126%), từ 62 tỷ đồng thời điểm đầu năm 2024 lên đến 1.370 tỷ đồng vào cuối tháng 6/2024, chiếm 13% tổng tài sản.

CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG (mã: SIP), ở thời điểm đầu năm 2024, doanh nghiệp này chỉ ghi nhận nợ vay đạt 1.686 tỷ đồng, nhưng kết thúc quý II/2024, con số này đã tăng 81%, lên 3.043 tỷ đồng, chiếm 13% tổng tài sản. Báo cáo tài chính của SIP cho thấy, nợ vay của họ tăng là do phát sinh thêm khoản nợ dài hạn tại Vietcombank hơn 780 tỷ đồng.

CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (mã: DIG): Doanh nghiệp này ghi nhận nợ vay tăng 39%, đạt 4.325 tỷ đồng ở thời điểm cuối tháng 6/2024, trong khi đầu năm chỉ ở mức 3.112 tỷ đồng. Nguyên nhân là do dư nợ trái phiếu DIG phát hành cho HDBank vượt mức hơn 1.550 tỷ đồng vào cuối tháng 6/2024, trong khi đầu năm chỉ hơn 250 tỷ đồng.

CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã: PDR): Doanh nghiệp này ghi nhận nợ vay tăng 35% trong 6 tháng đầu năm, từ mức 3.105 tỷ đồng lên 4.184 tỷ đồng, chủ yếu do tăng vay ngân hàng và một số bên khác.

CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (mã: KDH) cũng ghi nhận dư nợ vay tăng 22%. Theo đó, doanh nghiệp này ghi nhận nợ vay đạt 7.740 tỷ đồng, chiếm 27% tổng tài sản. Trong đó, chủ yếu là tăng vay dài hạn tại các ngân hàng nhằm tài trợ cho các dự án trọng điểm.

Ngoài ra, còn nhiều cái tên khác cũng ghi nhận xu hướng nợ vay tăng và nằm trong top 20 doanh nghiệp bất động sản có dư nợ vay tăng mạnh nhất tại thời điểm 30/6/2024 là Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (mã: KBC) tăng 34%, Tổng CTCP Địa ốc Sài Gòn (mã: SGR) với 16%, CTCP Long Hậu (mã: LHG) tăng 13%...

Loạt doanh nghiệp trên kinh doanh thế nào?

Địa ốc Hoàng Quân: Theo BCTC hợp nhất quý II/2024, Hoàng Quân ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ gần 321 tỷ đồng, nhưng do hàng bán bị trả lại nên doanh thu thuần còn hơn 5 tỷ đồng.

Do việc giá vốn hàng bán được hoàn lại gần 48 tỷ đồng, lãi gộp Hoàng Quân đạt gần 53 tỷ đồng. Ngoài ra, khoản doanh thu tài chính trong kỳ hơn 18 tỷ đồng, phần lớn đến từ lãi tiền gửi ngân hàng, lãi cho vay.

Sau khi trừ chi phí, Hoàng Quân lãi ròng gần 11 tỷ đồng, mức cao nhất của Doanh nghiệp sau 20 quý (từ quý II/2019). Trong quý II/2023 (theo báo cáo tổng hợp), Hoàng Quân mang về doanh thu thuần hơn 103 tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 1,2 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng, "trùm" nhà ở xã hội này ghi nhận doanh thu thuần 18,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 12,56 tỷ đồng.

Tại thời điểm 30/6, tổng tài sản của Hoàng Quân hơn 10.378 tỷ đồng, tăng 42% so với đầu năm. Trong đó có sự gia tăng mạnh ở một số khoản mục tiền tương đương tiền gần 45 tỷ đồng, gấp đôi đầu năm, khoản phải thu ngắn hạn tăng vọt thêm 1.370 tỷ đồng, lên 4.324 tỷ đồng.

Cơ cấu nguồn vốn, điểm tích cực khi khoản mục người mua trả tiền trước ngắn hạn gia tăng, lên 804 tỷ đồng - sẽ được ghi nhận vào doanh thu khi công ty bàn giao nhà cho khách hàng. Nợ ngắn hạn hơn 99 tỷ đồng, tuy nhiên nợ dài hạn có sự gia tăng mạnh lên 1.269 tỷ đồng, trong khi đầu kì không phát sinh khoản mục này.

CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG: Trong quý II/2024, Đầu tư Sài Gòn VRG ghi nhận doanh thu đạt 1.937,14 tỷ đồng, tăng 16,5% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 332,61 tỷ đồng, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp tăng từ 11,2% lên 12,6%.

Lũy kế 6 đầu năm 2024, Đầu tư Sài Gòn VRG ghi nhận doanh thu đạt 3.763,37 tỷ đồng, tăng 23,1% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 590,5 tỷ đồng, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong năm 2024, Đầu tư Sài Gòn VRG đặt kế hoạch tổng doanh thu 5.387,98 tỷ đồng, tăng 5% so với kế hoạch năm 2023 và lợi nhuận sau thuế dự kiến 792,9 tỷ đồng, tăng 5% so với kế hoạch năm 2023.

Như vậy, kết thúc nửa đầu năm 2024, Đầu tư Sài Gòn VRG đã hoàn thành 74,5% so với kế hoạch năm.

CTCP Đầu tư và Phát triển Xây dựng: Tại ngày 30/6/2024, doanh nghiệp này có tổng tài sản hơn 18.400 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho ghi nhận hơn 7.657 tỷ đồng, tăng 1.104 tỷ đồng so với hồi đầu năm.

Trong đó, có hơn 7.538 tỷ đồng là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang, tăng 1.125 tỷ đồng so với hồi đầu năm với 3 khoản mục dự án lớn gồm Dự án khu đô thị du lịch sinh thái Đại Phước 2.141,5 tỷ đồng; Khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên 2.026 tỷ đồng và dự án Khu dân cư P4 Hậu Giang.

Thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy, so với đầu năm, Tập đoàn DIC đã bơm mạnh tiền vào các dự án tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai với hơn 820 tỷ đồng vào dự án Khu đô thị du lịch sinh thái Đại Phước, 140 tỷ đồng vào dự án Khu du lịch Long Tân, Nhơn Trạch và 8 tỷ đồng vào dự án Khu dân cư Hiệp Phước, Nhơn Trạch.

Ngoài ra, tại ngày 30/06/2024, khoản phải thu khác của DIC tăng thêm 900 tỷ đồng lên 3.828 tỷ đồng, chủ yếu đến từ tạm ứng đền bù dự án Long Tân và tạm ứng đền bù dự án Bắc Vũng Tàu.

Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt: Tại báo cáo tài chính hợp nhất quý II, Phát Đạt ghi nhận doanh thu thuần 8,3 tỷ đồng, tăng gấp 3,4 lần cùng kỳ. Nguyên nhân tăng đột biến đến từ hoạt động cung cấp dịch vụ mang lại cho công ty gần 6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ gần 27 triệu đồng. Mặt khác, doanh thu từ cho thuê bất động sản đầu tư vẫn đi ngang với gần 2,3 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do không không còn ghi nhận khoản lãi do mất quyền kiểm soát công ty con, đồng thời lãi từ chuyển nhượng cổ phần công ty liên kết giảm 62%, doanh thu tài chính của Phát Đạt chỉ còn gần 203 tỷ đồng, giảm 62% so với mức 532 tỷ của quý II/2023.

Tại thời điểm ngày 30/6, tổng tài sản của Phát Đạt đạt 22.536 tỷ đồng, tăng 1.500 tỷ đồng so với số đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho chiếm hơn một nửa tài sản, đạt mức 12.523 tỷ đồng. Đây chủ yếu các bất động sản đang xây dựng dở dang. Các khoản phải thu ngắn hạn ở mức 5.078 tỷ đồng, lượng tiền mặt và tiền gửi tăng gấp đôi đạt mức 1.190 tỷ đồng.

Nợ vay tài chính của Phát Đạt ở mức 4.183 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đạt 11.004 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế chưa phân phối ở mức hơn 1.900 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Đầu tư và kinh doanh nhà Khang Điền: Doanh nghiệp này ghi nhận tổng tài sản tăng lên hơn 28.400 tỷ đồng cuối quý 2/204. Trong đó, giá trị tài sản dở dang ghi nhận tại 8 dự án chiếm 76% tổng tài sản, tương đương trên 21.450 tỷ đồng, tăng 14% so với đầu năm.

Trong đó, dự án Khang Phúc - Khu dân cư Tân Tạo (The Privia, Bình Tân) là dự án có giá trị dở dang lớn nhất với gần 6.560 tỷ, tăng 200 tỷ so với đầu năm; dự án Bình Trưng - Bình Trưng Đông (The Clarita, quận 2 cũ) hơn 4.170 tỷ, tăng hơn 1.000 tỷ; dự án Đoàn Nguyên - Bình Trưng Đông (Emeria, quận 2 cũ) hơn 3.470 tỷ, tăng 90 tỷ; dự án Khang Phúc - Khu dân cư Bình Hưng 11A (The Solina, Bình Chánh) hơn 1.540 tỷ, tăng hơn 900 tỷ.

Báo cáo tài chính của KDH cũng thể hiện phần lớn quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất tại các dự án này đã được dùng làm tài sản đảm bảo cho các khoảng vay của doanh nghiệp tại ngân hàng.

Mặt khác, Khang Điền ghi nhận khoản trả trước của người mua bất động sản khá lớn, với hơn 2.939 tỷ đồng, chủ yếu là khách hàng trả tiền mua bất động sản theo tiến độ. Công ty còn các khoản phải thu trên 2.100 tỷ đồng và hơn 2.560 tỷ đồng tiền mặt, tiền gửi ngân hàng không quá ba tháng với lãi suất 1,5 - 4%/năm.

Đông Bắc

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/kinh-doanh-kha-quan-nhieu-doanh-nghiep-bds-van-doi-mat-voi-du-no-vay-tang-cao.html
Zalo