Tương lai 'viên ngọc quý' của nước Đức

Để có sức mạnh cạnh tranh toàn cầu, ngành công nghiệp Đức cần đầu tư 1.430 tỷ euro trong thời gian từ nay đến năm 2030.

Công nhân làm việc trên dây chuyền sản xuất xe điện ID 3 của Tập đoàn sản xuất xe hơi Đức Volkswagen (VW) ở Dresden, miền Đông Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Công nhân làm việc trên dây chuyền sản xuất xe điện ID 3 của Tập đoàn sản xuất xe hơi Đức Volkswagen (VW) ở Dresden, miền Đông Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo báo Les Echos, 20% giá trị gia tăng công nghiệp của Đức đang gặp nguy hiểm. Để duy trì tính cạnh tranh, ngành công nghiệp Đức cần đầu tư thêm 1.430 tỷ euro (1.574,63 tỷ USD) trong thời gian từ nay đến năm 2030. Và điều quan trọng là Chính phủ Đức cần có một chương trình nghị sự chính trị dành riêng cho lĩnh vực này.

Báo Les Echos nêu rõ đây là lời cảnh báo của giới doanh nghiệp Đức, được viết trong một báo cáo nghiên cứu, công bố ngày 10/9, về chuyển đổi công nghiệp tại Đức. Theo báo cáo do Nhóm Tư vấn Boston (BCG) và Viện Kinh tế Đức (IW) thực hiện theo yêu cầu đặt hàng của giới doanh nghiệp Đức, khoảng 20% giá trị gia tăng công nghiệp của nước này hiện đang gặp nguy hiểm. Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Đức (BDI) Siegfried Russwurm khẳng định: “Nguy cơ phi công nghiệp hóa liên quan đến sự ra đi thầm lặng của nhiều công ty quy mô vừa (ETI) tiếp tục gia tăng”.

Nguyên nhân có rất nhiều, bao gồm giá năng lượng tăng cao, thiếu lao động có trình độ, quan liêu quá mức, thuế cao và hàng thập kỷ đầu tư suy giảm… Những yếu tố này đè nặng lên lĩnh vực chiếm 20% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức, cao hơn nhiều so với mức 11% GDP ở Mỹ và 10% GDP ở Pháp. Báo cáo nhận định công nghiệp là "viên ngọc quý" của Đức, nhưng nước này đang trải qua một cuộc khủng hoảng cơ cấu.

Làm thế nào để đảm bảo tương lai của "viên ngọc" này? Báo cáo viết: Để có sức mạnh cạnh tranh toàn cầu, Đức cần đầu tư 1.430 tỷ euro trong thời gian từ nay đến năm 2030. Đây là một số tiền khổng lồ, nhưng không phải là chưa từng có dựa trên con số ước tính 1.400 tỷ euro đầu tư bổ sung từ nay đến năm 2030 chỉ chiếm khoảng 5% GDP của Đức hàng năm.

Báo cáo diễn giải 2/3 chi tiêu sẽ được cung cấp bởi các doanh nghiệp tư nhân và hộ gia đình. Điều đó có nghĩa là nhà nước sẽ chỉ phải chịu trách nhiệm về khoản đầu tư 460 tỷ euro - một số tiền tương đương 1,6% GDP. Để so sánh, các khoản hỗ trợ trực tiếp của nhà nước cho việc tái thiết Đông Đức chiếm 1% GDP vào thời điểm thống nhất nước Đức.

Một thách thức nữa là điều này sẽ phải kết hợp với biện pháp “phanh nợ” được quy định trong Hiến pháp Đức - giới hạn khoản vay mới ở mức 0,35% GDP. “Khôi phục khả năng cạnh tranh là nhiệm vụ cấp bách nhất trong những năm tới”, ông Michael Brigl, người phụ trách khu vực Trung Âu tại BCG, cho biết.

Các tác giả của nghiên cứu nhấn mạnh nếu không đầu tư, các ngành công nghiệp vốn rất phụ thuộc lẫn nhau của Đức sẽ gặp nguy hiểm. Ví dụ, ngành công nghiệp hóa học đã tạo ra 53,6 tỷ euro giá trị gia tăng cho các ngành công nghiệp khác. Ông Michael Hüther, Giám đốc IW và là đồng tác giả của nghiên cứu, giải thích: “Do sự phụ thuộc lẫn nhau này, điểm yếu của một ngành đơn lẻ có thể gây nguy hiểm nhanh hơn cho việc tạo ra giá trị trên quy mô lớn”.

Lời kêu gọi gia tăng đầu tư, theo một cách nào đó, được coi là một phiên bản tiếng Đức của báo cáo cạnh tranh của Liên minh châu Âu (EU) mà cựu Chủ tịch

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi vừa công bố ngày 9/9, trong đó có đề xuất khoản đầu tư bổ sung từ 750 - 800 tỷ euro mỗi năm cho toàn bộ liên minh.

Trụ sở Ngân hàng Trung ương châu Âu tại Frankfurt am Main, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Trụ sở Ngân hàng Trung ương châu Âu tại Frankfurt am Main, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

“Để Đức giành lại vị trí trong cạnh tranh quốc tế, cần phải có một cú đột phá lớn. Chúng ta phải giải phóng tất cả các lực lượng đổi mới và tăng trưởng của đất nước”, Chủ tịch BDI Siegfried Russwurm nhấn mạnh. Theo ông Russwurm, Đức cần có một “chương trình nghị sự chính trị và công nghiệp”, để điều hướng một “nỗ lực chuyển đổi lớn nhất kể từ thời kỳ hậu chiến”.

Ngành công nghiệp của Đức đang thực sự đứng trước tình thế khẩn cấp. Ngày 9/9, các nhà sản xuất máy móc, một trong những trụ cột công nghiệp của đất nước, cho biết sản lượng của Đức sẽ giảm 8% trong năm 2024, thay vì dự báo giảm 4% đã đưa ra trước đó.

Nguy cơ dịch chuyển sản xuất hàng loạt cũng đang được đặt ra. Nhà sản xuất máy cắt gỗ Stihl đã quyết định dừng kế hoạch xây dựng một nhà máy mới ở Đức. Tập đoàn sản xuất đồ gia dụng Miele đã chuyển hoạt động sang Ba Lan, trong khi công ty sản xuất máy hút bụi Kärcher di dời sang Latvia.

Theo một nghiên cứu của Deloitte đối với 128 công ty Đức, gần 1/2 số công ty được khảo sát cho biết họ đã di dời một phần cơ sở sản xuất và có ý định tiếp tục làm như vậy trong tương lai gần. Tín hiệu phát đi rõ ràng khiến giới chủ doanh nghiệp Đức đặc biệt lo ngại.

Nguyễn Tuyên (P/v TTXVN tại Paris)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tuong-lai-vien-ngoc-quy-cua-nuoc-duc/346821.html
Zalo