Các sự kiện và thông tin nhà đầu tư chứng khoán không thể bỏ qua tuần này
Cuộc họp chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn từ Mỹ đến châu Âu và châu Á sẽ thu hút sự chú ý của thị trường trong tuần này.
Cuộc họp chính sách của Fed
Các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ bước vào cuộc họp chính sách vào thứ Ba (17/9) và thứ Tư (18/9) với kỳ vọng sẽ hạ lãi suất, nhưng mức độ nới lỏng lãi suất bao nhiêu vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải.
Thị trường phần lớn chia rẽ về việc liệu Fed sẽ cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản xuống phạm vi từ 5% đến 5,25% hay 50 điểm cơ bản xuống phạm vi từ 4,75% đến 5%.
Quyết định của Fed sẽ là tâm điểm chú ý, trong đó thị trường đang lo ngại rằng các quan chức có đánh giá mức cắt giảm 25 điểm cơ bản là đủ để giải quyết tình hình kinh tế đang có dấu hiệu mất đà hay không, hay liệu họ sẽ lựa chọn động thái giảm 50 điểm cơ bản. Manh mối về ý định trong tương lai của Fed cũng sẽ rất quan trọng.
Dữ liệu lạm phát công bố trong tuần qua cho thấy áp lực giá đã giảm đáng kể kể từ khi tăng vọt vào năm 2021-2022. Chỉ số giá tiêu dùng cho thấy lạm phát trong tháng 8 đã ở mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021.
Các dữ liệu gần nhất chắc chắn đều đủ để mở đường cho việc cắt giảm lãi suất tại cuộc họp chính sách trong tuần này, đồng thời cũng sẽ đưa ra dự báo cập nhật về hướng đi của Fed trong tương lai.
“Chúng tôi cho rằng Chủ tịch Fed Jerome Powell ủng hộ việc cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản”, các nhà kinh tế của Bloomberg Economics cho biết.
Trong tuần qua, cựu chủ tịch Fed New York Bill Dudley cho biết, ông thấy "trường hợp mạnh mẽ" cho việc cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản khi chỉ ra tác động hạn chế đối với tăng trưởng với mức lãi suất hiện tại.
Nhìn chung, thị trường chứng có thể biến động bất kể Fed đi theo hướng nào. Điều đó khiến cuộc họp báo sau quyết định của Chủ tịch Fed Jerome Powell trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Cuộc họp chính sách của BoE
Thị trường kỳ vọng rằng Ngân hàng trung ương Anh (BoE) sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc chính sách diễn ra vào thứ Năm (19/9) trước khi thực hiện cắt giảm thêm vào tháng 11.
Mặc dù không có thay đổi lãi suất nào được mong đợi từ BoE, các nhà đầu tư đang chờ đợi một dấu hiệu quan trọng về việc liệu các nhà hoạch định chính sách có đẩy nhanh quá trình thu hẹp danh mục trái phiếu để duy trì doanh số bán trái phiếu chính phủ ổn định trước một năm khi một lượng nợ cao bất thường đáo hạn.
Những gợi ý về tốc độ cắt giảm lãi suất trong tương lai cũng sẽ được mong đợi, trong bối cảnh có sự suy đoán rằng các quan chức sẽ sớm tăng cường nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế.
Ngân hàng trung ương Na Uy cũng được cho là sẽ giữ nguyên lãi suất tiền gửi ở mức 4,5%, với các nhà phân tích tập trung vào bất kỳ điều chỉnh nào đối với dự báo nới lỏng vào đầu năm tới. Trong khi lạm phát chậm lại đã làm tăng kỳ vọng vào đợt cắt giảm đầu tiên vào tháng 12, các nhà hoạch định chính sách có thể sẽ giữ nguyên lập trường diều hâu của mình với thị trường lao động mạnh mẽ và đồng krone gần mức thấp nhất trong nhiều năm.
Cuộc họp chính sách của BOJ
Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) được dự báo sẽ không tăng lãi suất tại cuộc họp chính sách diễn ra vào thứ Sáu (20/9).
“BOJ dự kiến sẽ thận trọng tăng lãi suất với tốc độ khoảng sáu tháng một lần trong khi đánh giá tác động của việc thắt chặt tiền tệ đối với nền kinh tế trong nước, Junki Iwahashi”, nhà kinh tế cấp cao tại Sumitomo Mitsui Trust Bank cho biết.
"Tuy nhiên, khó khăn trong việc tăng lãi suất thêm nữa sẽ tăng lên nếu thị trường tài chính một lần nữa bị gián đoạn do nền kinh tế Mỹ suy thoái mạnh hoặc tốc độ cắt giảm lãi suất tại Mỹ tăng tốc", ông cho biết.
Ở một số thị trường châu Á khác, lãi suất cho vay trung hạn 1 năm và lãi suất cho vay cơ bản tại Trung Quốc dự kiến sẽ không thay đổi, và ngân hàng trung ương Indonesia được cho là sẽ giữ nguyên lãi suất chính sách trong tháng thứ năm liên tiếp.