Cổ phiếu SeABank giảm sâu, SBT nhà 'công chúa mía đường' bứt phá
Cổ phiếu SeABank, nơi bà Nguyễn Thị Nga làm phó chủ tịch, giảm sâu. Trong khi đó, SBT nhà 'công chúa mía đường' Đặng Huỳnh Ức My vẫn tăng bứt phá trong tuần qua, giữa bối cảnh dòng tiền tỷ USD mất hút trên thị trường chứng khoán.
Cổ phiếu bảo hiểm, ngân hàng giảm
Trong tuần 9-13/9, cổ phiếu SSB của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) là mã trụ cột giảm sâu nhất. SSB cùng với một số mã như Vingroup (VIC), Ngân hàng BIDV (BID) gây áp lực nhiều nhất lên chỉ số VN-Index.
Cổ phiếu SeABank bắt đầu giảm mạnh từ cuối tháng 8, từ mức 20.000 đồng/cp xuống vùng 15.000 đồng/cp như hiện tại, qua đó khiến tài sản gia đình bà Nga giảm cả nghìn tỷ đồng. Gia đình bà Nga sở hữu khoảng 16,5% vốn điều lệ SeABank thông qua các cá nhân và tổ chức. Riêng bà Nga nắm khoảng 3,6% cổ phần.
Từ ngày 9-13/9, cổ phiếu SSB giảm 15,3% và trở thành mã ngân hàng giảm sâu nhất thị trường thời gian gần đây.
Kể từ cuối năm 2023, bà Nga, người liên quan và nhiều lãnh đạo của SeABank, mua bán cổ phiếu với khối lượng lớn.
Đáng chú ý, ông Lê Tuấn Anh (con trai bà Nga) vừa đăng ký bán 1,5 triệu cổ phiếu SSB từ ngày 12/9-9/10. Trước đó, từ ngày 21/6-16/7, ông Tuấn Anh đã bán thành công 1 triệu cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu từ 1,944% xuống 1,904% (tương ứng 47,5 triệu cổ phiếu). Phó Tổng giám đốc Nguyễn Hồng Quang đã bán thành công 145.000 cổ phiếu vào ngày 5/9, giảm tỷ lệ sở hữu từ gần 0,02% xuống còn gần 0,015%.
Trong tuần qua, cổ phiếu Vingroup (VIC) do tỷ phú Phạm Nhật Vượng làm chủ tịch, giảm 3,9%. Cổ phiếu BID của Ngân hàng BIDV giảm 2,2%. Đây là các cổ phiếu gây áp lực nhiều nhất lên chỉ số VN-Index.
Ở chiều ngược lại, một số cổ phiếu tăng khá mạnh và là nhân tố chính hỗ trợ thị trường chứng khoán, như Tập đoàn FPT (FPT) của ông Trương Gia Bình, TPBank (TPB) của nhà ông Đỗ Minh Phú Doji, SBT của CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa, nơi bà Đặng Huỳnh Ức My làm chủ tịch.
Trong tuần, cổ phiếu SBT của “công chúa mía đường” Đặng Huỳnh Ức My tăng 8,4%, từ 12.550 đồng/cp lên 13.600 đồng/cp. Cổ phiếu SBT đã có 2 tuần cuối tháng 8 và đầu tháng 9 giảm mạnh.
Bà Đặng Huỳnh Ức My (SN 1981) là con gái của ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công (TTC Group). Hồi giữa tháng 7/2024, bà My được bầu giữ chức chủ tịch HĐQT công ty mía đường lớn nhất Việt Nam thay mẹ là bà Huỳnh Bích Ngọc.
Hôm 12/9, bà My công bố muốn bán hết cổ phiếu tại công ty anh trai làm sếp. Cụ thể, bà My đăng ký bán toàn bộ 110.419 cổ phiếu SCR của CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land) trong thời gian từ 18/9-17/10. Tại TTC Land, ông Đặng Hồng Anh đang làm phó chủ tịch HĐQT. Ông Đặng Hồng Anh từng giữ chức chủ tịch HĐQT tại công ty này.
TTC Group hoạt động trong nhiều lĩnh vực, trong đó có nông nghiệp (mía đường), năng lượng, bất động sản, du lịch, trước đó là ngân hàng. Sau "trục trặc" ở mảng tài chính, nhà ông Thành quay lại đầu tư mạnh vào mảng mía đường truyền thống.
Khối ngoại vẫn bán ròng, nhà đầu tư chờ tín hiệu từ Mỹ
Trong tuần 9-13/9, thị trường chứng khoán tiếp tục dò đáy, thanh khoản bốc hơi. Thị trường đã khá lâu không ghi nhận dòng tiền tỷ USD mỗi phiên.
Theo Chứng khoán CSI, áp lực bán vẫn áp đảo. Chỉ số VN-Index đã xuống dưới hầu hết các đường trung bình ngắn hạn như MA10, MA20 và MA50. Điểm tích cực là mốc hỗ trợ 1.250 điểm được giữ vững sau 2 phiên giao dịch thử thách ngày 11/9 và 13/9.
Trong tuần, bên cạnh nhóm cổ phiếu ngân hàng chịu áp lực bán mạnh, nhóm cổ phiếu ngành bảo hiểm cũng đồng loạt giảm điểm do lo ngại chi phí bồi thường gia tăng sau cơn bão số 3 (Yagi). Nhiều cổ phiếu bất động sản cũng giảm điểm. Novaland (NVL) của ông Bùi Thành Nhơn có phiên giảm sàn sau những thông tin bất lợi về khả năng không được giao dịch ký quỹ.
Nhóm cổ phiếu công nghệ, hóa chất và viễn thông diễn biến tương đối tích cực.
Tính chung cả tuần, chỉ số VN-Index giảm 1,7% xuống mức 1.251,7 điểm; HNX-Index giảm 0,9% xuống 232,4 điểm và Upcom-Index giảm 0,4% xuống mức 92,9 điểm. Khối ngoại bán ròng 1.132,9 tỷ đồng trên cả 3 sàn, trong đó bán ròng 1.122,2 tỷ đồng trên HoSE, bán ròng 17,2 tỷ đồng trên HNX và mua ròng 6,5 tỷ đồng trên Upcom.
Theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Chiến lược thị trường, Khối Phân tích Chứng khoán VnDirect, thị trường chứng khoán tiếp tục trải qua một tuần giao dịch trầm lắng, phản ánh sự thận trọng trước những diễn biến vĩ mô quan trọng. Đó là kỳ họp lãi suất sắp tới của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) diễn ra vào 17-18/9 với dự báo Fed sẽ cắt giảm lãi suất lần đầu trong năm nay.
Thị trường cũng chờ xem phản ứng của Ngân hàng Nhà nước sau động thái cắt giảm lãi suất của Fed. Bên cạnh đó là tác động của cơn bão Yagi đổ bộ vào miền Bắc gây gián đoạn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của một bộ phận doanh nghiệp.
Dù vậy, ông Hinh giữ quan điểm tích cực đối với triển vọng của thị trường chứng khoán trong giai đoạn cuối năm. Theo đó, kịch bản VN-Index vượt mốc 1.300 điểm trong năm nay là khả năng cao bởi nhiều yếu tố hỗ trợ, như Fed dự kiến hạ lãi suất điều hành khoảng 0,75 điểm phần trăm trong những tháng cuối năm; áp lực tỷ giá và lạm phát hạ nhiệt giúp NHNN có điều kiện để chuyển hướng mục tiêu sang ưu tiên tăng trưởng kinh tế, gia tăng cung tiền và duy trì mặt bằng lãi suất ở vùng thấp. Bên cạnh đó là kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục cải thiện và tiến triển mới trong câu chuyện nâng hạng thị trường.
Theo ông Hinh, kinh nghiệm quá khứ cho thấy, đỉnh thị trường luôn xuất hiện trong giai đoạn giao dịch sôi động và đáy hình thành khi thanh khoản trầm lắng.
Còn theo CSI, áp lực bán có xu hướng giảm dần song lực cầu yếu là nguyên nhân chính dẫn đến chỉ số chứng khoán từ từ trượt giá. Trên biểu đồ ngày, dải Bollinger Band đang co lại cùng với các đường trung bình động MA đang hội tụ, nhiều khả năng thị trường sẽ tiếp tục sideway trong biên độ hẹp trong thời gian tới.