Kim ngạch xuất nhập khẩu quý 1/2025 tăng gần 14%, đạt hơn 200 tỷ USD
Kết thúc quý đầu tiên của năm 2025, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước tăng gần 14% so với cùng kỳ năm 2024, đạt 202,5 tỷ USD; cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu trên 3 tỷ USD.

Toàn cảnh buổi họp báo. Ảnh: Thu Thảo/Mekong ASEAN.
Chiều 4/4, Bộ Công Thương đã tổ chức họp báo thường kỳ quý 1/2025 thông tin về tình hình sản xuất công nghiệp, thương mại trong 3 tháng đầu năm.
Sản xuất công nghiệp tiếp tục là điểm sáng
Thông tin tại cuộc họp, ông Bùi Huy Sơn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính và Quản lý doanh nghiệp cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2025, hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại phát triển tích cực, tạo đột phá mới.
Cụ thể, về sản xuất công nghiệp, trong 2 tháng đầu năm 2025, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tính tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2024 chỉ tăng 6,5%); trong đó ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 9,3% (cùng kỳ năm 2024 chỉ tăng 6,6%); chỉ số sản xuất công nghiệp tăng ở 58/63 địa phương trên cả nước, một số địa phương có IIP tăng cao ở mức hai con số như: Phú Thọ tăng 47,3%; Trà Vinh tăng 40,5%; Bắc Giang tăng 26,3%; Thanh Hóa tăng 19,8%; Quảng Nam tăng 18,8%; Nam Định tăng 17,7%...
Mặc dù chưa có số liệu chính thức của tháng 3 và quý 1/2025, tuy nhiên dự báo sản xuất công nghiệp (IIP) trong quý quý đầu năm tiếp tục có sự cải thiện và duy trì đà tăng trưởng trên cơ sở đà tăng trưởng đã có từ 2 tháng đầu năm nay.
Theo báo cáo mới nhất của S&P Global, ngành sản xuất của Việt Nam đã ghi nhận tăng trưởng trở lại trong tháng 3 khi cả sản lượng và tổng số lượng đơn đặt hàng mới tăng trở lại, cho thấy sức khỏe ngành sản xuất Việt Nam vào cuối quý 1/2025 đã có sự cải thiện. Theo đó, Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 3/2025 đạt mức trên ngưỡng 50 điểm, lần đầu tiên trong vòng 4 tháng trở lại đây (đạt 50,5 điểm, tăng nhẹ so với 49,2 điểm trong tháng 2).
Đảm bảo cung ứng điện cho sản xuất, kinh doanh và đời sống sinh hoạt
Cũng theo đại diện Bộ Công Thương, tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống trong tháng 3 (tính đến ngày 26/3/2025) đạt 22,7 tỷ kWh, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2024, sản lượng điện trung bình ngày đạt 873,2 triệu kWh, công suất tiêu thụ lớn nhất đạt 46.270MW (vào ngày 12/3/2025).
Lũy kế trong quý 1/2025 (tính đến ngày 26/3/2025), tổng sản lượng điện toàn hệ thống quốc gia đạt 67,8 tỷ kWh, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2024, đạt 19,5% so với kế hoạch năm 2025 (347,5 tỷ kWh) được Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 3300 ngày 15/12/2024.
"Nhìn chung, tình hình cung ứng điện của hệ thống điện quốc gia trong tháng 3 và quý 1/2025 an toàn, ổn định, bảo đảm cung cấp điện cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống sinh hoạt của nhân dân," ông Bùi Huy Sơn nói.
Xuất siêu hơn 3 tỷ USD trong quý đầu năm
Cùng với sự cải thiện trong hoạt động sản xuất công nghiệp, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tiếp tục được đẩy mạnh trong tháng 3/2025, với kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 75,38 tỷ USD, tăng 16,8% so với tháng trước và tăng 15,3% so với tháng 3/2024.
Xuất khẩu tháng 3/2025 ước đạt 38,5 tỷ USD, tăng 23,8% so với tháng trước và tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2024. Đây cũng là tháng có kim ngạch cao nhất từ đầu năm đến nay, cho thấy hoạt động xuất khẩu đang tăng tốc trở lại sau khởi đầu chậm hơn kỳ vọng trong 2 tháng đầu năm.
Mặt khác, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 3 ước đạt 36,87 tỷ USD, tăng 12,9% so với tháng trước và tăng 19% so với tháng 3 năm 2024.
Lũy kế quý 1/2025, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 202,5 tỷ USD, ước tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 102,8 tỷ USD, ước tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 99,68 tỷ USD, ước tăng 17%; cán cân thương mại 3 tháng đầu năm 2025 tiếp tục duy trì trạng thái thặng dư, ước xuất siêu 3,15 tỷ USD.
Trong quý 1/2025, xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước ước đạt 29 tỷ USD, ước tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với mức tăng 9% của khối doanh nghiệp FDI (ước đạt 73,8 tỷ USD), cho thấy nội lực của khối doanh nghiệp trong nước đang dần được nâng cao.
Xuất khẩu ở cả nhóm hàng nông, thủy sản và công nghiệp chế biến tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ấn tượng, ước đạt mức hai con số so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản ước đạt 9,8 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Có 7/9 mặt hàng trong nhóm này ghi nhận mức tăng trưởng khả quan. Nhiều mặt hàng dù giảm về sản lượng nhưng vẫn đạt kim ngạch cao nhờ giá xuất khẩu tăng mạnh, như: cà phê; hạt tiêu; cao su; nhân điều.
Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 87,5 tỷ USD, ước tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái và tiếp tục là động lực tăng trưởng của xuất khẩu cả nước. Trong đó, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, giầy dép, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác… ước đạt tốc độ tăng trưởng cao ở mức hai con số.
Về cơ cấu thị trường xuất khẩu, trong quý đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu tới các hầu hết các thị trường xuất khẩu chủ lực dự kiến đều tăng (trừ thị trường Trung Quốc). Trong đó, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất, với kim ngạch ước đạt 30,5 tỷ USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2024. EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai với kim ngạch ước đạt 13,7 tỷ USD, tăng 12,5%. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba, ước đạt 13 tỷ USD, nhưng kim ngạch xuất khẩu giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước (giảm 0,2%).
"Nhìn chung, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn đang duy trì xu hướng tích cực với tăng trưởng tháng sau cao hơn tháng trước. Tuy nhiên, mức tăng trưởng ước đạt 10,6% trong quý 1/2025 vẫn thấp hơn so với mục tiêu tăng trưởng 12% đặt ra cho cả năm 2025, nhưng cao hơn kịch bản của ngành công thương xây dựng tương ứng với tăng trưởng kinh tế 8% trở lên," ông Bùi Huy Sơn cho hay.