Kiệt tác nghệ thuật hơn 400 năm tuổi ven đô đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt
Với những giá trị văn hóa - kiến trúc độc đáo, riêng có, đình Đại Phùng (xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, Hà Nội) đã được vinh dự đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
![Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà trao Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đình Đại Phùng cho chính quyền và nhân dân địa phương. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_14_51483281/070735d4069aefc4b68b.jpg)
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà trao Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đình Đại Phùng cho chính quyền và nhân dân địa phương. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)
Sáng 15/2 (tức 18 tháng Giêng Âm lịch), huyện Đan Phượng (Hà Nội) đã tổ chức lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đối với đình Đại Phùng, xã Đan Phượng.
Báo cáo hồ sơ di tích, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng cho biết, đình Đại Phùng thuộc thôn Đại Phùng, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, là một trong những ngôi đình cổ, có quy mô lớn ở Việt Nam. Đình Đại Phùng được xây dựng vào nửa cuối thế kỷ XVII, thờ Đức Thánh Tích Lịch Hỏa Quang Thượng đẳng thần và tướng quân Vũ Hùng - người có công dẹp giặc dưới thời nhà Trần ở thế kỷ XIV.
Khu di tích nằm ở trung tâm làng Đại Phùng, trên một khuôn viên rộng 2.542m2. Kiến trúc Đình Đại Phùng gồm ba hạng mục chính là tiền tế, đại bái và hậu cung; đầu hồi phía phải là một giếng cổ, nguồn nước đá ong bốn mùa trong xanh.
![Đình Đại Phùng thuộc thôn Đại Phùng, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, là một trong những ngôi đình cổ, có quy mô lớn ở Việt Nam.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_14_51483281/50f76624556abc34e57b.jpg)
Đình Đại Phùng thuộc thôn Đại Phùng, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, là một trong những ngôi đình cổ, có quy mô lớn ở Việt Nam.
Đình Đại Phùng là di tích đặc biệt độc đáo ở chỗ toàn bộ cấu kiện nguyên thủy được làm bằng gỗ xoan với mái lớn, thân thấp, phù hợp với cả không gian, khí hậu, hoàn cảnh, cho thấy đây là một sáng tạo của cư dân địa phương.
Giá trị lớn nhất ở đình Đại Phùng được thể hiện trên các đề tài trang trí kiến trúc, điêu khắc còn giữ nguyên được niên đại nghệ thuật thế kỷ XVII với trên 1.000 họa tiết có giá trị văn hóa nghệ thuật cao. Nghệ thuật tạo hình ở đình Đại Phùng đạt đến trình độ rất cao hiếm thấy ở nước ta nói chung, thế kỷ XVII nói riêng.
Với những giá trị đặc sắc và to lớn đó, ngày 31/12/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1954/QĐ-TTg xếp hạng đình Đại Phùng là di tích quốc gia đặc biệt.
![Giá trị lớn nhất ở đình Đại Phùng được thể hiện trên các đề tài trang trí kiến trúc, điêu khắc còn giữ nguyên được niên đại nghệ thuật thế kỷ XVII với trên 1.000 họa tiết có giá trị văn hóa nghệ thuật cao.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_14_51483281/8d6eb6bd85f36cad35e2.jpg)
Giá trị lớn nhất ở đình Đại Phùng được thể hiện trên các đề tài trang trí kiến trúc, điêu khắc còn giữ nguyên được niên đại nghệ thuật thế kỷ XVII với trên 1.000 họa tiết có giá trị văn hóa nghệ thuật cao.
![Nghệ thuật tạo hình ở đình Đại Phùng đạt đến trình độ rất cao hiếm thấy ở nước ta nói chung, thế kỷ XVII nói riêng.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_14_51483281/b9bb8468b7265e780737.jpg)
Nghệ thuật tạo hình ở đình Đại Phùng đạt đến trình độ rất cao hiếm thấy ở nước ta nói chung, thế kỷ XVII nói riêng.
![Những nét chạm khắc tinh tế tại đình Đại Phùng.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_14_51483281/702030f303bdeae3b3ac.jpg)
Những nét chạm khắc tinh tế tại đình Đại Phùng.
![Ảnh: Thành Đạt.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_14_51483281/df309be3a8ad41f318bc.jpg)
Ảnh: Thành Đạt.
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đan Phượng Nguyễn Văn Đức, đình Đại Phùng là một trong những di tích kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu, độc đáo vào loại bậc nhất ở xứ Đoài, nơi thờ những vị anh hùng văn hóa, biểu trưng cho sức mạnh của dân tộc trong việc chế ngự thiên tai, lũ lụt và chống giặc ngoại xâm. Đình Đại Phùng, một “bảo tàng văn hóa, nghệ thuật dân gian” sống động, là nguồn tư liệu sáng giá để nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của cộng đồng và dân tộc.
![Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đan Phượng Nguyễn Văn Đức phát biểu tại buổi lễ.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_14_51483281/9587da54e91a0044590b.jpg)
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đan Phượng Nguyễn Văn Đức phát biểu tại buổi lễ.
"Chúng tôi cam kết luôn luôn coi di tích đình Đại Phùng tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa.
Huyện sẽ tiếp tục chung sức, đồng lòng, thực hiện hiệu quả Chương trình hành động quốc gia bảo tồn, phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt đình Đại Phùng nói riêng và các di sản văn hóa trên địa bàn huyện nói chung theo phương châm 'lấy người dân là trung tâm, là chủ thể của các hoạt động', 'biến di sản thành tài sản' phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, với các giải pháp cụ thể để bảo vệ và tạo sức sống mới cho di tích; để di tích mãi mãi trường tồn, ngày càng lan tỏa. Qua đó góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng phát triển huyện Đan Phượng ngày càng giàu đẹp văn minh", ông Nguyễn Văn Đức nhấn mạnh.