Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn: Cha tôi đặt cả nỗi lòng vào thiết kế Dinh Độc Lập
'Cha tôi nói đã làm mới Dinh Độc Lập thì phải mới đúng nghĩa, phải là một công trình với kiến trúc, dáng vóc của thế kỷ 20', TSKH, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn tâm sự.
Ông Ngô Viết Nam Sơn nói được làm cùng nghề với cha - kiến trúc sư Ngô Viết Thụ - người thiết kế hàng loạt công trình nổi tiếng như Dinh Độc Lập, Viện hạt nhân Đà Lạt,…là cơ duyên.
Cha và ông mỗi người theo đuổi một hướng đi riêng của kiến trúc, nhưng tư tưởng lớn nhất ông ảnh hưởng từ cha mình là trách nhiệm, bổn phận với đất nước.
Thiết kế Dinh Độc Lập
- Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ là tác giả của rất nhiều công trình rất nổi tiếng, có thể kể đến như Dinh Độc Lập, Đại học Nông lâm TP.HCM, Chợ Đà Lạt… Trong đó, Dinh Độc Lập là công trình tạo dấu ấn đặc biệt. Ông có thể chia sẻ thêm về câu chuyện thiết kế công trình này của cha mình?
Cơ duyên đưa cha tôi đến với Dinh Độc lập là năm 1962 khi một bên mái dinh Norodom hư hỏng nặng. Cha tôi được yêu cầu sửa lại phần hư hỏng, không xây mới.
Nhưng trong quá trình sửa chữa, do phần mái sập, phải làm móng xây lại, lúc đấu nối giữa phần sửa chữa và công trình cũ thì công trình bị rung lắc. Phần công trình cũ gần như rệu rạo, không đấu nối được.

Dinh Độc Lập xây dựng năm 1962, hoàn thành năm 1966, là thiết kế của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, người Việt Nam đầu tiên đạt giải Khôi nguyên La Mã.
Trong đầu cha tôi vang lên câu hỏi có nên xem đây là cơ hội làm Dinh mới; cơ hội thể hiện một công trình với kiến trúc Việt Nam độc lập.
Cha tôi là kiến trúc sư duy nhất đề nghị phương án xây mới Dinh Độc Lập theo phong cách hiện đại, mà ông cho nó là sự sáng tạo của Việt Nam trong thế kỷ 20, bứt phá ra khỏi kiến trúc phong kiến hay kiến trúc Pháp.
Tôi cho đây là một quyết định rất can đảm và liều lĩnh. Bởi kiến trúc hiện đại mang phong cách Việt Nam cha tôi đề xuất cho Dinh Độc Lập lúc đó hoàn toàn chưa có tiền lệ ở Việt Nam.
Sau này tôi hỏi, ông nói đã làm mới thì phải mới đúng nghĩa, phải là một công trình với kiến trúc, dáng vóc của thế kỷ 20.
Ông cũng giải thích mình vẫn có sự kế thừa, tiếp thu ý nghĩa truyền thống, nhưng không nhất thiết phải làm công trình mới y nguyên kiểu cũ.
Sau năm 1975, tôi có cơ hội đi cùng cha vào Dinh, gặp bác Sáu Dân (Thủ tướng Võ Văn Kiệt) và một số cô chú lãnh đạo thành phố, được nghe giảng giải, trao đổi nhiều giúp tôi hiểu biết thêm về công trình. Rồi tôi có dịp vào Dinh nhiều hơn, khám phá hết kiến trúc bên trong, đọc thêm tài liệu liên quan, giúp hiểu ý nghĩa về nhiều mặt chứ không chỉ là một công trình kiến trúc.
Đó là tổng hợp của nhiều ngành nghệ thuật, từ mỹ thuật, điêu khắc, hội họa, âm nhạc…
Bây giờ, trước những quyết định quan trọng, tôi luôn nhớ lại cách của cha tôi, sẽ hỏi bản thân làm thế nào để đúng, không phải làm để thắng hay thua, được hay mất.
- Điều gì ấn tượng nhất với ông ở công trình được cho là đánh dấu sự khởi đầu của phong cách kiến trúc mang dấu ấn riêng của KTS Ngô Viết Thụ này?
Có rất nhiều bài học giá trị mà khi trở thành một kiến trúc sư tôi mới hiểu hết. Trong đó, một giá trị có lẽ không nhiều người để ý, là công trình Dinh Độc Lập tượng trưng cho tinh thần dân chủ.
Một điều cũng nhiều người thắc mắc, là ở tiền sảnh đi vào Dinh Độc Lập có tấm bảng lớn giải nghĩa mặt bằng hình chữ Hưng, chữ Chủ, chữ Vương. Người không hiểu sẽ cho rằng đó là phong cách thiết kế của ông Ngô Viết Thụ. Thật ra không phải như vậy.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt và KTS Ngô Viết Thụ tại Dinh Độc Lập.
Cha tôi thuộc tuýp người hành động. Ở giai đoạn này, ông thể hiện sự đau lòng khi đất nước chia cắt, chiến tranh liên miên, người dân đói khổ. Đến gần ngày khánh thành, cha tôi đã mượn công trình để nói lên nỗi lòng của mình.
Lúc đó ông bảo có điều chỉnh chút ít ở khu vực mặt tiền Dinh để khớp với các chữ trên. Những chữ này là nhắn nhủ của một người nghệ sĩ mong muốn người dân an cư lạc nghiệp; là triết lý sống của cha tôi ở thời điểm đất nước loạn lạc.
Đó cũng là bài học mà tôi học được, yêu nước, có trách nhiệm với quê hương bằng hành động, quan điểm rõ ràng, tư tưởng nhất quán chứ không phải nói suông.
- Cha ông ảnh hưởng thế nào đến những quan điểm nghề nghiệp, góc nhìn, các thiết kế của ông sau này?
Nói cùng ngành nghề nhưng lĩnh vực hoạt động của cha và tôi hơi khác một chút. Cha tôi làm kiến trúc nhiều còn tôi thì tập trung quy hoạch nhiều hơn.
Tôi đã chứng kiến tất cả đổi thay của TP.HCM suốt 50 sau năm giải phóng, một thành phố luôn đi đầu trong mọi thay đổi của đất nước.
KTS Ngô Viết Nam Sơn
Tôi chịu ảnh hưởng từ cha tôi nhiều thứ. Cha tôi quan niệm nghệ sĩ là phải cầm kỳ thi họa. Ông cũng chơi đàn, tôi cũng chơi đàn, nhưng cha chuyên về các nhạc cụ cổ điển của Việt Nam như đàn nguyệt, đàn tranh... Ông chơi được tất cả các nhạc cụ cổ truyền.
Còn tôi thì thích piano và sáng tác nhạc. Cha tôi làm hàng trăm bài thơ nhưng viết không nhiều, tôi thì ngược lại. Nói chung hai cha con có nhiều điểm chung nhưng cũng có nhiều điểm riêng, tôi thấy đó là điều thú vị để cha con chia sẻ cùng nhau.
Cách giáo dục của cha rất hay mà tôi may mắn được nhận rồi bây giờ dạy sinh viên. Không khi nào tôi vẽ mà cha cầm bút sửa, góp ý lặt vặt. Ông nói thầy sửa bài thì có cái hay, có cái dở. Nhưng cái dở là khi thầy cầm bút sửa sẽ có nguy cơ các tác phẩm của học trò na ná nhau hết.
Ông cho những định hướng lớn, hoặc nhìn bản vẽ tổng thể và đưa ra phương án chung để tôi hoàn thiện, còn quyết định ra sao là do tôi. Điều đó tạo cho tôi sự độc lập nhất định. Khi ra trường, làm phụ tá cho cha thì tôi thành thói quen rồi, luôn tôn trọng người phác thảo dự án, tác giả công trình.
Những người tham gia làm việc với cha tôi luôn có dư địa để sáng tạo, ông coi là người cộng tác chứ không phải giúp việc, phụ việc.
- Câu “hổ phụ sinh hổ tử” có lẽ rất đúng với kiến trúc sư Ngô Viết Thụ và kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn. Ông nối nghiệp cha, và tài năng cũng không kém cha mình?
Cha tôi rất thương con, mong muốn con mình có điều kiện học tập, phát triển tốt nhất. Cha mẹ tôi không hướng con theo nghề nghiệp nào, không bắt ép con học gì mà để các con tự nhiên chọn lựa, phát triển.
Tôi đến với kiến trúc quy hoạch cũng tự nhiên, như cơ duyên vậy.
Mà trong gia đình tôi, dù chỉ có mình tôi theo nghiệp kiến trúc của cha, nhưng các anh chị em cũng làm những lĩnh vực liên quan đến kiến trúc, nghệ thuật, mỹ thuật.
Cha tôi, dù ảnh hưởng cả 2 nền giáo dục Âu – Á, nhưng tư duy rất thoáng.
Ông luôn nói với chúng tôi: "Tụi con làm gì mà tụi con thấy hạnh phúc, miễn đó là nghề lương thiện, có đóng góp cho xã hội, là thành công". Nên việc tôi làm cùng ngành nghề với cha, tôi thấy không phải nối nghiệp mà đó là cơ duyên.
Cùng tái thiết đô thị sau chiến tranh
- Sinh ra trong thời chiến, bây giờ được chứng kiến những thành tựu TP.HCM sau 50 năm, cảm giác của ông thế nào?
Tôi sinh ra ở Sài Gòn, sau này thành phố vinh dự mang tên TP.HCM. Mình học hành, lớn lên cùng thành phố, trải qua những giai đoạn thăng trầm của thành phố, từ thời chiến đến khi Sài Gòn giải phóng, đất nước thống nhất. Tiếp đó là giai đoạn khó khăn sau chiến tranh từ 1975-1986 và khi đất nước đổi mới thì tôi vừa học xong trường Đại học Kiến trúc, bắt đầu tham gia làm việc.
Tôi cũng từng là công chức nhà nước, rồi ra làm kinh doanh riêng, đi du học, làm việc thời gian dài ở nước ngoài rồi lại quay về đóng góp cho thành phố…

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn luôn mong muốn tiếp tục hoàn thiện những quy hoạch, thiết kế dở dang của cha mình - kiến trúc sư Ngô Viết Thụ trong phát triển TP.HCM. (Ảnh: NVCC)
Phải nói là cả cuộc đời tôi gắn với thành phố này. Bởi vậy mà sau những năm tháng học tập, làm việc ở nước ngoài, trở về thì tâm trạng tôi không giống như người đi xa về mà có một sự gắn bó xuyên suốt, tôi luôn theo dõi sát, cảm nhận được sự thay đổi của thành phố và thấy vui.
Vậy chứ trong lòng vẫn ngỡ ngàng - Nhanh quá, mới đó mà đã 50 năm. Đất nước mình đã đi một đoạn đường phát triển rất xa từ ngày thống nhất.
Với riêng ngành quy hoạch kiến trúc, tôi cũng có cơ hội nhìn lại 50 năm qua đã làm được gì. Rất thú vị. Từ cuộc sống người dân thay đổi, ngành quy hoạch kiến trúc thay đổi theo.
Đặc biệt với TP.HCM, vốn là nơi rất năng động, đi đầu trong mọi thay đổi của đất nước, từ quy hoạch, xây dựng đô thị đầu tiên Phú Mỹ Hưng cho đến hàng loạt đô thị mới, những công trình hạ tầng hiện đại phục vụ cuộc sống, phát triển kinh tế ngày nay.
- Ông có được làm nhiều công trình chung với cha?
Khi đất nước đổi mới, tôi may mắn học xong kiến trúc. Công trình đầu tiên của tôi là tham gia cùng cha tôi.
Lúc đó cha tôi lập một xưởng thiết kế tại nhà, thuộc Viện Nghiên cứu và Thiết kế tổng hợp TP.HCM. Cha tôi muốn làm một khách sạn cho Huế, vì ông không chỉ sinh ra ở Huế, mà còn là đồng đội thời chống Pháp của chú Vũ Thắng, Bí thư tỉnh Bình Trị Thiên lúc đó. Hai người gặp lại nhau và cùng mong muốn có công trình khách sạn để địa phương phát triển du lịch.
Cha tôi bàn với chú Thắng và bác Tố Hữu, cũng là bạn thân của họ. Bác Tố Hữu lúc đó là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Phó Thủ tướng), đã đồng ý duyệt ngân sách cho Huế đầu tư khách sạn, là khách sạn Century bây giờ.
Ban đầu tôi chỉ phụ cho cha, về sau cha giao toàn bộ, tôi trở thành người chủ trì và theo suốt dự án từ khi khởi công năm 1990 đến lúc công trình hoàn thành khoảng năm 1993.
Đây là dự án đầu tiên của tôi, nếu so với các công trình sau này thì không lớn lắm, chỉ là một khách sạn 3-4 sao, với gần 150 phòng, nhưng thời điểm đó thì nó là dự án trọng điểm của cả tỉnh Bình Trị Thiên, cũng là một trong những công trình đánh dấu giai đoạn đầu đổi mới của đất nước. Cho nên tôi làm dự án đầu tiên này và cũng trưởng thành cùng dự án này.
Dự án hoàn thành, hai cha con đi nhậu cùng nhau. Cha tôi cụng ly và nói: "Chúc mừng kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn".
Với cha tôi, một kiến trúc sư chỉ thực sự là kiến trúc sư khi họ thực hiện hoàn chỉnh một công trình, từ ý tưởng, thiết kế cho đến khi đầu tư hoàn thiện.

TP.HCM hiện đại sau 50 năm xây dựng, phát triển. (Ảnh: C.Hùng)
Ở TP.HCM, tôi cùng cha tham gia dự án quy hoạch khu đô thị đầu tiên của thành phố, khu Nam Sài Gòn.
Ban đầu, nhà đầu tư Đài Loan (Trung Quốc) muốn làm khu đô thị ở TP.HCM nhưng khi ấy cả nước chưa có dự án nào quy hoạch như vậy. Cơ chế không có, chính sách không, cách làm cũng chưa hình dung. Họ tới nhờ cha tôi góp ý kiến, tư vấn. Cha tôi đề nghị tổ chức cuộc thi quốc tế, và đây là cuộc thi quốc tế đầu tiên được thực hiện để chọn đơn vị làm quy hoạch, rất bài bản.
Ban giám khảo bao gồm cả trong ngoài nước và cha tôi là một thành viên của ban giáo khảo này. Cha tôi là người đề xuất chọn phương án của Skidmore Owings&Merrill (SOM), bởi phương án này phù hợp với điều kiện Việt Nam và có những giải pháp đô thị sông nước. Quan trọng là kinh phí để xây dựng không quá cao.
Tôi may mắn được theo sát từ đầu là vì lúc đó cha tôi sức khỏe không tốt lắm, tôi phải sát cánh cùng cha, được ngồi chung với ban giám khảo trong suốt cuộc thi, được lắng nghe, học hỏi rất nhiều về quy hoạch từ cuộc thi này.
May mắn thêm nữa là sau khi phương án của SOM được chọn, họ mời tôi tham gia. Chính thời gian tiếp xúc với những nhà đầu tư chuyên nghiệp quốc tế đã khơi gợi cho tôi nhiều vấn đề, để tôi thấy kiến thức quy hoạch kiến trúc của mình hạn hẹp, nhiều lỗ hổng cần phải bổ sung, tôi quyết định du học.
- Có rất nhiều quy hoạch, thiết kế của cố kiến trúc sư Ngô Viết Thụ ở TP.HCM chưa thể thực hiện được. Ông có mong muốn tiếp tục hoàn thiện?
Có chứ. Điển hình quy hoạch cho cả trục Xa lộ Hà Nội kéo tới Biên Hòa.
Cha tôi là người được giao và thiết kế các khu công nghiệp Biên Hòa, làng đại học Thủ Đức, khu hội chợ Thủ Đức... Trong đó, làng đại học Thủ Đức xây dựng được một số phần như khu nhà ở, một số trường đại học ông thiết kế như Đại học Nông lâm TP.HCM. Năm 1995, khi Đại học Quốc gia TP.HCM thành lập cũng trên cơ sở bảng quy hoạch của cha tôi được nâng tầm lên.
Phương án này khá tốt, nhưng so với TP.HCM hiện nay thì chưa phản ánh hết tầm nhìn. Khu Đông, bao gồm cả Đại học Quốc gia TP.HCM, khu vực đại học Thủ Đức, cùng Khu công nghệ công nghệ cao TP.HCM phải là một tổ hợp vừa đào tạo vừa nghiên cứu và sản xuất công nghệ cao. Nó là một tổng thể về tri thức quan trọng nhất không chỉ của TP.HCM mà của cả nước.
Nếu có cơ hội, tôi rất muốn được tham gia trong dự án nối kết khu vực này lại với nhau thành một đô thị đại học công nghệ đúng nghĩa.
Một dự án nữa mà tôi mà tôi mong muốn hoàn thiện là Khu hội chợ quốc tế. Dự án này tôi đã có trao đổi với Sở Công Thương TP.HCM. Hiện thành phố có trung tâm triển lãm ở Quận 7, là khu triển lãm lớn nhất miền Nam, nhưng quy mô nhỏ quá.
Hồi cha tôi còn sống, ông đề xuất làm Khu hội chợ quốc tế 30-50 ha ở gần làng đại học Thủ Đức. Tôi kỳ vọng TP.HCM thời gian tới sẽ có một trung tâm hội chợ quốc tế quy mô lớn, xứng tầm.
Xin cảm ơn ông!
Tiến sĩ khoa học, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn có nhiều năm kinh nghiệm quốc tế về tư vấn thiết kế, quy hoạch kiến trúc tại châu Á và Bắc Mỹ. Ông là Tiến sĩ tại Đại Học Washington, Thạc sĩ tại Đại Học California ở Berkeley.