'Bên kia ống kính là lịch sử, sau lưng là ký ức': Hồi ức tháng Tư của nhà báo Trần Mai Hưởng

Có những khoảnh khắc không bao giờ lặp lại trong đời người và có những con người sinh ra là để lưu giữ khoảnh khắc ấy cho cả một dân tộc, với nhà báo chiến trường Trần Mai Hưởng, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, mùa xuân năm 1975 chính là một dấu son như vậy.

Trong những ngày tháng Tư lịch sử, nhà báo Trần Mai Hưởng tất bật với những cuộc gọi, buổi giao lưu, gặp mặt… nhưng trên gương mặt ông luôn rạng rỡ, không chút mệt mỏi. Có cơ hội trò chuyện, lắng nghe những câu chuyện về một “thời hoa lửa” từ nhà báo Trần Mai Hưởng, người phóng viên trẻ càng thêm tự hào, biết ơn, trân trọng hai chữ “hòa bình”, những hy sinh thế hệ đi trước đã đánh đổi cả xương máu.

“Tôi đã sống qua những năm tháng hào hùng và bi tráng. Tôi đã chứng kiến khoảnh khắc lịch sử và cả những hy sinh, khổ đau, mất mát vô cùng lớn lao của con người. Nhiều đồng nghiệp của tôi đã ngã xuống trên chiến trường, với máy ảnh và vũ khí trong tay, những trang tin còn đang viết dở…. Giá như có một cơ hội thứ hai, tôi có thể sống và làm mọi việc tốt hơn, nhiều hơn nữa”, nhà báo Trần Mai Hưởng trải lòng.

Mỗi dịp gặp mặt, trò chuyện với lớp thế hệ trẻ, những ký ức về một thời đã qua cứ thế ùa về, chân thực, sắc nét đến từng chi tiết. Với nhà báo Trần Mai Hưởng, mùa Xuân 1975 đã khắc sâu trong tâm trí như một thời khắc thiêng liêng không thể phai mờ. Là phóng viên mặt trận của Thông tấn xã Giải phóng, ông đã có mặt tại Huế, Đà Nẵng trong những ngày đầu tiên sau giải phóng. Những con đường đổ bóng nắng vàng, những tiếng reo hò nghẹn ngào của đồng bào, những gương mặt rạng ngời trong niềm tin vào ngày mai, tất cả tạo thành bản giao hưởng kỳ diệu của lịch sử mà ông “may mắn” được chứng kiến tận mắt, ghi lại từng khoảnh khắc bằng ống kính và trái tim người làm báo.

Video nhà báo Trần Mai Hưởng chia sẻ:

Sau ống kính là cả một thời đại

Trong giờ phút thiêng liêng kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhà báo Trần Mai Hưởng vui mừng, xúc động khi chứng kiến đất nước, con người sau 50 năm, đặc biệt trong những ngày này, ông cảm nhận được sự quan tâm của các bạn trẻ, cùng đông đảo nhân dân với những câu chuyện của 50 năm trước, với mùa xuân đại thắng 1975.

“Tôi đã gặp gỡ rất nhiều bạn thanh niên, kể cả ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nhận thấy là lớp trẻ ngày nay rất quan tâm, hoàn toàn không thờ ơ với sự kiện của đất nước khiến tôi rất là xúc động, mong muốn được chia sẻ nhiều hơn nữa những câu chuyện của mình. Đó không phải là câu chuyện cá nhân tôi, mà là câu chuyện của cả một thế hệ, của những người đồng nghiệp, người lính và của cả dân tộc”, nhà báo Trần Mai Hưởng nói.

Nhà báo chiến trường Trần Mai Hưởng, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam.

Nhà báo chiến trường Trần Mai Hưởng, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam.

Sáng 30/4/1975, ông cùng các chiến sĩ của mũi đột kích thọc sâu của Quân đoàn 2, tiến vào thành phố Sài Gòn, cảm nhận nhiều cung bậc cảm xúc, từ những mất mát, hy sinh của những người lính, chiến sĩ trong những trận đánh cuối cùng, đến khoảnh khắc nhân dân Sài Gòn từ người già đến người trẻ đổ ra đường chào đón các chiến sĩ trong niềm hạnh phúc, hân hoan….

Ông cùng các phóng viên cố gắng để đến Dinh Độc Lập sớm nhất, khi đến Dinh, ba chiếc xe tăng đã vào, ông nhanh chóng tác nghiệp. Thấy xe tăng 846 (xe thứ tư) tiến qua cổng Dinh, ông nhanh chóng giơ máy lên bắt trọn khoảnh khắc. Đến hiện tại, khi nhớ lại ông nghĩ rằng đó là một cơ duyên may mắn trong cuộc đời làm báo của ông.

Trên tháp pháo của xe tăng 846, lá cờ đang bay, ánh nắng buổi trưa chia đôi nòng pháo, như chia đôi lịch sử, trước và sau ngày giải phóng, “Tôi nghĩ đó là một khoảnh khắc rất đẹp, ghi lại được thời khắc xe tăng đang tiến qua cổng Dinh; về mặt hình tượng, đó là xe tăng T54, xe tăng hiện đại nhất bấy giờ của quân đội, cho thấy sự trưởng thành của quân đội ta sau những năm chiến đấu bảo vệ Tổ quốc…. Đặc biệt trên chiếc xe tăng có cả những chiến sĩ bộ binh, góp phần khắc họa đầy đủ hai lực lượng chủ yếu là xe tăng và người lính tiến vào trung tâm thành phố,” nhà báo Trần Mai Hưởng kể lại, giọng đầy tự hào.

Bức ảnh nhà báo Trần Mai Hưởng chụp xe tăng 846 tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975.

Bức ảnh nhà báo Trần Mai Hưởng chụp xe tăng 846 tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975.

Với nhà báo Trần Mai Hưởng, Sài Gòn ngày 30/4/1975 không chỉ có xe tăng và cờ bay. Đó còn là những khuôn mặt người dân từ em bé bồng trên tay mẹ đến cụ già tóc bạc... Người dân hồ hởi đổ ra đường tận hưởng ngày đại thắng, hòa mình vào “dòng suối mát lành giữa ngày xuân”, tay vẫy chào đón đoàn quân giải phóng bằng tất cả trái tim nồng hậu.

“Sài Gòn ngày ấy sống động lắm, như một bức tranh với đầy đủ các sắc thái của tự do,” ông kể lại, giọng trầm lắng mà sáng ngời niềm tự hào.

Nhưng bên cạnh xúc cảm là trách nhiệm nặng nề: Làm sao để kịp thời ghi lại những bức ảnh, gửi đi những dòng tin, để cả nước cùng sống trong phút giây vĩ đại ấy. “Niềm vui, nỗi buồn, sự lo lắng, tất cả hòa trộn trong tim, nhưng vượt lên trên hết là tinh thần phải hoàn thành nhiệm vụ”, nhà báo Trần Mai Hưởng tâm sự.

Tối 30/4, sau một ngày tác nghiệp vất vả nhưng đầy cảm xúc, nhà báo Vũ Tạo ngồi lại, tâm sự với nhà báo Trần Mai Hưởng, cuộc nói chuyện này khiến ông lưu giữ mãi trong tim: “Đêm nay trên khắp đất nước, từ thành thị đến nông thôn, hàng triệu gia đình không ngủ được.” Niềm vui thống nhất không chỉ ở Sài Gòn, mà lan tỏa đến từng mái nhà, từng trái tim, từ hải đảo xa xôi đến miền núi mờ sương. Một dân tộc vừa trải qua bao mất mát giờ đây được sống trong ánh sáng hòa bình. Trong khoảnh khắc ấy, nhà báo Trần Mai Hưởng không chỉ làm nghề mà còn đang sống trong lịch sử, đi cùng lịch sử.

Nhà báo Trần Mai Hưởng (thứ 2, từ phải sang) cùng với các nhà báo tại Đất Mũi Cà Mau, Cột Mốc Tọa Độ Quốc Gia.

Nhà báo Trần Mai Hưởng (thứ 2, từ phải sang) cùng với các nhà báo tại Đất Mũi Cà Mau, Cột Mốc Tọa Độ Quốc Gia.

Khi mọi người còn đang chìm trong “men” chiến thắng, sáng 1/5/1975, nhà báo Trần Mai Hưởng lại tiếp tục lên đường. Máy ảnh đeo vai, ông len lỏi qua từng con phố, đi khắp các ngả để tìm cách gửi tin, gửi ảnh về cơ quan. “Chúng tôi hồi đó phải cử một người sang Biên Hòa, rồi gửi ảnh thông qua đường máy bay ra Hà Nội. Thế rồi tiếp tục đi các nơi trong thành phố để phản ánh cuộc sống, gặp lại các đồng nghiệp. Thời điểm ấy, Sài Gòn là nơi hội quân của các anh em Thông tấn, mỗi người một nhiệm vụ, một vị thế, một hoàn cảnh… nhưng đều đồng lòng, chung sức phản ánh trọn vẹn nhất sự kiện lớn ở Sài Gòn”, nhà báo Trần Mai Hưởng chia sẻ.

Sau ngày giải phóng, ông ở lại Sài Gòn suốt năm 1975, là phóng viên thường trú của Thông tấn xã Việt Nam. Ông đi qua nhiều tỉnh thành: Bình Dương, Vũng Tàu, Bến Tre… chứng kiến sự hồi sinh từ những đổ nát chiến tranh. Không chỉ đưa tin, ông như người lưu giữ ký ức, gom góp từng lát cắt hiện thực để gửi vào tương lai. Những bức ảnh, bài viết của ông không đơn thuần là sản phẩm báo chí mà còn là mạch nguồn cảm xúc, là nhân chứng sống cho một giai đoạn đầy bi tráng của dân tộc.

Nhiều năm sau, ông tìm gặp lại những người lính có mặt trong bức ảnh xe tăng 846. Khi đó, họ đã trở về với cuộc sống bình dị: Làm ruộng, trồng na, lái xe buýt… Không ai trong họ tự nhận mình là anh hùng. Họ chỉ lặng lẽ hoàn thành nhiệm vụ rồi trở về với gia đình, mảnh vườn, làng quê. Nhưng với nhà báo Trần Mai Hưởng, họ là những người anh hùng thật sự: Giản dị, khiêm nhường, nhưng đã góp phần viết nên trang sử chói lọi của dân tộc. Gặp lại họ, nhà báo Trần Mai Hưởng nghẹn ngào, xúc động:

“Trong bức ảnh tôi chụp có bốn người lính, mỗi người mang một số phận khác nhau. Điểm chung là rất bình dị, đẹp đẽ. Bác trưởng xe Nguyễn Quang Hòa sau giải phóng về làm ruộng ở phường La Khê, quận Hà Đông; bác lái xe Trần Bình Yên thì về Hà Nam làm trang trại trồng na. Còn bác pháo thủ số 1 Nguyễn Ngọc Quý trở về huyện An Lão, Hải Phòng làm ruộng; bác Nguyễn Bá Tứ pháo thủ số 2, người trên tháp pháo sau hòa bình, lái xe buýt ở Hà Nội…”

Người đi qua chiến tranh, hòa bình

Không chỉ là phóng viên ghi lại những khoảnh khắc lịch sử năm 1975, nhà báo Trần Mai Hưởng còn có hơn 10 năm tác nghiệp tại các chiến trường ác liệt, “vượt qua “mưa bom, bão đạn”, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Năm 1972-1973, ông ở mặt trận Quảng Trị; theo chân các chiến sĩ tình nguyện Việt Nam trên đất Campuchia, có mặt tại thủ đô Phnom Penh đúng ngày 7/1/1979; có mặt ở Hà Giang, Cao Bằng những năm 1980 trong cuộc chiến bảo vệ biên giới… Mỗi lần tác nghiệp đều để lại trong nhà báo Trần Mai Hưởng những dấu ấn khó quên.

Những ngày đầu năm 1972, lần đầu nhà báo Trần Mai Hưởng vào giới tuyến. Bên dòng Bến Hải, ông đã ghi lại đôi dòng vào nhật ký: “Mặt sông loang loáng ánh chiều tà, in hình cây cầu Hiền Lương xiêu vẹo và chơ vơ giữa dòng. Trong lòng cây cầu ấy có một vết sơn trắng hằn ngang. Đấy là ranh giới mỏng manh phân chia hai miền đất nước chúng ta, mà để xóa đi lằn ranh ấy, máu hàng triệu người đã đổ”.

Đối với ông, Quảng Trị mãi là vùng đất với nhiều sự kiện, nhiều gắn bó như: Chiến dịch Tổng tiến công với những trận đánh lớn; niềm vui giải phóng được đánh đổi bởi nhiều mất mát hy sinh; nữ du kích Thu Hồng, nhân vật ông có dịp gặp gỡ đã hy sinh khi chưa tròn 20 tuổi; nhà nhiếp ảnh Nghĩa Dũng, phóng viên thông tấn quân sự, đã ngã xuống ngay những ngày đầu chiến dịch …

Mùa Xuân 1973 sau khi ký Hiệp định Paris, cũng in dấu với những hình ảnh đặc biệt, ông đã bắt trọn những khoảnh khắc quý giá, những giọt nước mắt của đôi vợ chồng bị giam cầm, gặp lại nhau sau 12 năm xa cách trên bãi trao trả tù bình bên dòng Thạch Hãn, cùng với đó là khoảnh khắc hiếm hoi trên điểm hòa hợp ở Linh Quang- Triệu Phong, khi các chiến sĩ giải phóng và những người lính Sài Gòn gặp gỡ với những khao khát hòa bình .

“Tôi cũng không bao giờ quên cảm giác bàng hoàng khi chứng kiến thủ đô Phnôm Pênh trở thành một “thành phố chết” theo đúng nghĩa đen. Tôi đã có mặt ở đây chiều 7/1/1979 cùng các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam. Sau đó trải qua những ngày mùa khô gian nan, sinh tử khắp các nẻo đường trên đất nước cùng những chiến sĩ Việt Nam, cùng thời khắc cùng họ đón cái Tết đầu tiên xa tổ quốc:

Trên đất Campuchia mùa khô ấy/ Chân bước đi giữa những bãi mìn

Không khí thở cũng gây mùi xác chết/ Nỗi chập chờn đạn bắn phía sau lưng

Chỉ nỗi nhớ là cồn cào quay quắt/ Khát một cái nhìn tin cậy thương yêu

Thèm hơi ấm bình yên rơm rạ/ Khi thời gian bay se sẽ trên đầu…”

Đặc biệt những ngày “Thành giăng ải Bắc” trên vùng biên giới Cao Bằng, Hà Giang. Nhà báo Trần Mai Hưởng và các đồng nghiệp tác nghiệp ngay trong tầm đạn bắn thẳng của đối phương. Khoảnh khắc lên Mã Pì Lèng bên dòng Nho Quế cùng các chiến sĩ bảo vệ biên cương trở nên thật đặc biệt, đến hiện tại mỗi khi nhớ về, ông lại ngân vang những câu thơ:

"Sông như thiên kiếm trao cho núi/ Giữ lấy biên cương chốn địa đầu

Trập trùng đá xám mang hồn nước/ Sông chảy vào lòng đá thẳm sâu

Đường lên điểm tựa cheo leo lắm/ Xín Cái, Thượng Phùng súng chạm mây

Mã Pì Lèng dốc cao vượt mặt/ Nhìn sang Nho Quế vẫn bên trời

Người lên Ải Bắc năm xưa ấy/ Sương trắng núi cao tuyết giăng thành

Máu đổ xuống giữ từng triền núi/ Nước sông xanh mấy bận tím bầm".

Có những con người cả đời gắn bó với báo chí, nhưng ít ai mang trong mình hành trang đặc biệt, nhà báo Trần Mai Hưởng đã đi từ chiến tranh đến hòa bình, từ những ngày khói lửa đến những trang báo bình yên thời hậu chiến. Chiến tranh không chỉ là quá khứ, mà là dấu ấn không phai mờ trong tâm hồn ông, rèn giũa nên một con người bản lĩnh, giàu suy tư và đầy trách nhiệm. Nhìn lại cuộc đời, ông có quyền tự hào về những gì mình đã cống hiến. Nhưng trong ánh mắt trầm tư của người phóng viên chiến trường, vẫn thấp thoáng những điều chưa trọn vẹn. Từng sống giữa ranh giới sinh tử, chứng kiến hy sinh, ông luôn đau đáu câu hỏi: Sống sao cho xứng đáng?

Nhà báo Trần Mai Hưởng nói, chiến tranh là "phép thử" nghiệt ngã nhất, không chỉ với một dân tộc, mà với từng số phận con người. Trong tiếng bom, trong ranh giới giữa sự sống và cái chết, con người bộc lộ những gì chân thực và bản lĩnh nhất. Không ở đâu hiểu nhau sâu sắc bằng ở chiến trường. Ở nơi đó, từng ánh mắt, từng hành động có thể quyết định mạng sống. Và cũng ở đó, những người lính cầm bút như ông đã tôi rèn không chỉ lòng can đảm, mà cả sự tỉnh táo và nhạy bén của một người làm báo giữa cuộc sống cận kề cái chết.

Hình ảnh ngày 30/4 lịch sử được ghi lại dưới góc máy của nhà báo Trần Mai Hưởng.

Hình ảnh ngày 30/4 lịch sử được ghi lại dưới góc máy của nhà báo Trần Mai Hưởng.

Làm báo trong chiến tranh không chỉ là chuyện đưa tin. Đó là hành trình đặt cược sinh mạng cho từng chuyến đi, từng trận đánh. Với ông và đồng đội, vượt qua cái chết đã khó, nhưng vượt qua giới hạn bản thân để hoàn thành nhiệm vụ giữa hoàn cảnh ngặt nghèo còn khó hơn. Không chỉ phải có mặt kịp thời ở nơi lửa đạn, họ còn phải chụp được khoảnh khắc, ghi lại sự thật, viết được bài và gửi được tin về trong điều kiện thiếu thốn và hiểm nguy. Để làm được điều đó, người phóng viên chiến trường phải mang trong mình một trái tim gan dạ và một cái đầu tỉnh táo. Càng ở ranh giới sinh tử, càng phải giữ vững phẩm chất của người cầm bút…

Hồi ký phóng viên chiến trường “Trên những nẻo đường chiến tranh và hòa bình” của nhà báo Trần Mai Hưởng là một tư liệu quý giá đối với công chúng và những người làm báo.

Hồi ký phóng viên chiến trường “Trên những nẻo đường chiến tranh và hòa bình” của nhà báo Trần Mai Hưởng là một tư liệu quý giá đối với công chúng và những người làm báo.

Năm 2023, nhà báo Trần Mai Hưởng tâm huyết ra mắt cuốn "Hồi ký phóng viên chiến trường - Trên những nẻo đường chiến tranh và hòa bình”, với mong muốn kể lại những câu chuyện về cuộc đời làm báo của mình, những sự kiện đã được chứng kiến, những con người đã gặp trên những nẻo đường đời, những hoàn cảnh đã trải qua; đặc biệt về những năm tháng chiến tranh nhiều hy sinh gian khó.

“Tôi muốn khắc họa lại hình ảnh của mình và các đồng nghiệp qua các thời kỳ công tác. Thông tấn xã Việt Nam có một đội ngũ đông đảo cán bộ, phóng viên có những đóng góp rất to lớn cho sự nghiệp báo chí, cho cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước. Nhiều người trong số họ không còn. Đã có khoảng 260 liệt sĩ của ngành ngã xuống trên các chiến trường. Điều ấy càng thôi thúc tôi viết lại mọi chuyện, góp phần vào việc lưu giữ ký ức về những năm tháng không quên ấy”, nhà báo Trần Mai Hưởng tâm huyết chia sẻ.

Chiến tranh đi qua, nhưng ký ức ở lại. Những năm tháng sống giữa bom đạn đã khắc sâu trong tâm hồn ông không chỉ nỗi đau, mà còn là những giá trị sống không gì thay thế được. Đó là lòng trung thành, sự kiên cường, là tình đồng đội và niềm tin vào lý tưởng. Những phẩm chất ấy, sau này trở thành điểm tựa để ông bước đi trong thời bình khi làm báo, khi quản lý, khi viết sách, và cả khi âm thầm chiêm nghiệm lại cuộc đời mình.

“Tôi đã sống qua những năm tháng hào hùng và bi tráng. Tôi đã chứng kiến khoảnh khắc lịch sử và cả những hy sinh, khổ đau, mất mát vô cùng lớn lao của con người. Nhiều đồng nghiệp của tôi đã ngã xuống trên chiến trường, với máy ảnh và vũ khí trong tay, những trang tin còn đang viết dở. Sự hy sinh đó là vô giá ! Là những người may mắn trở về, sự sống trong mỗi chúng tôi luôn trĩu nặng sự sống của cả bao người không còn có mặt. Vì thế, sống sao cho xứng đáng, sống cho cả mong ước của những người không trở về, luôn là một câu hỏi lớn cho mỗi con người hôm nay”, nhà báo Trần Mai Hưởng trải lòng.

Những lời giản dị mà hàm chứa bao nhiêu tầng ý nghĩa, mỗi bước chân ông đi, mỗi trang báo ông viết, đều mang theo ký ức của những người đồng đội đã nằm lại nơi chiến trường. “Giá như có một cơ hội thứ hai, tôi có thể sống và làm mọi việc tốt hơn, nhiều hơn nữa. Nhưng đời người chỉ sống một lần. Tôi hạnh phúc vì đã sống một cuộc sống như vậy và nếu có thể chọn lựa lại, tôi vẫn xin làm một người làm báo để ca ngợi những điều tốt đẹp và con người và cuộc sống trên đất nước thân yêu của mình”, nhà báo Trần Mai Hưởng nói.

Hồng Phượng/ Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/ben-kia-ong-kinh-la-lich-su-sau-lung-la-ky-uc-hoi-uc-thang-tu-cua-nha-bao-tran-mai-huong-20250430112347945.htm
Zalo