Kiên trì để thành công
Sau khi nhận thấy tiềm năng của sầu riêng, anh bắt đầu chế biến cấp đông để nâng cao giá trị. Hiện công ty đạt doanh thu trên 5 tỷ đồng mỗi năm, tạo công ăn việc làm cho hàng chục thanh niên tại địa phương. Mới đây, anh vinh dự nhận Giải thưởng Lương Định Của năm 2024 do Trung ương Đoàn tổ chức. Anh là Lưu Hoàng Tuấn, sinh năm 1991, hiện đang sinh sống tại thị trấn Mađaguôi, huyện Đạ Huoai.
![Anh Lưu Hoàng Tuấn với Giải thưởng Lương Định Của](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_07_439_51414925/b7b5a5fa9db474ea2da5.jpg)
Anh Lưu Hoàng Tuấn với Giải thưởng Lương Định Của
Anh Tuấn cho biết: "Sầu riêng rất khó bảo quản và vận chuyển. Khi đó, tôi nghĩ, tại sao không chế biến sầu riêng để bảo quản lâu hơn và nâng cao giá trị. Vậy là ý tưởng chế biến sầu riêng cấp đông chín tự nhiên ra đời”.
Năm 2021, anh Tuấn thành lập Công ty TNHH Nông sản Bảo Thi, công ty tập trung chế biến sầu riêng cấp đông chín tự nhiên, đảm bảo chất lượng quả đạt 95% so với sầu riêng tươi. Sản phẩm của công ty anh không chỉ giữ được hương vị thơm ngon mà còn bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng. Để đảm bảo nguồn cung ứng ổn định, anh Tuấn đã mua đất trồng sầu riêng. Năm 2017, đất trồng điều rất rẻ, anh quyết định mua và chuyển đổi sang trồng sầu riêng. Đây là một bước đi mạo hiểm, nhưng đến năm 2025, vùng nguyên liệu này sẽ cho sản lượng lớn, dự kiến đạt 40 tấn/năm.
Ngoài vùng trồng của gia đình, công ty của anh Tuấn còn hợp tác với 5 hợp tác xã trên địa bàn huyện Đạ Huoai, xây dựng 12 mã vùng trồng đạt chuẩn với tổng diện tích hơn 450 ha. Sản lượng hàng năm dự kiến lên tới 5.000 tấn sầu riêng tươi.
Hiện tại, Công ty TNHH Nông sản Bảo Thi sở hữu nhà máy chế biến và đóng gói rộng 1.200 m², với hệ thống kho cấp đông có khả năng xử lý 3 tấn/mẻ trong 8 giờ và kho trữ lạnh chứa 30 tấn. Khu vực đóng gói có công suất đạt 4 container mỗi ngày. Các sản phẩm chính của công ty gồm: sầu riêng cấp đông chín tự nhiên - sầu riêng được chế biến để giữ trọn hương vị và chất lượng, phục vụ thị trường nội địa; các loại sầu riêng tươi như: Dona và Ri6, cung cấp theo đơn đặt hàng của đối tác Trung Quốc và thị trường nội địa.
Anh Tuấn chia sẻ: “Hiện tổng vốn đầu tư cho dự án khoảng 6 tỷ đồng, trong đó phần lớn là vốn vay ngân hàng. Dù vậy, công ty đã đạt doanh thu hàng năm trên 5 tỷ đồng, với lợi nhuận trung bình 500 triệu đồng. Con số này không lớn so với quy mô thị trường, nhưng với tôi, đây là động lực để tiếp tục".
Anh Tuấn cũng đặt mục tiêu hoàn thiện quy trình chế biến và thương mại hóa sản phẩm sầu riêng cấp đông ra toàn quốc trong tương lai. Công ty cũng đang phát triển các chuỗi cửa hàng tập trung tại khu vực miền Bắc và miền Trung. "Tôi muốn sầu riêng Đạ Huoai trở thành một thương hiệu quốc gia, nâng cao giá trị nông sản quê hương và giúp bà con cải thiện đời sống. Hiện công ty đang tạo công ăn việc làm cho 5 nhân viên chính thức, 10 nhân viên thường xuyên và hơn 50 nhân công thời vụ”, đó là tâm sự đầu năm mới của anh Lưu Hoàng Tuấn.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình và tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương; anh Lưu Hoàng Tuấn từng là cán bộ Hội Liên hiệp Thanh niên huyện năng nổ, hiện anh đang công tác tại Hội Nông dân huyện Đạ Huoai. Những kiến thức về trồng, chăm sóc và bảo quản sầu riêng luôn được anh chia sẻ đến bà con nông dân.
Đặc biệt, trong những năm qua, ngoài làm từ thiện ở địa phương, anh Lưu Hoàng Tuấn cũng thường xuyên đồng hành cùng Báo Lâm Đồng để trao học bổng cho những em học sinh khó khăn tại các huyện Đạ Huoai cũ, Cát Tiên cũ. Anh Tuấn cho rằng mặc dù thu nhập của công ty còn chưa cao nhưng anh luôn ủng hộ, quan tâm đến các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Đây cũng là trách nhiệm của người làm kinh doanh vì ngoài mục tiêu cho bản thân thì điều cần thiết là quan tâm, chia sẻ đối với cộng đồng. "Bởi vì những ngày đầu, tôi thất bại nhiều lần, nhất là khi thử nghiệm công nghệ chế biến. Dù vậy, nhờ sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè, Đoàn Thanh niên và Hội Nông dân, tôi vẫn tiếp tục kiên trì”, anh Tuấn chia sẻ.