Giá vàng thế giới sẽ đạt 3.000 USD/ounce?
Ngày càng nhiều dự báo về khả năng giá vàng thế giới sẽ đạt 3.000 USD/ounce trong năm nay, khi tình hình bất ổn vẫn tiếp diễn và các nhà đầu tư đổ xô vào các tài sản trú ẩn.
Trong bối cảnh thị trường tài chính thế giới biến động mạnh, vàng tiếp tục khẳng định vai trò là "hầm trú ẩn" an toàn cho các nhà đầu tư khi giá kim loại quý liên tục lập kỷ lục mới và lần đầu tiên trong lịch sử vượt qua ngưỡng 2.800 USD/ounce.
Căng thẳng thương mại leo thang - đặc biệt sau khi Mỹ thực hiện áp thuế bổ sung 10% với hàng hóa Trung Quốc, và vẫn tiếp tục đe dọa áp thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Canada, Mexico, Liên minh châu Âu - đang khiến giới đầu tư tìm đến vàng để bảo vệ tài sản trước nguy cơ lạm phát và những bất ổn kinh tế.
Từ đầu năm 2024, giá vàng thế giới đã ghi nhận đà tăng mạnh mẽ, phản ánh xu hướng lạc quan của thị trường và được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố quan trọng.
Đến phiên giao dịch ngày 5/2, giá vàng giao ngay đã đạt đỉnh mọi thời đại ở 2.882,16 USD/ounce trước khi hạ nhiệt và giao dịch ổn định ở mức 2.865,61 USD/ounce. Trong phiên giao dịch đang diễn ra hiện tại, giá vàng thế giới có dấu hiệu đi lùi nhưng vẫn dao động quanh vùng 2.850 USD/ounce.
Ông Peter Grant, Phó chủ tịch và Chiến lược gia tại Zaner Metals cho biết: "Giá vàng vẫn chịu ảnh hưởng lớn từ căng thẳng thương mại... Dòng vốn trú ẩn an toàn tiếp tục là yếu tố chi phối thị trường".
Dự báo từ Citibank cho thấy giá vàng có thể chạm mốc 3.000 USD/ounce trong vòng 6 tháng tới. Trong khi đó, Morgan Stanley thậm chí dự báo giá vàng có thể tăng vọt lên 3.200 USD/ounce vào cuối năm 2025.
Tương tự, các ngân hàng đầu tư hàng đầu thế giới như Goldman Sachs và JP Morgan cũng lạc quan với mức dự báo lần lượt là 2.900 USD và 3.100 USD/ounce cho giá vàng giao ngay trước khi năm 2025 kết thúc.
Các chuyên gia tài chính từ Capital.com, Mind Money Brokerage và HSBC đều nhận định giá vàng sẽ duy trì đà tăng do rủi ro địa chính trị leo thang và lo ngại về mức nợ công gia tăng toàn cầu. Trong khi đó, BNP Paribas dự báo các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục mua vàng để bảo vệ tài sản trong bối cảnh bất ổn toàn cầu.
Trong năm qua, Trung Quốc đã vượt qua Ấn Độ để trở thành quốc gia tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới, với nhu cầu trang sức tăng 10% và đầu tư vào vàng thỏi, đồng xu tăng 28%. Ngược lại, nhu cầu vàng tại Ấn Độ giảm 6% do chính phủ nước này cắt giảm thuế nhập khẩu vàng từ 15% xuống 6%.
Hiện giới đầu tư đang theo dõi sát sao báo cáo việc làm của Mỹ sắp công bố để tìm kiếm dấu hiệu về chính sách lãi suất.
Với tình hình bất ổn vẫn đang tiếp diễn, nhu cầu vàng tiếp tục gia tăng, nâng cao khả năng kim loại quý này sớm chạm mốc 3.000 USD/ounce.