Mỹ lật ngược quyết định dừng tiếp nhận bưu kiện từ Trung Quốc, ngành logistics náo loạn

Ngày 5/2, Cơ quan dịch vụ bưu chính Mỹ (USPS) thông báo sẽ tiếp tục tiếp nhận các bưu kiện từ Trung Quốc.

Công ty vận chuyển, nhà bán lẻ như “rắn mất đầu”

Theo hãng tin Reuters, động thái mới nhất này đã lật ngược quyết định tạm dừng được đưa ra chỉ 12 giờ trước đó sau khi ông Trump áp đặt lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cũng như việc chấm dứt quy định miễn thuế "de minimis" đối với các gói hàng có giá trị dưới 800 USD.

Sự thay đổi đột ngột khiến các nhà bán lẻ và các công ty vận chuyển càng thêm bối rối về cách thức đối phó với mức thuế bổ sung 10% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Nhân viên USPS làm việc tại một kho hàng ở Los Angeles, California (Ảnh: Reuters).

Nhân viên USPS làm việc tại một kho hàng ở Los Angeles, California (Ảnh: Reuters).

Tuy các công ty vận chuyển quốc tế lớn cam kết tiếp tục duy trì dịch vụ giao hàng nhưng nhiều khả năng việc giao nhận hàng hóa sẽ bị gián đoạn trong quá trình USPS làm việc với Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ (CBP) để thiết lập quy trình thu thuế mới đối với các gói hàng nhỏ.

Hãng chuyển phát nhanh FedEx đã tạm dừng chính sách đảm bảo hoàn tiền cho các lô hàng quốc tế do xáo trộn trong chuỗi cung ứng. Hai hãng chuyển phát nhanh của Mỹ khác là DHL và UPS cho biết họ đang làm việc với khách hàng để giảm thiểu tác động tiêu cực và tránh gián đoạn chuỗi cung ứng.

Cả UPS, FedEx và DHL có hệ thống để thu thuế và có thể chuyển khách hàng sang dịch vụ này. Tuy nhiên, các lô hàng được vận chuyển bằng đường hàng không khác vẫn có thể đối mặt với nguy cơ chậm trễ lớn hơn.

Trong một diễn biến có liên quan, CBP tại Sân bay Quốc tế John F. Kennedy tại New York ngày 5/2 thông báo tạm giữ tất cả các lô hàng nhập từ Trung Quốc cho đến khi có thông báo mới.

"Chúng tôi như rắn mất đầu vào lúc này và đang cố dự đoán xem điều gì sẽ xảy ra. Có thể phải mất 2 tuần mọi thứ sẽ trở lại bình thường”, ông Martin Palmer, đồng sáng lập công ty dữ liệu thương mại điện tử xuyên biên giới Hurricane Commerce, cho biết.

Cùng chung quan điểm với ông Palmer, bà Maureen Cori, đồng sáng lập công ty tư vấn chuỗi cung ứng Supply Chain Compliance có trụ sở tại New York, chia sẻ, quyết định “tiền hậu bất nhất” của USPS khiến không ai có thời gian để chuẩn bị. “Chúng tôi cần sự hướng dẫn rõ ràng từ Chính phủ về cách xử lý tình huống này”, bà Cori nói thêm.

Hệ thống hải quan Mỹ cũng rối loạn

Theo dữ liệu của CBP, khoảng 1,36 tỷ lô hàng đã vào Hoa Kỳ theo quy định de minimis vào năm 2024, tăng 36% so với năm 2023. USPS cho biết họ đang hợp tác với CBP để tìm ra cách thu thuế từ các gói hàng từ Trung Quốc một cách hiệu quả nhằm đảm bảo hạn chế tối đa sự gián đoạn trong quá trình giao hàng.

“Mấu chốt vấn đề không nằm ở USPS mà là ở CBP. Họ đã không chuẩn bị cho những gì đang diễn ra. Câu hỏi trị giá hàng nghìn tỷ USD lúc này là: Ai sẽ thu thuế và ai trả khoản thuế đó?”, một chuyên gia trong ngành bưu chính nhận định.

Những thay đổi chóng mặt của USPS đang khiến hệ thống Hải quan Mỹ rơi vào rối loạn (Ảnh: AP).

Những thay đổi chóng mặt của USPS đang khiến hệ thống Hải quan Mỹ rơi vào rối loạn (Ảnh: AP).

Trong khi đó, bà Kate Muth, Giám đốc Điều hành Tập đoàn Tư vấn International Mailers Advisory Group (IMAG), cho rằng nếu sự thay đổi này được thực hiện thông qua quy trình thiết lập quy tắc liên bang truyền thống thì các bên liên quan có thể đóng góp ý kiến và điều chỉnh trước khi quy định có hiệu lực khoảng vài tháng.

"Chúng tôi không được chuẩn bị đầy đủ. Mọi thứ diễn ra đột ngột”, bà Cori chia sẻ và thông tin thêm rằng CBP có thể chịu thiệt hại về doanh thu nếu chi phí dùng để thu thuế cao hơn số tiền thuế mà họ thu được.

Hiện tại, các bưu kiện theo diện de minimis được gom lại để hải quan có thể xử lý hàng trăm hoặc hàng nghìn lô hàng cùng lúc. Nhưng giờ đây, mỗi gói hàng sẽ phải được thông quan riêng, làm tăng thêm đáng kể khối lượng công việc của cả USPS và CBP.

Quy định de minimis ban đầu được thiết kế để đơn giản hóa thương mại, nhưng việc tận dụng đã tăng vọt cùng với sự phát triển của mua sắm trực tuyến, thúc đẩy sự mở rộng của các nhà bán lẻ thời trang trực tuyến của Trung Quốc như Shein và Temu.

Theo một báo cáo được Ủy ban Quốc hội Mỹ về Trung Quốc đưa ra vào tháng 6/2023, hai công ty này có thể chiếm tới hơn 30% tổng số gói hàng được vận chuyển vào Mỹ mỗi ngày theo quy định de minimis. Báo cáo cũng cho thấy gần một nửa số bưu kiện được vận chuyển theo diện de minimis có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Khánh An

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/my-lat-nguoc-quyet-dinh-dung-tiep-nhan-buu-kien-tu-trung-quoc-nganh-logistics-nao-loan-192250206092616721.htm
Zalo