Kiến tạo động lực tăng trưởng
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, vốn đăng ký bình quân của một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 1-2025 chỉ đạt khoảng 8,8 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ năm 2024 và thấp hơn cùng kỳ các năm kể từ năm 2017.
Cả nước hiện có khoảng 930.000 doanh nghiệp tư nhân có đăng ký. So với 100 triệu dân, số doanh nghiệp tư nhân chiếm tỷ lệ rất nhỏ.
Cũng theo số liệu thống kê, khu vực kinh tế nhà nước chiếm 20,54% Tổng sản phẩm trong nước (GDP), khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 20,45% GDP, trong khi khu vực kinh tế ngoài nhà nước chiếm 50,46% GDP. Khu vực kinh tế tư nhân tạo ra hơn 82% việc làm, lớn hơn rất nhiều khu vực kinh tế nhà nước và khu vực đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, tỷ lệ đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân trong GDP là bao nhiêu dù chưa được thống kê, song ước tính lại rất thấp. Điều đó cho thấy, khu vực kinh tế tư nhân chưa thực sự mạnh, đúng như đặc trưng của khu vực này là hầu hết doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ.
Trước yêu cầu nền kinh tế phải đạt tăng trưởng cao trong thời gian tới, tiến tới tăng trưởng đạt hai con số (10% trở lên), một trong những yêu cầu đặt ra là kinh tế tư nhân phải phát triển, lớn mạnh và trở thành động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Các động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu đã phát huy hiệu quả thời gian qua, song có một thực tế là tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có xu hướng giảm dần qua từng giai đoạn 1991-2000, 2001-2010 và 2011-2020. Chưa kể, các động lực tăng trưởng cũ cũng có những bất cập. Điển hình như đầu tư công vẫn vấp phải nhiều khó khăn trong giải ngân. Đóng góp lớn vào xuất khẩu hiện nay chủ yếu là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tiêu dùng nội địa cũng có dấu hiệu chậm lại.
Vậy phải làm gì để thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tư nhân? Trước hết, cần triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp gia nhập, tái gia nhập thị trường, sản xuất, kinh doanh ổn định. Đó là chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và các cân đối lớn; phát triển thị trường mới, ký kết các hiệp định thương mại, đi cùng kích cầu thị trường trong nước; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, giúp doanh nghiệp giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh; tiếp tục các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã thực hiện hiệu quả; xây dựng cơ chế ưu tiên các lĩnh vực mới (chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo…).
Về lâu dài và quan trọng hơn là phải đột phá cả về tư duy, cách làm, hành động để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tổng Bí thư Tô Lâm trong nhiều bài phát biểu đã nhấn mạnh, thể chế là “điểm nghẽn của điểm nghẽn” cần khẩn trương khắc phục, không để cản trở, gây lãng phí, lỡ thời cơ phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Tổng Bí thư cũng yêu cầu “tư duy quản lý không cứng nhắc và dứt khoát bỏ tư duy không quản được thì cấm”. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng nêu quan điểm, cái gì không cấm thì phải tạo không gian cho sáng tạo; cái gì doanh nghiệp, người dân làm được, làm tốt hơn thì để tư nhân làm, nhà nước không làm. Giờ là lúc những quan điểm này phải được các bộ, ngành, địa phương cụ thể hóa trong tư duy, hành động, gỡ ngay những “nút thắt”, “điểm nghẽn” thể chế, phân định rõ chức năng quản lý và những gì doanh nghiệp tư nhân làm được, làm tốt để giải phóng sức dân, kiến tạo không gian để doanh nghiệp tư nhân ra đời, lớn mạnh.
Đây cũng là điều mà cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị, đề xuất nhiều nhất và cũng mong muốn nhất. Kiến tạo không gian để doanh nghiệp tư nhân phát triển là kiến tạo động lực tăng trưởng.