Giá thuốc lá ở Việt Nam rẻ đến 'đáng sợ'

Việc thuốc lá quá rẻ khiến cho nhiều đối tượng dễ dàng tiếp cận và mua được thuốc lá đang làm ảnh hưởng đến tỷ lệ người hút thuốc tại Việt Nam, gây ra gánh nặng về bệnh tật, tử vong và kinh tế không chỉ với người sử dụng mà còn với cả gia đình và toàn xã hội.

Theo báo cáo của WHO năm 2021, sử dụng thuốc lá đã và đang gây ra gánh nặng bệnh tật và tử vong sớm tại Việt Nam, với hơn 100.000 ca tử vong do thuốc lá mỗi năm (trong đó 84.500 người tử vong/năm do hút thuốc chủ động và 18.800 người tử vong do tiếp xúc thụ động với khói thuốc).

Bên cạnh đó, chi phí y tế và thiệt hại kinh tế do sử dụng thuốc lá rất lớn (108 nghìn tỷ đồng, tương đương 1,14% GDP năm 2022).

Sử dụng thuốc lá đã và đang gây ra gánh nặng bệnh tật và tử vong sớm tại Việt Nam (Ảnh MH).

Sử dụng thuốc lá đã và đang gây ra gánh nặng bệnh tật và tử vong sớm tại Việt Nam (Ảnh MH).

Giá thuốc lá quá rẻ để mua

Từ năm 2008 đến 2019, Việt Nam đã thực hiện 3 lần tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá: (1) Năm 2008: tăng mức thuế suất từ 55% lên 65%; (2) Năm 2016 (sau 8 năm): tăng từ 65% lên 70%; và (3) Năm 2019 (tiếp sau 3 năm): tăng từ 70% lên 75%.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, các mức tăng thuế thuốc lá giai đoạn 2006-2008 và 2016-2019 là rất thấp, bên cạnh đó khoảng cách thời gian giữa các lần tăng thuế khá dài nên không tạo ra tác động đủ để giảm sức mua và giảm tiêu dùng, do thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam vẫn tăng đều đặn hàng năm nên giá thuốc lá ngày càng trở nên rẻ và dễ tiếp cận. Cụ thể:

- Trong lần tăng thuế 2006: mức tăng 10% (từ 55% lên 65%) chỉ làm giảm tiêu dùng trong năm tăng thuế và sau đó tiêu dùng tăng ngay trở lại (sản lượng tiêu thụ nội địa giảm từ 4.032 triệu bao năm 2005 xuống 3.451 triệu bao năm 2006 nhưng tăng trở lại 3.897 triệu bao năm 2007).

- Trong lần tăng thuế 2016 thuế thuốc lá mới được tăng tiếp và với biên độ nhỏ hơn là 5%.

- Đến 2019 cũng tăng với tương tự là 5%. Tổng tiêu dùng thuốc lá giảm năm 2017, 2018, 2019 nhưng lại tăng trở lại vào các năm sau đó.

Tiêu thụ thuốc lá tại Việt Nam giai đoạn 2008-2023 (Triệu bao 20 điếu).

Tiêu thụ thuốc lá tại Việt Nam giai đoạn 2008-2023 (Triệu bao 20 điếu).

Thuế thấp và lộ trình tăng thuế chậm trong thời gian vừa qua đã khiến cho giá thuốc lá đang ngày càng rẻ so với thu nhập, dẫn đến sức mua thuốc lá tăng.

Phân tích sức mua thuốc lá bằng chỉ số “Giá thuốc lá tính theo phần trăm thu nhập quốc dân trên đầu người” cho thấy năm 2000 người dân phải bỏ 11.43% thu nhập để mua 100 bao thuốc lá Vinataba, thì đến năm 2021 chỉ cần bỏ ra 1.36% thu nhập.

Xu hướng giảm giá thực của thuốc lá và tăng sức mua của thuốc lá theo thời gian là vấn đề rất đáng lo ngại vì nó làm tăng khả năng tiếp cận thuốc lá của người dân, đặc biệt là đối với giới trẻ và người nghèo. Do đó, thuế TTĐB cần tăng đủ lớn và tăng thường xuyên để có tác động giảm tiêu dùng hiệu quả.

Hiện tỷ lệ thuế thuốc lá tại Việt Nam tính theo giá bán lẻ chỉ chiếm 36%, thấp hơn nhiều so với các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp hơn nhiều so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là 70-75% giá bán lẻ. Thuốc lá giá rẻ khiến người trẻ dễ dàng tiếp cận.

ThS Phan Thị Hải- Phó Giám đốc Quỹ PCTH của Thuốc lá.

ThS Phan Thị Hải- Phó Giám đốc Quỹ PCTH của Thuốc lá.

Theo Th.S Phan Thị Hải- Phó Giám đốc Quỹ PCTH của Thuốc lá, tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao và xu hướng tiêu dùng gia tăng đe dọa khả năng của Việt Nam trong việc đáp ứng các mục tiêu quốc gia về kiểm soát thuốc lá và y tế, cũng như cam kết đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) liên quan đến sức khỏe. Do đó cải cách thuế thuốc lá được thực hiện càng sớm sẽ giúp cứu sống nhiều người, giảm tổn thất kinh tế, xã hội và con người.

Không để thuế thuốc lá lạc hậu so với các nước trong khu vực

Tại Thái Lan, từ 1993 đến 2017, nước này đã tăng thuế thuốc lá 11 lần, hiện nay thuế TTĐB tính trên giá bán lẻ sản phẩm thuốc lá tại Thái Lan là 78.6% giúp thu ngân sách tăng gấp 4 lần, từ 500 triệu USD lên 2,3 tỷ USD , trong khi tỷ lệ hút thuốc giảm từ 32% xuống còn 19,1%, và sản lượng tiêu thụ thuốc lá vẫn duy trì gần 2 tỷ bao/năm trong nhiều năm.

Tương tự, sau khi Philippines cải cách thuế thuốc lá vào năm 2012, hiện nay thuế TTĐB tính trên giá bán lẻ sản phẩm thuốc lá của Philippines là 71,3%, doanh thu thuế đã tăng từ 680 triệu USD lên 2,9 tỷ USD vào năm 2022, trong khi tỷ lệ hút thuốc giảm đáng kể từ 27% (năm 2009) xuống 19,5% (năm 2021).

Khi so sánh tỷ lệ thuế, tiêu dùng và doanh thu thuế của của Thái Lan, Philippines và Việt Nam, có thể thấy tổn thất lớn về doanh số thu thuế do áp thuế thuốc lá thấp ở Việt nam

Cụ thể, sản lượng thuốc lá tiêu thụ ở Thái Lan ít hơn ½ so với sản lượng tiêu thụ ở Việt Nam (1,7 tỷ bao so với 4,2 tỷ bao) nhưng doanh số thu thuế từ thuốc lá lại cao gấp 3 lần (2.1 tỷ USD so với 767 triệu USD). Tương tự, sản lượng thuốc lá tiêu thụ ở Philippines thấp hơn đáng kể so với Việt Nam (3,35 tỷ bao so với 4,2 tỷ bao) nhưng doanh thu từ thuế cũng cao gấp hơn 4 lần (2,9 tỷ USD so với 767 triệu USD).

Điều này cho thấy tỷ lệ thuế Việt Nam còn rất thấp và nếu tăng thuế thì nguồn thu ngân sách sẽ tăng lên rất đáng kể.

Có thể thấy, tăng thuế thuốc lá đã được chứng minh là biện pháp hiệu quả và ít tốn kém nhất để giảm sử dụng thuốc lá, đặc biệt là ngăn ngừa thanh thiếu niên hút thuốc. Biện pháp này không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong mà còn giúp tăng nguồn thu từ thuế thuốc lá cho ngân sách, giúp thúc đẩy việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của nước ta.

Chính vì vậy tăng thuế thuốc lá được coi là biện pháp cùng thắng: vừa bảo vệ sức khỏe, vừa giúp tăng thu ngân sách cho chính phủ và giúp cho kinh tế- xã hội phát triển.

Chu Lương

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/gia-thuoc-la-o-viet-nam-re-den-dang-so-479422.html
Zalo