Việt Nam và các nước Trung Đông, châu Phi còn nhiều dư địa để hợp tác phát triển

Chiều 20-5, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng chủ trì Hội nghị trực tuyến Tổng kết Đề án Phát triển quan hệ giữa Việt Nam và các nước Trung Đông - châu Phi giai đoạn 2016-2025, phương hướng phát triển quan hệ giai đoạn 2026-2030, tầm nhìn 2035.

Cùng tham dự có lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp xuất nhập khẩu; các cơ quan đại diện ngoại giao khu vực Trung Đông - châu Phi.

Tại Đồng Nai, đại diện lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh, Sở Công thương, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh tham dự hội nghị.

Đại diện tỉnh Đồng Nai dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Đồng Nai. Ảnh: Ngọc Liên

Đại diện tỉnh Đồng Nai dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Đồng Nai. Ảnh: Ngọc Liên

Đề án Phát triển quan hệ giữa Việt Nam và các nước khu vực Trung Đông - châu Phi giai đoạn 2016-2025 đã đề ra nhiều mục tiêu lớn, trên các lĩnh vực: chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa…Thời gian qua, với sự nỗ lực của các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp và địa phương, hợp tác giữa Việt Nam với Trung Đông-châu Phi đã đạt những kết quả đáng khích lệ.

Tuy nhiên, đại diện các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp cho rằng, những kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu hợp tác của hai bên, nhất là về đầu tư, công nghệ, thương mại, du lịch...

Theo các nhà đầu tư Việt Nam, những năm qua, khi đầu tư vào các nước Trung Đông và châu Phi, các nhà đầu tư còn gặp nhiều khó khăn liên quan đến cơ chế, chính sách hỗ trợ. Hình ảnh về Việt Nam cũng như các doanh nghiệp Việt chưa ghi được dấu ấn mạnh mẽ tại thị trường các khu vực này.

Do đó, cần có sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành trong việc kết nối, gặp gỡ giữa doanh nghiệp Việt với thị trường các nước Trung Đông và châu Phi. Đồng thời đề xuất các bộ, ngành liên quan hỗ trợ doanh nghiệp những thủ tục liên quan đến người lao động, tiếp cận các quy định, chính sách tại các nước khu vực Trung Đông và châu Phi

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng, khu vực Trung Đông - châu Phi có tiềm năng rất lớn trên các lĩnh vực đầu tư, thương mại, du lịch…Tuy nhiên vẫn còn những điểm nghẽn cần tháo gỡ. Trên cơ sở những ý kiến của doanh nghiệp, Bộ Ngoại giao sẽ tổng hợp, rà soát, đánh giá những vấn đề trọng tâm, nhận diện những tiềm năng, lợi thế của từng thị trường trong khu vực để có hướng đề xuất phát triển bền vững.

Thời gian tới, Bộ Ngoại gia sẽ tiếp tục đề xuất các giải pháp củng cố quan hệ chính trị với các nước trong khu vực. Nâng cấp, thiết lập các mối quan hệ hợp tác bền vững. Xây dựng những khuôn khổ pháp lý nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác. Đồng thời xác định các biện pháp cụ thể để phát triển quan hệ hợp tác trong từng lĩnh vực, với những giải pháp bảo đảm: thực chất, hiệu quả, trọng tâm, trọng điểm.

Bộ Ngoại giao cam kết sẽ tiếp tục phối hợp, đồng hành với các doanh nghiệp, địa phương phát triển quan hệ hợp tác với các nước Trung Đông và châu Phi.

Đồng Nai hiện có 125 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu sản phẩm nông, lâm, thủy sản sơ chế, chế biến. Trong đó có 24 doanh nghiệp đã có chứng nhận Halal (chứng nhận về sản phẩm theo tiêu chuẩn Hồi giáo) và đã xuất khẩu các sản phẩm nông sản như hạt điều, hạt tiêu, cà phê, ngũ cốc, trái cây sấy, rau, củ sấy, trái cây đông lạnh... sang các thị trường như: Malaysia, Indonesia, Philippines, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, UAE,...

Ngọc Liên

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202505/viet-nam-va-cac-nuoc-trung-dong-chau-phi-con-nhieu-du-dia-de-hop-tac-phat-trien-e510371/
Zalo