Thủ tướng: Chỉ bàn làm, không bàn lùi, quyết tâm giải ngân 100% vốn đầu tư công

Phát biểu kết luận tại Hội nghị thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025 diễn ra ngày 20/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu hành động quyết liệt, tinh thần chủ động, trách nhiệm cao và đồng bộ trong hệ thống chính trị để thực hiện được mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm 2025.

Thủ tướng chủ trì Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng chủ trì Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền

Theo Thủ tướng, năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ là năm tăng tốc, về đích kế hoạch 5 năm 2021-2025, mà còn là năm mở ra bước chuyển mình hướng tới kỷ nguyên phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng. Để tạo bước đệm vững chắc cho giai đoạn tiếp theo, cần phát huy tối đa vai trò “vốn mồi” của đầu tư công - lực kéo quan trọng kích hoạt các nguồn lực đầu tư tư nhân, FDI, hợp tác công tư.

Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, nền kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong và ngoài nước. Lạm phát toàn cầu, xung đột địa chính trị, chuỗi cung ứng chưa thực sự phục hồi, nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu giảm đang gây áp lực lên tăng trưởng. Trong khi đó, đầu tư công lại chính là động lực có thể chủ động thúc đẩy để tạo sức lan tỏa đến toàn bộ nền kinh tế.

Hội nghị được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Hội nghị được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng ghi nhận nỗ lực triển khai nhiệm vụ của nhiều địa phương, bộ, ngành. Nhiều dự án, nhất là dự án quan trọng quốc gia trên toàn quốc được triển khai khẩn trương với khí thế thi công “ba ca bốn kíp”, "vượt nắng, thắng mưa”…

Tính đến 30/4/2025, ước giải ngân chung cả nước là 128,5 nghìn tỷ đồng, đạt 15,56% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2024 (16,64%), nhưng về giá trị tuyệt đối cao hơn 18 nghìn tỷ đồng.

Thủ tướng thay mặt Chính phủ ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những kết quả các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực đạt được - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng thay mặt Chính phủ ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những kết quả các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực đạt được - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là 10 bộ, cơ quan Trung ương và 36 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao hơn mức trung bình của cả nước trong 4 tháng đầu năm. Thủ tướng cũng đặc biệt tri ân cán bộ, công nhân, người lao động trên các công trường và cảm ơn người dân đã chia sẻ mặt bằng, nơi sinh kế cho các dự án, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung.

Đồng thời, người đứng đầu Chính phủ thẳng thắn chỉ ra, việc giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục nghiêm túc. Đến cuối tháng 4, vẫn còn 17 bộ, cơ quan Trung ương và 21 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã giao với tổng số gần 8 nghìn tỷ đồng, trong khi tỷ lệ giải ngân của 37/47 bộ, cơ quan và 27/63 địa phương vẫn dưới mức trung bình. Một số dự án giao thông trọng điểm, như cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, Hòa Bình - Mộc Châu - Sơn La, Gia Nghĩa - Chơn Thành… tiến độ giải ngân còn chậm.

Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ rõ những điểm nghẽn đang cản trở tốc độ giải ngân. Trong đó, điển hình là khâu chuẩn bị đầu tư còn chậm, sự phối hợp thiếu chặt chẽ giữa các cấp, các ngành. Việc thực thi ở cơ sở có nơi còn tâm lý e dè, né tránh trách nhiệm. Một số địa phương chưa phát huy được vai trò của người đứng đầu, hệ thống chính trị chưa thực sự vào cuộc.

Theo Thủ tướng, giải ngân vốn đầu tư công còn một số khó khăn như giải phóng mặt bằng, tiêu chuẩn kỹ thuật, nguồn cung nguyên vật liệu, giải ngân vốn ODA. Công tác kiểm tra, đôn đốc có lúc còn lỏng lẻo; một số bộ, cơ quan, địa phương chưa chủ động, quyết liệt, thậm chí có tâm lý né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, chờ đợi chỉ đạo. Việc triển khai thực hiện các kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có lúc, có nơi còn chậm. Năng lực quản lý, tổ chức triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại một số nơi còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến hiệu quả thực thi chính sách ở cơ sở.

Một trong những bài học được Thủ tướng rút ra là phải tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy vai trò người đứng đầu phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, các địa phương cần tự lực, tự cường, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, kiểm tra, đôn đốc và kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn theo nguyên tắc: "lãnh đạo, chỉ đạo từ trên xuống nhưng tổ chức thực hiện, tháo gỡ vướng mắc phải từ dưới lên" và theo tinh thần "6 rõ: rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ thời gian, rõ kết quả".

Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác giải phóng mặt bằng phải được thực hiện nhanh chóng, dứt điểm, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, đồng thời chăm lo tốt đời sống nhân dân. Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cắt giảm thủ tục hành chính rườm rà, phát huy trách nhiệm, lựa chọn đúng nhà thầu có năng lực, thực hiện nghiêm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Thực hiện sơ kết, tổng kết kịp thời; biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân làm tốt; xử lý, kỷ luật công khai, minh bạch những nơi làm chưa tốt.

Các đại biểu tham dự Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Các đại biểu tham dự Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Rà soát, xử lý các cơ quan không hoàn thành nhiệm vụ

Về định hướng, nhiệm vụ và giải pháp thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh quyết tâm giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn đầu tư công được giao nhằm thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, tạo không gian và động lực phát triển mới.

Thủ tướng chỉ rõ sáu nhiệm vụ tổng quát, yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy vai trò người đứng đầu, tăng cường chỉ đạo, tổ chức thực hiện chủ động, sát sao, thường xuyên rà soát, đôn đốc và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại đơn vị và công trường.

Đồng thời, cần cụ thể hóa và vận dụng sáng tạo, linh hoạt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ; quan tâm xây dựng cơ sở dữ liệu để theo dõi, đánh giá đầu tư công – đặc biệt là dữ liệu về đất đai, môi trường và năng lực nhà thầu. Phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, với tinh thần “Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ thống nhất, Quốc hội đồng tình, Nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi thì chỉ bàn làm, không bàn lùi”.

Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc trong công tác giải phóng mặt bằng; với những dự án khó, phức tạp thì Bí thư cấp ủy phải trực tiếp chỉ đạo; đồng thời cần vận dụng linh hoạt các quy định, chú trọng hỗ trợ các trường hợp người dân có hoàn cảnh khó khăn về chỗ ở, đất ở.

Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng hướng dẫn các địa phương tháo gỡ vướng mắc về nguồn cung vật liệu xây dựng thông thường. Các bộ liên quan khẩn trương hoàn thiện quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và đơn giá, hoàn thành trước ngày 15/6.

Thủ tướng lưu ý, phải bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án, không đội vốn, bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn, vệ sinh môi trường và đặc biệt là phòng chống tham nhũng, tiêu cực - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng lưu ý, phải bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án, không đội vốn, bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn, vệ sinh môi trường và đặc biệt là phòng chống tham nhũng, tiêu cực - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng chỉ đạo tổ chức cuộc họp chuyên đề để xử lý dứt điểm các vướng mắc liên quan đến quy hoạch; các bộ, ngành cần chủ động xử lý các vấn đề trong thẩm quyền.

Các bộ, cơ quan nhanh chóng sửa đổi, bổ sung, ban hành các quy định pháp luật và hướng dẫn phân cấp, phân quyền trong quản lý và triển khai dự án đầu tư công tại địa phương khi có thay đổi về địa giới hành chính hoặc mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, tránh để công việc bị gián đoạn.

Thủ tướng lưu ý công tác chuẩn bị đầu tư phải làm tốt hơn, đặc biệt là chuẩn bị kế hoạch đầu tư công trung hạn trong nhiệm kỳ sắp tới, tinh thần là dưới 3.000 dự án, bảo đảm không dàn trải.

Về vốn ODA, Thủ tướng giao Bộ Tài chính sớm đề xuất sửa đổi các nghị định, văn bản luật liên quan; nội dung nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì Chính phủ xử lý, nội dung nào thuộc thẩm quyền Quốc hội thì báo cáo Quốc hội sớm nhất có thể.

Đối với công tác đấu thầu, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi Luật Đấu thầu để trình Quốc hội. Các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường trách nhiệm trong việc lựa chọn nhà thầu có đủ uy tín, năng lực. Các Phó Thủ tướng Chính phủ được giao hỗ trợ tích cực các địa phương, đơn vị thực hiện nội dung này.

Về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, Thủ tướng giao Bộ Dân tộc và Tôn giáo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Nội vụ tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương; nếu có vướng mắc thì báo cáo Chính phủ để ban hành Nghị quyết xử lý.

Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong việc triển khai các dự án hạ tầng giao thông; thực hiện nghiêm các chỉ đạo của cấp trên, nếu gặp khó khăn thì kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng.

Thủ tướng cũng chỉ đạo đẩy mạnh hợp tác công tư trong triển khai các dự án; riêng với các dự án mở rộng các tuyến cao tốc đã vận hành, mạnh dạn giao cho các doanh nghiệp có đủ uy tín, năng lực, đã và đang làm tốt.

Thủ tướng yêu cầu phát huy vai trò của các tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ; các Phó Thủ tướng tăng cường kiểm tra, đôn đốc các dự án cao tốc bảo đảm thực hiện mục tiêu đã đề ra.

Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị chu đáo lễ khởi công, khánh thành 80 công trình, dự án hạ tầng chiến lược trên cả nước nhân dịp kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Đồng thời, các cơ quan đề xuất danh sách các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc để khen thưởng.

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu tập trung hoàn thành mục tiêu đến hết năm 2025, đưa vào khai thác 3.000 km đường bộ cao tốc, 1.000 km đường ven biển, khánh thành giai đoạn 1 Cảng hàng không quốc tế Long Thành, khởi công tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai - Hải Phòng…

Thủ tướng lưu ý, phải bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án, không để đội vốn, bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn, vệ sinh môi trường và đặc biệt là phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Giao Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính rà soát lại toàn bộ các bộ, ngành, cơ quan, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công, trước mắt là nhiệm vụ năm 2024 và các nhiệm vụ mà Chính phủ, Thủ tướng đã giao. Nếu chưa hoàn thành thì phải xử lý, coi kết quả giải ngân đầu tư công là căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, đánh giá cán bộ.

Lê Đỗ

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/thu-tuong-chi-ban-lam-khong-ban-lui-quyet-tam-giai-ngan-100-von-dau-tu-cong-164518.html
Zalo