Kiến nghị giải quyết những 'vướng mắc' tại dự án Nhà máy nhiệt điện Công Thanh

Hiện nay, dự án Nhà máy nhiệt điện Công Thanh đã phải dừng các hoạt động, do chưa được cập nhật vào Quy hoạch điện VIII điều chỉnh. Điều này làm lãng phí nguồn lực, mất đi cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Dự án đã cơ bản hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.

Dự án đã cơ bản hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.

Dự án Nhiệt điện Công Thanh được Ban Quản lý khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu ngày 4/11/2010, điều chỉnh lần 2 ngày 5/6/2018. Đến nay, cơ sở hạ tầng cho triển khai dự án đã cơ bản hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, san lấp mặt bằng khu vực nhà máy chính của dự án...

Hiện nay, dự án Nhà máy nhiệt điện Công Thanh đã phải dừng toàn bộ các hoạt động phát triển dự án do chưa được cập nhật vào Quy hoạch điện VIII điều chỉnh. Việc chưa thể tiếp tục triển khai dự án sẽ làm lãng phí nguồn lực rất lớn, mất đi cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Do đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương chấp thuận chủ trương để Công ty Cổ phần Nhiệt điện Công Thanh thực hiện các công tác chuẩn bị đầu tư của dự án nhiệt điện LNG Công Thanh với công suất điều chỉnh tăng lên 1.500 MW cho giai đoạn I, dự kiến phát điện trước năm 2030 và 3.000 MW giai đoạn II, dự kiến phát điện trước năm 2035 nhằm bảo đảm tiến độ đưa dự án vào vận hành trong giai đoạn 2028 - 2029, tránh lãng phí rất lớn nguồn lực đã được triển khai và sẽ tiếp tục được đầu tư cho dự án….

Theo Văn bản số 1642/BCT-ĐL ngày 15/3/2024 của Bộ Công thương, dự án Nhà máy nhiệt điện Công Thanh có công suất 600 MW, nằm trong Quy hoạch điện VII, Quy hoạch điện VII điều chỉnh; đồng thời được Ban Quản lý khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu, điều chỉnh vào các năm 2010 và 2018. Sau nhiều năm triển khai, dự án gặp nhiều khó khăn trong thu xếp vốn do chính sách tài chính cho phát triển nhiệt điện than trên thế giới có nhiều thay đổi.

UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản gửi Bộ Công Thương và báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề nghị xem xét cho dự án chuyển đổi nhiên liệu sử dụng than công suất 600 MW sang LNG nhập khẩu, với quy mô công suất 1.500 MW…

Theo Bộ Công Thương, định hướng phát triển cơ sở hạ tầng cung cấp LNG và các dự án nguồn điện sử dụng LNG thời kỳ 2021-2030 có đầy đủ cơ sở pháp lý cho triển khai thực hiện; Văn phòng Chính phủ đã có nhiều văn bản gửi Bộ Công Thương truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về việc chuyển đổi nhiên liệu từ than sang LNG đối với dự án Nhà máy nhiệt điện Công Thanh tỉnh Thanh Hóa.

Qua rà soát Bộ Công Thương nhận định, trong bối cảnh phát triển nguồn điện LNG hiện nay, việc chuyển đổi nhiên liệu tại dự án không làm thay đổi mục tiêu, phương hướng phát triển nguồn điện và cơ cấu nguồn điện LNG tới năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; việc quyết định chuyển đổi từ than sang LNG cho dự án và phương án đấu nối cần được Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận.

Cũng tại Văn bản số 1642/BCT-ĐL ngày 15/3/2024 của Bộ Công Thương đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo đẩy lùi tiến độ các dự án nguồn điện LNG được phê duyệt tại Quyết định số 500/QĐ-TTg, sang giai đoạn 2031 - 2035 nếu các dự án không hoàn thành lựa chọn nhà đầu tư trước năm 2025; đồng thời giao Bộ Công Thương xem xét, tham mưu việc đẩy sớm các dự án nguồn điện khác thay thế. Chưa xem xét chuyển đổi từ than sang LNG của dự án Nhà máy nhiệt điện Công Thanh tại thời điểm hiện nay như Bộ Công Thương đã báo cáo tại Văn bản số 8359/BCT-ĐL ngày 27/11/2023. Việc chuyển đổi từ than sang LNG cho dự án Nhà máy nhiệt điện Công Thanh và phương án đấu nối trên cơ sở các phân tích, đánh giá của Bộ Công Thương sẽ được xem xét, quyết định trong kỳ điều chỉnh Quy hoạch điện VIII.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa, nếu được phép chuyển đổi nhiên liệu từ than sang LNG, Nhà máy nhiệt điện Công Thanh có thể đi vào vận hành trong năm 2028, đây là lợi thế sẽ giúp miền Bắc được bổ sung thêm nguồn điện chạy nền khoảng 9 tỷ kWh/năm, rất quan trọng trong giai đoạn 2027-2029, đặc biệt là sẽ cung cấp cho trung tâm phụ tải khu vực Bắc Trung Bộ khoảng 4,8% tổng sản lượng điện thương phẩm miền Bắc và 36% tổng sản lượng điện thương phẩm khu vực Bắc Trung Bộ.

Ngày 8/10/2024, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 7330/VPCP-CN truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn về kiến nghị của UBND tỉnh Thanh Hóa về đề nghị chấp thuận cho triển khai thực hiện dự án Nhiệt điện LNG Công Thanh tại Khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa và cập nhật vào kế hoạch thực hiện quy hoạch điện VIII. Theo đó, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn có ý kiến giao Bộ Công thương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao xem xét, nghiên cứu kiến nghị của UBND tỉnh Thanh Hóa để xử lý theo thẩm quyền và quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

Trước đó, ngày 31/7/2024, Văn phòng Chính phủ cũng đã có Văn bản 5473/VPCP-CN truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc chuyển đổi nhiên liệu từ than sang LNG đối với Dự án nhiệt điện Công Thanh tỉnh Thanh Hóa.

Tiến Hào

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/kien-nghi-giai-quyet-nhung-vuong-mac-tai-du-an-nha-may-nhiet-dien-cong-thanh-389443.html
Zalo