Kiên Giang đưa Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng vào cuộc sống (Kỳ 1)
Kiên Giang là tỉnh ven biển của đồng bằng sông Cửu Long. Cả tỉnh hiện có 1,8 triệu người với các dân tộc cùng sinh sống như Kinh, Hoa, Khmer Chăm. Số hộ nghèo đến cuối năm 2023 là 11.000 hộ, chiếm tỷ lệ 1,28%, hộ cận nghèo còn 2,23%. Có được kết quả này là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI 'về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội'. Từ đó, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững tại địa phương, thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 và nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Kỳ 1: Tín dụng chính sách xã hội - Ý Đảng, lòng Dân
Sau khi Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang đã ráo riết triển khai kịp thời đến các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trong toàn tỉnh. Nhờ vậy, nội dung Chỉ thị số 40-CT/TW đã nhanh chóng đi vào cuộc sống.
Hợp lòng dân
Là đơn vị trực tiếp triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Kiên Giang thường xuyên quán triệt nội dung của chỉ thị này đến toàn thể cán bộ, nhân viên trong toàn hệ thống, cũng như ban quản lý các tổ tiết kiệm và vay vốn hội đoàn thể, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn, ban giảm nghèo cấp xã và trưởng ấp, khu phố thông qua các văn bản chỉ đạo, hội nghị, tập huấn nghiệp vụ.
Trong 10 năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Kiên Giang đã triển khai thực hiện trên 20 chương trình tín dụng chính sách, tạo điều kiện cho người dân có vốn phát triển kinh tế, cải thiện đời sống vươn lên thoát nghèo. Trong đó, chương trình cho vay hộ nghèo theo Nghị định số 78/NĐ-CP của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác và chương trình cho vay tín dụng hộ cận nghèo theo Quyết định số 15/2013/QĐ-TTg về tín dụng đối với hộ cận nghèo đang có sức lan tỏa mạnh mẽ.
Đến tháng 11-2024, có 408.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Kiên Giang, trên 59.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho trên 47.000 lao động; giúp 505 lao động được vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài. Tín dụng chính sách còn giúp gần 18.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; 289.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, trên 5.000 căn nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách, hộ dân vùng ngập lũ được xây dựng.
“Nếu như trước khi thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư, đa số cấp ủy, chính quyền các cấp cho rằng hoạt động tín dụng chính sách xã hội là nhiệm vụ của ngân hàng thì đến nay đã có thay đổi rõ rệt. Riêng Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành rất nhiều văn bản để triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư và các chủ trương, nghị quyết của Trung ương liên quan đến chính sách xã hội. Tỉnh cũng đã 2 lần hội nghị sơ kết 5 năm, tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, từ đó rút ra được nhiều bài học, tháo gỡ nhiều vướng mắc cho cơ sở”, đồng chí Đỗ Thanh Bình - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Kiên Giang nói.
Tính tháng 11-2024, tổng dư nợ tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn toàn tỉnh Kiên Giang đạt 6.104,7 tỷ đồng, tăng 3.933,4 tỷ đồng so với năm 2014. Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội từ năm 2014 đến nay đã giúp trên 59.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo. Số hộ nghèo đến cuối năm 2023 là 11.000 hộ, chiếm tỷ lệ 1,28%, giảm 2,3% so năm 2014. Tỷ lệ hộ nghèo ở Kiên Giang giảm mạnh có sự đóng góp từ tín dụng chính sách. Phải nói rằng, đây là một kênh giúp cho bà con phát triển sản xuất, kinh doanh. Sự hỗ trợ kịp thời đó giúp người dân càng thêm tin vào Đảng, chính quyền, qua đó càng nỗ lực cố gắng để xây dựng quê hương phát triển.
“Từ năm 201 đến nay, cấp xã phân công đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tham gia Ban Đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội cấp huyện nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền đối với tín dụng chính sách ở cơ sở, góp phần nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội tại địa bàn. 100% xã, thị trấn đều bố trí điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội giúp người dân tiết kiệm chi phí đi lại”, ông Đoàn Công Thiệt - Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Kiên Giang cho biết.
Điểm tựa cho hộ nghèo
Xã anh hùng Đông Yên (An Biên) đã và đang thay da đổi thịt từng ngày, được công nhận là xã nông thôn mới nông thôn nâng cao vào năm 2022. Sự chuyển mình ở xã từng dẫn đầu huyện về hộ nghèo này không chỉ có hạ tầng được Đảng, Nhà nước đầu tư đồng bộ mà số hộ nghèo ngày một giảm. Người dân thoát nghèo có sự tiếp sức từ nguồn vốn tín dụng chính sách.
Vườn dừa 6.000m2 của gia đình anh Hồ Văn Nay, ngụ ấp Cái Nước Ngọn, xã Đông Yên giờ đây giải quyết việc làm cho 6 lao động địa phương. Có vốn trồng dừa, gia đình anh không còn lo cảnh chạy gạo ăn từng bữa. Năm 2015, hộ anh Nay là hộ cận nghèo. Anh có 3.000m2 đất vườn tạp, không cho thu nhập nên quyết định cải tạo chuyển đổi sang trồng dừa xiêm thương phẩm. Khó khăn ban đầu của anh Nay là thiếu vốn, thiếu kiến thức về mô hình. Xét thấy anh cần cù, có kế hoạch sản xuất phù hợp với định hướng chuyển đổi giống, cây trồng vật nuôi của xã, Xã đoàn Đông Yên tín chấp cho anh vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn vay hộ cận nghèo, đồng thời, tập huấn kiến thức trồng và chăm sóc cây dừa xiêm.
Qua hơn 3 năm chăm sóc, 160 gốc dừa xiêm của gia đình anh Nay đều sai trái, được thương lái đến tận nơi thu mua. Bình quân gia đình anh thu nhập từ 6-7 triệu đồng/tháng. Năm 2020, anh Nay trả hết vốn vay Ngân hành Chính sách xã hội và thoát diện cận nghèo. Không chỉ đủ tiền sửa lại căn nhà, anh Nay còn mua cho con chiếc xe đạp tốt điện, chiếc bàn học cùng dụng cụ học tập cho các con. Giữa năm 2024, anh Nay được xét cho vay thêm 30 triệu đồng từ nguồn vốn quỹ quốc gia giải quyết việc làm để anh mua ghe và làm vốn đi bán tràm cừ, giúp gia đình anh phát triển kinh tế bền vững.
Cùng xã với ông Nay có hộ ông Nguyễn Văn Hận là một trong nhiều hộ vươn lên từ nghèo khó trở thành hộ khá giàu của xã. Từ hộ nghèo không đất sản xuất. Nhờ ý chí vượt khó, cần cù lao động, đặc biệt là sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện An Biên, đến nay, ông Hận thoát diện hộ nghèo, mua được 8 công đất ruộng. Trong căn nhà tường khang trang đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, ông Hận kể, năm 2016, thực hiện theo chủ trương của xã về chuyển dịch giống cây trồng vật nuôi, với 2,5ha đất ruộng thuê, ông chuyển đổi từ đất hai vụ lúa kém hiệu quả sang mô hình sản xuất 1 vụ tôm, 1 vụ lúa.
Tuy nhiên, bước đầu thực hiện còn nhiều khó khăn do đất đai bị nhiễm phèn, nhiễm hóa chất, thuốc trừ sâu nên 2 vụ nuôi liên tiếp ông Hận gặp thất bại. Số vốn ban đầu dần mất hết làm ông Hận và nhiều hộ nông dân khác nản lòng. Nhờ được sự động viên kịp thời của các cấp hội nông dân, được hỗ trợ tập huấn kiến thức nuôi tôm, trồng lúa, đặc biệt là được hỗ trợ cho anh vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, ông Hận được tiếp thêm động lực làm lại từ đầu. Làm ăn “nở nồi”, ông Hận dần mua được 2,5ha đất ruộng. Đặc biệt, từ kinh nghiệm thực tế qua nhiều năm nuôi tôm, ông nhận thấy con tôm sú, tôm càng xanh và cua xanh có thể chung sống cùng nhau trên cùng 1 diện tích vuông nuôi nên ông xây dựng mô hình nuôi ghép 4 trong 1 gồm tôm sú - tôm càng xanh - cua xanh trên ruộng lúa, mang lại hiệu quả ngoài mong đợi. Bình quân mỗi năm ông Hận thu về lợi nhuận hơn 300 triệu đồng.