Xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2024 có bước nhảy vọt
Với những tín hiệu tích cực từ thị trường, xuất khẩu nông sản Việt Nam dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2025. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức và cơ hội mới.
Hoa Kỳ vươn lên trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất
Ông Lê Thanh Hòa, Phó cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu đến năm 2025, giá trị xuất khẩu các sản phẩm nông lâm thủy sản của Việt Nam đạt khoảng 50-51 tỷ USD và đạt 60-62 tỷ USD vào năm 2030. Tuy nhiên, tính đến nay, giá trị xuất khẩu đã vượt xa mục tiêu đề ra, đạt hơn 62 tỷ USD. Kết quả này có sự đóng góp tích cực của các Hiệp định thương mại tự do (FTA), mở cửa thị trường, đưa thuế quan nhiều mặt hàng xuống thấp hoặc về 0%. Song song đó, công tác đàm phán mở cửa thị trường, xúc tiến thương mại cũng được các bộ, ngành tích cực triển khai, giúp nông sản, đặc biệt là trái cây Việt Nam ngày càng vươn xa.
Năm 2024, có 11 mặt hàng tiếp tục duy trì giá trị kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, có 7 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ ước 16,1 tỷ USD, rau quả ước 7,1 tỷ USD, gạo ước 5,8 tỷ USD, cà phê ước 5,4 tỷ USD, hạt điều 4,3 tỷ USD, tôm 3,8 tỷ USD, cao su ước 3,2 tỷ USD). Xét về tốc độ tăng trưởng, xuất khẩu rau quả, gạo, cà phê, hạt điều và hạt tiêu đều đạt hai con số: cà phê tăng 56,9%, hồ tiêu tăng 53,3%, cao su tăng 24,6%, gạo tăng 10,6%.
Theo ông Lê Thanh Hòa, cấu trúc thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam trong năm 2024 có sự thay đổi đáng kể. Hoa Kỳ đã vượt qua Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất, với kim ngạch đạt khoảng 8,7 tỷ USD, chiếm 25,4% tổng giá trị xuất khẩu. Các thị trường khác như ASEAN, Trung Đông, EU cũng có sự tăng trưởng đáng kể. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu vào các thị trường trọng điểm như Trung Quốc và Nhật Bản có dấu hiệu giảm.
Ông Nguyễn Anh Phong, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho rằng, Hoa Kỳ vẫn sẽ tiếp tục là thị trường trọng điểm trong thời gian tới. Bên cạnh đó, xung đột thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam mở rộng xuất khẩu.
Theo ông Nguyễn Anh Phong, nhu cầu tiêu thụ rau quả và thủy sản tại thị trường Trung Quốc dự kiến tăng trưởng mạnh trong giai đoạn 2024-2029, với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm lần lượt là 6,64% và 7,56%. Vị trí địa lý thuận lợi giúp nông sản Việt Nam như rau, củ, quả và thủy sản duy trì được chất lượng tươi ngon, đáp ứng khẩu vị người tiêu dùng Trung Quốc với mức giá cạnh tranh.
Bên cạnh đó, nhu cầu nhập khẩu cao su và sắn của Trung Quốc cũng rất lớn do nguồn cung trong nước hạn chế. Ngoài thị trường Trung Quốc, nông sản Việt Nam còn có nhiều cơ hội mở rộng sang các thị trường tiềm năng khác như Trung Đông và một số nước châu Phi.
Xuất khẩu nông sản năm 2025 sẽ tiếp tục tăng trưởng
Với nhu cầu tiêu thụ sản phẩm sạch, an toàn ngày càng tăng, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam, đặc biệt là vào các thị trường khó tính như châu Âu và Mỹ, được dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng ấn tượng trong năm 2025.
Ông Ngô Hồng Phong, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cho biết, sản xuất nông nghiệp trong nước tiếp tục ổn định và phát triển, tạo nền tảng vững chắc để Việt Nam tận dụng tối đa các cơ hội xuất khẩu mở ra trong năm 2025. Trước bối cảnh nhu cầu lương thực toàn cầu tăng cao do tình hình thế giới bất ổn, Việt Nam với thế mạnh về nông nghiệp sẽ có nhiều lợi thế cạnh tranh.
"Việc ký kết và triển khai các hiệp định thương mại tự do, cùng với vị thế ngày càng quan trọng của Việt Nam trong khu vực ASEAN, sẽ tạo điều kiện thuận lợi để nông sản Việt Nam xâm nhập sâu vào thị trường rộng lớn và đa dạng, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ nông sản thế giới", ông Ngô Hồng Phong chia sẻ.
Tuy nhiên, theo ông Ngô Hồng Phong, tình hình kinh tế thế giới dự báo sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2025. Cạnh tranh chiến lược gia tăng, bất ổn địa chính trị, và sự phục hồi kinh tế chậm chạp sẽ tạo ra nhiều rủi ro. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ mới của Tổng thống Hoa Kỳ có thể dẫn đến những thay đổi lớn trong chính sách kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng đến thị trường tiền tệ, thương mại và đầu tư. Bên cạnh đó, các cuộc khủng hoảng về năng lượng và lương thực cũng là những yếu tố đe dọa sự ổn định của nền kinh tế thế giới.
Theo ông Nông Đức Lai - Tham tán thương mại Việt Nam tại thị trường Trung Quốc, Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội để thâm nhập thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của nước nhập khẩu về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, cần chú trọng xây dựng thương hiệu và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng tối đa ưu đãi từ các hiệp định thương mại, mở rộng thị phần tại các thị trường tiềm năng như thị trường Halal, Trung Đông và châu Phi; đồng thời, tích cực đàm phán để EU gỡ thẻ vàng cho hải sản Việt Nam. Song song đó, nông dân cần nâng cao năng lực sản xuất và kinh doanh, chủ động tiếp cận thông tin thị trường để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.