Trung Quốc có thể tiếp tục cố gắng thúc đẩy tiêu dùng mà không cần gói kích thích quá lớn
Các nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc đã ra tín hiệu về các biện pháp kích thích mạnh mẽ hơn để giúp lấp đầy khoảng trống trong nhu cầu của người tiêu dùng, nhưng điều này không có nghĩa là Trung Quốc sẽ tung ra một gói kích thích 'bazooka' ngay bây giờ hoặc từ bỏ trọng tâm sản xuất.
Tuần trước, các nhà lãnh đạo cấp cao đã xác nhận lập trường ủng hộ tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong một thập kỷ,/ cho thấy chi tiêu của chính phủ lớn hơn và cắt giảm lãi suất nhiều hơn. Việc thúc đẩy tiêu dùng đã được nâng lên thành ưu tiên hàng đầu của quốc gia, ngay cả trước khi dữ liệu được công bố vào thứ Hai (16/12) cho thấy chi tiêu bán lẻ bất ngờ chậm lại.
Các nhà kinh tế và chính phủ nước ngoài từ lâu đã mong muốn Trung Quốc cân bằng lại nền kinh tế hai chiều, khi xuất khẩu bùng nổ đã đưa nước này hướng tới thặng dư thương mại kỷ lục do nhu cầu trong nước trì trệ. Tuy nhiên, các bước gần đây cho thấy có thể sẽ không đạt được loại hành động cấp tiến mà các nhà phân tích tin rằng là cần thiết để ngăn chặn vòng xoáy giảm phát và giải cứu thị trường bất động sản.
Lãi suất trái phiếu thấp đáng báo động cho thấy thử thách mà các nhà hoạch định chính sách phải đối mặt trong việc khôi phục lại niềm tin vốn là nền tảng cho chi tiêu. Trong khi các quan chức tuyên bố sẽ tăng mạnh nguồn tài trợ cho một chương trình trợ cấp các mặt hàng tiêu dùng đắt tiền, thì đến nay, động thái này vẫn chưa có nhiều tác động vì người tiêu dùng vẫn tiếp tục tiết kiệm trong bối cảnh thị trường việc làm ảm đạm.
Robin Xing, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Morgan Stanley cho biết, các nhà lãnh đạo cấp cao phải đối mặt với một cuộc chiến dài lâu để phục hồi nền kinh tế.
"Năm 2025 sẽ là năm thử nghiệm... Có lẽ đến năm 2026, cuối cùng họ sẽ tìm ra đúng liều lượng chính sách kết hợp giữa kích thích lấy tiêu dùng làm trọng tâm cộng với cải cách mạng lưới an sinh xã hội", ông nói.
Động lực thúc đẩy nhu cầu trong nước vẫn chưa phải là bước ngoặt cơ bản so với chiến lược lớn của Trung Quốc về sản xuất công nghệ cao nhằm thúc đẩy nền kinh tế số 2 thế giới..
Trung Quốc sẽ chỉ tiết lộ lộ trình kinh tế cụ thể cho năm 2025 tại cuộc họp lập pháp thường niên vào tháng 3, trong đó mục tiêu tăng trưởng hàng năm và thâm hụt tài khóa sẽ được công bố. Điều này cũng có nghĩa là bất kỳ sự mở rộng nào trong chi tiêu của chính phủ có thể sẽ không diễn ra trong vài tháng tới.
Theo dự báo của UBS Group AG và BNP Paribas SA, tổng mức tăng của các biện pháp kích thích tài khóa có thể tương đương khoảng 2% tổng sản phẩm quốc nội. Mặc dù đó là một sự cải thiện, nhưng động lực này vẫn khiêm tốn trên toàn cầu. Ví dụ, Mỹ đã mở rộng thâm hụt ngân sách lên hơn 13% GDP trong khoảng thời gian một năm để ứng phó với đại dịch Covid ban đầu.
Các nhà hoạch định chính sách đang ra hiệu rằng biện pháp kích thích hơn sẽ tiếp tục tồn tại, đồng thời vẫn duy trì các mục tiêu chính sách công nghiệp dài hạn.
Điều đó đã được chứng minh tại hội nghị kinh tế thường niên vào tuần trước, trong đó nêu rõ "dẫn đầu sự phát triển của lực lượng sản xuất mới bằng đổi mới công nghệ" là ưu tiên thứ hai sau khi nâng cao nhu cầu trong nước.
Nếu chính sách thúc đẩy tiêu dùng chỉ có tác động khiêm tốn, thì đầu tư có thể vẫn là đòn bẩy quan trọng để Trung Quốc thúc đẩy tăng trưởng. Trong số các khoản đầu tư, sản xuất đã tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn nhiều so với cơ sở hạ tầng trong năm qua, trong khi bất động sản tiếp tục suy thoái.
"Họ sẽ tiếp tục tăng năng lực sản xuất. Tôi nghi ngờ điều đó sẽ thay đổi, vì đầu tư sản xuất vẫn là nguồn tăng trưởng chính của Trung Quốc… Tiêu dùng không thể làm được điều đó ngay lập tức", Alicia Garcia Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại Natixis.