Nghề khai thuế – thời đã đến?

Các thay đổi về việc hoàn thuế thu nhập cá nhân và luật thuế giá trị gia tăng trong năm 2025 tới đang khiến nhiều người, tổ chức và doanh nghiệp lo âu. Nhiều doanh nghiệp đã tìm sử dụng các dịch vụ khai thuế nhằm bảo đảm không vướng vào những sai sót trong quá trình kê khai để được hoàn thuế. Thị trường cung ứng dịch vụ có liên quan đến thuế mênh mông mà số doanh nghiệp chuyên về mảng kế toán lại khá hạn chế.

Theo Bộ Tài chính, đến cuối năm 2022, có khoảng 3.400 nhân sự làm việc tại 155 công ty đủ điều kiện hành nghề kế toán nhưng chỉ 378 người được cấp chứng chỉ hành nghề quốc tế. Ảnh minh họa.

Theo Bộ Tài chính, đến cuối năm 2022, có khoảng 3.400 nhân sự làm việc tại 155 công ty đủ điều kiện hành nghề kế toán nhưng chỉ 378 người được cấp chứng chỉ hành nghề quốc tế. Ảnh minh họa.

Nền kinh tế sôi động với hơn 1 triệu doanh nghiệp lớn nhỏ, 26 triệu người làm công ăn lương… Nhưng đến cuối năm 2022, cả nước chỉ có 3.400 kế toán viên, kiểm toán viên đủ điều hành nghề, nhưng chỉ hơn 11% số này có chứng chỉ hành nghề quốc tế.

Đơn giản nhưng không dễ…

H. là giám đốc một công ty truyền thông, luôn tuân thủ nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đúng hạn trong nhiều năm nhưng đến tháng 8 vừa rồi bỗng phát hiện rằng mình đang bị nợ thuế - một “số tiền nho nhỏ”. H. e ngại rằng món nợ thuế nhỏ nhoi đó có thể khiến anh bị cấm xuất cảnh.

Lần theo “dấu vết”, H. phát hiện mình có nguồn thu nhập là nhuận bút các bài viết đăng trên một tờ báo điện tử. Số tiền khiêm tốn, thường vài trăm ngàn đồng mỗi bài, và anh đã quyên tặng trực tiếp cho các chương trình, quỹ thiện nguyện của tờ báo đó. Nhưng H. phải nhờ tờ báo làm chứng nhận và gửi chứng nhận này cho ngành thuế để xóa nợ, cất được mối lo bị cấm xuất cảnh.

Nhưng rất nhiều người bạn của H. không được may mắn giải quyết vấn đề nhanh và gọn ghẽ như anh. Nhiều trường hợp “dở khóc dở cười” đã xảy ra. Chẳng hạn, có người bị người khác mượn hay khai “nhầm” mã số hoặc miễn trừ người phụ thuộc. Hoặc người có đăng ký hộ khẩu, tạm trú và làm việc thuộc quản lý của ba chi cục thuế khác nhau, và vì thế không có cơ quan thuế nào nhận trách nhiệm làm hồ sơ hoàn thuế. Hoặc có lúc ứng dụng báo không nợ, nhưng lúc khác lại báo nợ, hoặc nộp dư nhưng ứng dụng hoàn toàn không báo số tiền được bồi hoàn hoặc nếu có báo, thì khó làm thủ tục bồi hoàn…

Tính đến cuối năm 2023, các số liệu thống kê chính thức cho thấy có đến 26 triệu người làm công ăn lương nộp thuế TNCN. Theo quy định, người lao động được trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và giảm trừ gia cảnh… Số còn lại là thu nhập phải chịu thuế TNCN. Mức giảm trừ cá nhân 11 triệu đồng và giảm trừ người phụ thuộc 4,4 triệu đồng mỗi tháng được duy trì từ năm 2020…

Thuế TNCN thường khá phức tạp bởi được gom lại từ nhiều nguồn thu nhập khác nhau như tiền công, tiền lương, khoản thu nhập từ mua bán bất động sản, chứng khoán, cho thuê nhà, kinh doanh… Đồng thời, các nguồn thu nhập này lại chịu nhiều thuế suất khác nhau, theo bảy bậc, thấp nhất là 5% và cao nhất là 35%.

Tuy vậy, không phải ai cũng có thể tự khai thuế mà không gặp rắc rối hay phiền toái, nhất là với những người có hai nguồn thu nhập trở lên, dù nhiều hay rất ít như trường hợp của H. Đa phần các doanh nghiệp, nay có thêm nhiều cá nhân nữa cũng bắt đầu sử dụng các dịch vụ kế toán, hỗ trợ khai thuế để tránh mất thời gian và được hoàn thuế sớm nhất có thể.

Giải pháp công nghệ: nâng cấp eTax Mobile

Ra mắt đầu năm 2022, ứng dụng thuế eTax Mobile của Tổng cục Thuế có thể cài đặt trên điện thoại di động cho phép cá nhân, cá nhân kinh doanh và hộ kinh doanh có thể tra cứu tờ khai đăng ký thuế mọi lúc, mọi nơi nếu có kết nối mạng. Ứng dụng có các nhóm chức năng chính như nộp thuế, tra cứu nghĩa vụ thuế, tra cứu thông báo thuế, tiện ích và hỗ trợ.

Nhiều người đã ao ước rằng nếu ứng dụng eTax Mobile sẽ “chạy mượt” như app của các ngân hàng hiện nay, sẽ nhận được tin nhắn khi chưa đóng thuế TNCN hoặc được bồi hoàn thuế…

Từ đầu năm 2025, Tổng cục Thuế sẽ bổ sung vào eTax Mobile chức năng “tờ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân gợi ý”, tự động hỗ trợ cá nhân khâu quyết toán, hoàn thuế thu nhập.

Thị trường dịch vụ khai thuế chuyên nghiệp vẫn trống trải…

Tr. là kế toán trưởng của một doanh nghiệp khoảng 50 người ở TPHCM. Ngày 31-3 hàng năm là thời hạn quyết toán thuế năm của các doanh nghiệp. Từ thời điểm này đến ngày 30-4 là thời gian đặc biệt bận rộn của Tr. bởi các chuyên gia cấp cao có nhiều nguồn thu nhập, chủ các hộ kinh doanh cá thể… “ráo riết săn tìm” Tr. để nhờ khai thuế và làm thủ tục hoàn thuế TNCN. Hiểu rõ các quy định của ngành thuế, rành các bảng biểu, các khoản cần khai, khoản được miễn trừ và các khoản hoàn tiền, nên các “thân chủ” của cô bao giờ cũng được hoàn mức cao nhất có thể…

Ngoài mảng thuế doanh nghiệp - mà Tr. đang “rất bộn rộn”, Tr. nói cô nhận ra cơ hội mới của nghề khai thuế hay đại lý khai thuế thu nhập cá nhân. Bởi không phải ai cũng rành công nghệ và các quy trình khai thuế phức tạp. Tr. cũng nói rằng, cho đến giờ, cô cũng chưa rõ hết các chức năng mới của eTax Mobile 2025.

Hơn một phần tư dân số Việt Nam là người làm công ăn lương, trong đó số người làm việc thuê ngoài (freelancer) và số người lao động có hai nguồn thu nhập trở lên chiếm số lượng không nhỏ. Đây là thị trường lớn cho các công ty kế toán, kiểm toán nếu chú trọng mảng khai thuế TNCN.

Giá sinh hoạt rẻ là yếu tố hàng đầu thu hút người nước ngoài đến Việt Nam. Báo cáo của ngân hàng trong HSBC và tổ chức InterNations trong nhiều năm qua đều xếp Việt Nam vào Top 10 nơi làm việc tốt nhất thế giới dành cho người nước ngoài. Theo baochinhphu.vn, tính đến cuối năm 2023, có khoảng 136.800 người nước ngoài đang làm việc và phát sinh đóng thuế thu nhập tại Việt Nam.

Nguồn thu nhập chịu thuế, miễn thuế và được hoàn thuế của cộng đồng này thường lại lớn hơn và đa dạng hơn.

Trong khi đó, đến cuối năm 2022, theo Bộ Tài chính, có khoảng 3.400 nhân sự làm việc tại 155 công ty đủ điều kiện hành nghề kế toán, nhưng chỉ 378 người (hơn 11%) được cấp chứng chỉ hành nghề quốc tế. Chỉ có chín đơn vị có từ 5-10 kế toán viên hành nghề, còn lại 146 đơn vị chỉ có từ 2-4 kế toán viên hành nghề. Tỷ lệ 3.400 kế toán viên cho 1 triệu doanh nghiệp lớn nhỏ của nền kinh tế - tức gần 1/3.000 - có nghĩa là khoảng trống thị trường còn rất lớn…

Bà Phạm Thị Loan, Trưởng Phòng Kế toán doanh nghiệp thuộc Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán (Bộ Tài chính), nói rằng đến hết năm 2023 có 159 đơn vị, công ty hay tổ chức được Bộ Tài chính cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán. TPHCM chiếm tỷ lệ lớn nhất với 87 đơn vị (54,7%), Hà Nội xếp sau với 51 đơn vị (32%).

Bà Loan cũng nói rằng các công ty kế toán, kiểm toán có khuynh hướng giảm quy mô do chịu ảnh hưởng của Covid-19, nhưng doanh thu kế toán và các dịch vụ khác lại tăng. Điều này là tín hiệu đáng mừng bởi đó là thước đo của sự tăng trưởng và cũng là uy tín và chất lượng dịch vụ của các hãng kế toán(*).

Đầu tháng 7-2024, Navigos Group Việt Nam và Hội Kế toán TPHCM công bố thống kê cho thấy 128 trường đại học và bảy chi nhánh đại học trên cả nước có đào tạo ngành kế toán và kiểm toán, với hơn 92.000 sinh viên theo học. Tuy nhiên, số sinh viên tốt nghiệp, làm đúng ngành rất thấp, phần đông không đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

Các chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) đã được xây dựng phù hợp với đặc điểm nền kinh tế, tình hình doanh nghiệp Việt Nam. Tuy vậy, hiện vẫn còn một khoảng cách đáng kể giữa VAS với IAS (chuẩn mực kế toán quốc tế) và IFRS (chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế)…

Môi trường đầu tư nước ngoài tại Việt Nam vẫn đang hấp dẫn. Thị trường dịch vụ kế toán và kiểm toán vẫn là mảnh đất còn nhiều dư địa chưa khai phá.

(*) https://thoibaotaichinhvietnam.vn/doanh-nghiep-dich-vu-ke-toan-giam-ve-quy-mo-nhung-doanh-thu-van-tang-144590-144590.html

Song Hảo

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nghe-khai-thue-thoi-da-den/
Zalo