Kiên Giang - 50 năm phát triển cùng đất nước - Bài 2: Đổi thay từ ý chí vượt khó
Nhờ cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng bằng các đề án và quy hoạch chiến lược phù hợp, những địa phương từng là 'vùng xa' như Vĩnh Thuận, Giồng Riềng nay đã mang diện mạo mới, trở thành minh chứng sinh động cho sự chuyển mình toàn diện của Kiên Giang.
ĐỔI MỚI TỪ CHÍNH SÁCH
Giữa trưa, chúng tôi đến nhà ông Thái Văn Hớn, ngụ ấp Ngọc An, xã Ngọc Chúc (Giồng Riềng). Sau nhà là cánh đồng lúa chín rộ, tiếng máy gặt rì rào vọng lại. Nhấp ngụm trà, ông Hớn kể: “Mấy chục năm bám đất, bám đồng, giờ năng suất lúa đạt hơn 1 tấn/công, cao nhất từ trước đến nay”. Hồi tưởng thời làm tập đoàn sản xuất trước năm 1988, ông Hớn nói: “Cơ chế bao cấp, làm nhiều hay ít cũng được chia phần như nhau nên không ai có động lực sản xuất”.
Bước ngoặt bắt đầu từ năm 1988, khi “làn gió mới” từ Trung ương thổi về qua Nghị quyết 10-NQ/TW, ngày 5-4-1988 của Bộ Chính trị khóa VI. Nghị quyết xác định hợp tác xã là đơn vị tự chủ, hộ gia đình là đơn vị sản xuất cơ bản và được giao quyền sử dụng đất ổn định, lâu dài. Ông Hớn nói: “Nghị quyết 10 như tháo gông trói. Bà con được giao đất, được tự quyết mọi khâu. Ai làm nhiều thì hưởng nhiều, ai giỏi thì khá lên. Đến năm 1989, năng suất lúa tăng đáng kể, bình quân 500 - 600 kg/công”.

Nông dân xã Thạnh Bình (Giồng Riềng) thu hoạch lúa đông xuân 2024-2025. Ảnh: ĐẶNG LINH
Kiên Giang là một trong những địa phương đầu tiên triển khai Nghị quyết 10-NQ/TW. Xã Ngọc Chúc được chọn làm điểm đổi mới cơ chế quản lý về nông nghiệp. Người dân được khoán ruộng, tự canh tác và tiêu thụ sản phẩm. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Giồng Riềng Võ Tùng, thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW, Tỉnh ủy đã phát động “Đồng khởi tiến quân vào mặt trận cải tạo nông nghiệp”, khởi đầu một cuộc cách mạng đổi đời ở nông thôn. Từ giữa năm 1988, huyện Giồng Riềng tập trung đổi mới cơ chế quản lý kinh tế nông nghiệp, khuyến khích người dân mở rộng diện tích canh tác, kể cả đất hoang hóa. Nhờ đó, diện tích trồng lúa tăng khá, từ 45.000ha năm 1988 lên 50.400ha năm 1991, nâng hệ số sử dụng đất từ 1,31 lên 1,48 lần; sản lượng lúa tăng từ 117.000 tấn năm 1988 lên 160.000 tấn năm 1990.
Ông Trần Nữ - nguyên Bí thư Huyện ủy Giồng Riềng (1985-1991) khẳng định: “Nghị quyết 10-NQ/TW là bước ngoặt lớn, khơi dậy tiềm năng trong từng hộ gia đình, đưa đời sống nông dân cải thiện rõ rệt. Huyện như được “hồi sinh””.
Không chỉ Giồng Riềng, nhiều địa phương khác trong tỉnh cũng có sự chuyển biến nhanh. Diện tích trồng lúa toàn tỉnh tăng từ 245.056ha năm 1988 lên 277.503ha năm 1990. Sản lượng lương thực từ 690.000 tấn năm 1986 tăng gần 920.000 tấn năm 1990. Thị trường thông suốt, đời sống người dân dần cải thiện.

Lão nông Nguyễn Văn Dậu (bên trái) và ông Nguyễn Văn Bé, ngụ xã Vĩnh Phong (Vĩnh Thuận) bơm nước chuẩn bị vào vụ nuôi tôm mới. Ảnh: TRUNG HIẾU
Tiếp nối đà phát triển, Kiên Giang triển khai các chính sách lớn của Trung ương như Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX và Nghị quyết 26-NQ/TW (2008) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Các chính sách này được cụ thể hóa thành các chương trình hành động thiết thực, sát thực tế, thu hút nguồn lực phát triển nông thôn.
Từ năm 2010, khi chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai, Kiên Giang đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giao thông, điện, trường học, y tế, thủy lợi... Giai đoạn 2010-2015, tổng vốn đầu tư cho nông thôn mới đạt 17.023 tỷ đồng, trong đó vốn xã hội hóa hơn 7.326 tỷ đồng. Nông nghiệp Kiên Giang phát triển theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa ổn định, trở thành trụ cột kinh tế. Giai đoạn này, ngành nông, lâm, thủy sản tăng trưởng 5,75%/năm, sản lượng lương thực 4,65 triệu tấn, vượt 31% chỉ tiêu. Đến năm 2015, sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt 674.845 tấn, tăng 36,7% so năm 2010, trong đó tôm nuôi 52.200 tấn.
Giai đoạn 2015-2020, tốc độ tăng trưởng nông, lâm, thủy sản đạt 2,5%/năm; sản lượng lúa đạt 4,3 triệu tấn. Các mô hình mới như tôm - lúa luân canh, thủy sản tuần hoàn, nông nghiệp công nghệ cao được triển khai, nâng giá trị sản xuất từ 78,22 triệu đồng lên 100 triệu đồng/ha/năm. Có thời điểm chịu tác động từ dịch COVID-19, ngành nông nghiệp tỉnh vẫn duy trì tăng trưởng ổn định. Năm 2024, sản lượng lúa đạt 4,714 triệu tấn, cao nhất từ trước đến nay.
Đến nay, toàn tỉnh có 116/116 xã đạt chuẩn nông thôn mới, về đích trước một năm so với mục tiêu, trong đó có 40 xã nông thôn mới nâng cao, 5 xã nông thôn mới kiểu mẫu, 8 huyện và thành phố được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Diện mạo nông thôn thay đổi rõ rệt, đời sống người dân nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 0,99% vào cuối năm 2024.
TỪ “CÁNH ĐỒNG CHÓ NGÁP” ĐẾN VÙNG QUÊ TỶ PHÚ
Chúng tôi về xã Vĩnh Phong (Vĩnh Thuận) - vùng đất từng gắn liền với cụm từ “cánh đồng chó ngáp” và ngỡ ngàng trước sự đổi thay. Những con đường bê tông sạch sẽ, căn nhà khang trang, biệt thự mọc lên san sát. Không còn là nơi “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lềnh tựa bánh canh” như trong lời bài hát “Em về Miệt Thứ” của nhạc sĩ Hà Phương, hay theo mô tả của nhà văn Sơn Nam trong truyện “Cô Út về rừng”. Vĩnh Phong hôm nay đã trở thành “xứ nhà giàu”, dân cư đông đúc.
Ông Nguyễn Văn Dậu 69 tuổi, gắn bó với Vĩnh Phong gần trọn đời, từng là Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Căn Cứ, không giấu được niềm tự hào khi kể về sự chuyển mình của quê hương: “Vĩnh Phong sau giải phóng khó khăn lắm. Đất hoang, phèn, mặn, trồng lúa được vài giạ là mừng. Người dân đi lại bằng xuồng, ghe, nhà lụp xụp, dột nát. Tôi nhớ có lần 3 người góp lúa mới đủ đổi một cái quần. Khu “cánh đồng chó ngáp” chỉ để mùa mưa lùa trâu”, ông Dậu kể.
Dấu mốc quan trọng trong sự đổi thay của Vĩnh Phong là chủ trương ngọt hóa bán đảo Cà Mau do cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt chỉ đạo nhằm tháo chua, rửa phèn. Giai đoạn 1990-1995, khu vực này bắt đầu nuôi tôm sú hiệu quả. Các con kênh Dân Quân, kênh xáng Phó Sinh - Cạnh Ðền, kênh Bạch Ngưu được khơi thông, người dân chuyển đổi sản xuất sang nuôi tôm sú, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đời sống cải thiện rõ rệt. Thu nhập của các hộ nuôi thủy sản đạt cả tỷ đồng mỗi năm. Ông Dậu nhớ lại: “Những năm 1999-2000, một đêm đặt lú thu được gần 25 triệu đồng. Bán 1kg tôm loại hơn 20 con mua được 50kg gạo. Ai cũng ham nuôi tôm”.
Năm 2010, địa phương quyết định chuyển độc canh cây lúa sang mô hình tôm - lúa. Các chương trình đầu tư về điện, thủy lợi cũng phát triển mạnh, cộng với sự ủng hộ của người dân, giúp Vĩnh Phong phát triển vượt bậc. “Giờ nhà ai cũng xây dựng kiên cố, con cái học hành đàng hoàng. Tất cả nhờ vào chủ trương chuyển đổi đất trồng lúa sang nuôi tôm”, ông Dậu khẳng định.
Chúng tôi tiếp tục đến “xóm nhà giàu” Thị Mỹ, nơi dọc hai bờ kênh xáng Phó Sinh - Cạnh Ðền và Bạch Ngưu, những căn biệt thự mới mọc lên san sát. Người dân chăm chỉ cải tạo đất, chuẩn bị vụ tôm mới. Ông Nguyễn Hoàng Lựu 68 tuổi, cho biết: “Giờ Thị Mỹ phát triển bền vững với mô hình tôm - lúa, cua - tôm - lúa, nuôi ba ba, rắn… Nhiều vuông tôm thu hoạch mỗi vụ đến hàng tấn. Vụ lúa năng suất bình quân đạt khoảng 8 tấn/ha. Hộ có nhiều đất kiếm bạc tỷ mỗi năm là chuyện thường”. Kể về quá trình làm giàu, ông Lựu cho biết: “Năm 1991, tôi về đây lập nghiệp. May mắn trúng tôm, cua, có tiền mua thêm đất. Đến năm 1997, tôi có 200 công đất. Cùng năm đó, tôi trúng tôm, cua hơn 500 triệu đồng và xây nhà khang trang”.
Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Thị Mỹ Đặng Văn Dư cho biết, trong 300 hộ dân, gần 70% hộ có kinh tế khá, giàu; trong đó khoảng 40 hộ “giàu dữ dội”, thu nhập từ vài trăm triệu đến 1 tỷ đồng mỗi năm. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Vĩnh Phong Võ Trung Thực cho biết trước đây sản xuất nông nghiệp phụ thuộc vào cây lúa. Nhưng sau nhiều lần chuyển đổi đất trồng lúa sang các vùng chuyên canh, đến nay diện tích tôm - lúa của xã khoảng 6.000ha, diện tích tôm chuyên canh khoảng 1.000ha. Mô hình này không chỉ nâng cao thu nhập của người dân mà còn giúp cải thiện cuộc sống rõ rệt. Năm 2015, thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 30 triệu đồng/năm, đến năm 2024 con số này tăng lên 76 triệu đồng/năm.
Từ “cánh đồng chó ngáp” đến miền quê tỷ phú, Vĩnh Phong là minh chứng sống động cho hiệu quả của việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất và phát triển nông thôn mới, đồng thời thể hiện tinh thần bền bỉ và sáng tạo của nông dân Kiên Giang.