Kiểm sát nghiêm minh án tại cộng đồng
Không chỉ góp phần giảm tải cho hệ thống giam giữ, các hình phạt thi hành ngoài cộng đồng như án treo, cải tạo không giam giữ… ngày càng được xem là hướng đi nhân văn trong chính sách hình sự, giúp người phạm tội có cơ hội sửa sai và tái hòa nhập xã hội. Tuy nhiên, để những hình phạt này thực sự phát huy hiệu quả giáo dục và phòng ngừa tái phạm, công tác kiểm sát thi hành án tại cộng đồng giữ vai trò hết sức then chốt.

Viện KSND huyện Phú Hòa trực tiếp kiểm sát thi hành án hình sự tại UBND xã Hòa An. Ảnh: CTV
Tại Phú Yên, cùng với việc thực hiện nghiêm các quy định pháp luật, ngành Kiểm sát địa phương đã chủ động đổi mới phương thức kiểm sát, bám sát cơ sở, đặc biệt trong bối cảnh Thông tư liên tịch 02/2025 của Bộ Công an, Viện KSND tối cao và TAND tối cao chính thức có hiệu lực.
Không để hình thức hóa việc chấp hành án
Thực tế cho thấy, việc thi hành án hình sự tại cộng đồng như án treo, cải tạo không giam giữ… nếu không được giám sát chặt chẽ, các quy định về thi hành án tại địa phương dễ bị thực hiện hình thức, thậm chí bỏ ngỏ, làm suy giảm hiệu lực của pháp luật. Chính vì vậy, vai trò của cơ quan kiểm sát với chức năng giám sát tính nghiêm minh và đúng pháp luật trong thi hành án ngày càng trở nên quan trọng.
Trong những năm qua, công tác kiểm sát thi hành án hình sự ngoài cộng đồng đạt nhiều kết quả tích cực. Hằng năm, Viện KSND hai cấp của tỉnh đều xây dựng kế hoạch kiểm sát định kỳ và đột xuất đối với UBND cấp xã - nơi trực tiếp thực hiện việc quản lý, giám sát người thi hành án không giam giữ. Riêng trong tháng 4 này, Viện KSND hai cấp trong tỉnh đã thực hiện 39 lượt kiểm sát trực tiếp tại UBND các xã, phường, thị trấn; ban hành kết luận và tiến hành phúc tra 4 cuộc về thực hiện các kiến nghị, kháng nghị đã đưa ra trước đó.
Ông Lê Hồng Khoan, Viện trưởng Viện KSND huyện Phú Hòa cho biết: Khi trực tiếp kiểm sát, chúng tôi không chỉ kiểm tra hồ sơ, sổ sách có liên quan, gặp gỡ người chấp hành án, mà còn phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, phổ biến pháp luật để các bị án nâng cao ý thức tuân thủ quy định của pháp luật, thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương.
Cũng theo ông Khoan, trong quá trình kiểm sát, nhìn chung công tác thi hành án tại cộng đồng được UBND cấp xã quan tâm, việc tiếp nhận, quản lý người chấp hành án chặt chẽ, đảm bảo đúng quy định. Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại, thiếu sót trong công tác này như: việc đánh giá, nhận xét của UBND xã với người thi hành án chưa đầy đủ, không đúng tình hình chấp hành nghĩa vụ của người chấp hành án. Một số nơi thực hiện nhận xét định kỳ không đúng quy định hoặc phân loại kết quả chấp hành án chưa sát thực tế. Thực tế có trường hợp người đang chấp hành án tái phạm do công tác quản lý, giáo dục tại địa phương chưa tốt… "Chúng tôi đã kiến nghị để khắc phục vi phạm đồng thời đề nghị cơ quan thi hành án hình sự tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, hướng dẫn đối với công an cấp xã để nâng cao công tác thi hành án hình sự tại cộng đồng trong thời gian tới”, ông Khoan cho hay.
Mở rộng trách nhiệm kiểm sát theo thông tư mới
Một bước chuyển quan trọng trong công tác kiểm sát thi hành án hình sự tại cộng đồng là việc Bộ Công an, Viện KSND tối cao và TAND tối cao ban hành Thông tư liên tịch 02/2025/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 27/2/2025, quy định về phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự, quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự khi không tổ chức công an cấp huyện (Thông tư liên tịch 02/2025). Thông tư này có hiệu lực từ 1/3/2025. Theo đó, công an cấp xã được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự như: giám sát, quản lý, giáo dục người chấp hành án treo, cải tạo không giam giữ, quản chế, cấm cư trú, cấm hành nghề… Ngoài việc lập hồ sơ, báo cáo khi phát hiện vi phạm, công an xã/phường/thị trấn còn có trách nhiệm tham mưu cho UBND xã/phường/thị trấn tổ chức hoạt động giáo dục, quản lý các trường hợp đang chấp hành án trên địa bàn.
Ngành Kiểm sát Phú Yên xác định, việc nâng cao chất lượng kiểm sát không chỉ nhằm bảo vệ pháp luật, quyền con người, mà còn là yếu tố quyết định giúp người chấp hành án không chỉ “hết án trên giấy”, mà thật sự được giáo dục, cải tạo để trở lại làm người công dân có ích cho xã hội.
Viện trưởng Viện KSND tỉnh Phạm Trung Thuận
Trong bối cảnh đó, vai trò của ngành Kiểm sát càng được khẳng định rõ. Theo Viện trưởng KSND tỉnh Phú Yên Phạm Trung Thuận, Thông tư liên tịch 02/2025 đã mở rộng phạm vi kiểm sát, yêu cầu viện KSND không chỉ kiểm sát hoạt động thi hành án do UBND cấp xã thực hiện, mà còn kiểm sát trực tiếp công an cấp xã - đơn vị chịu trách nhiệm chính trong giám sát, giáo dục người chấp hành án. Việc này nhằm bảo đảm mọi khâu trong quy trình thi hành án được thực hiện đúng pháp luật, không bỏ lọt vi phạm.
Để thực hiện nghiêm túc thông tư này, Viện KSND tỉnh đã chỉ đạo viện trưởng viện KSND các huyện, thị xã, thành phố triển khai nghiên cứu, quán triệt kỹ nội dung thông tư; đồng thời tổ chức kiểm sát toàn diện hoạt động thi hành án hình sự tại cộng đồng, đặc biệt là tại công an cấp xã, nơi đang được giao trọng trách chính.
“Từ định hướng chỉ đạo này, ngành Kiểm sát Phú Yên xác định, việc nâng cao chất lượng kiểm sát không chỉ nhằm bảo vệ pháp luật, quyền con người, mà còn là yếu tố quyết định giúp người chấp hành án không chỉ “hết án trên giấy”, mà thật sự được giáo dục, cải tạo để trở lại làm người công dân có ích cho xã hội”, ông Phạm Trung Thuận nói.