Chánh án TAND Tối cao Lê Minh Trí: Tổng Bí thư chỉ kết luận 3 việc về hệ thống tòa án
Giải trình trước Thường vụ Quốc hội, Chánh án TAND Tối cao Lê Minh Trí nói đề án của TAND Tối cao trình Bộ Chính trị không bị bác các điểm mà cơ quan thẩm tra đề nghị xin ý kiến cấp có thẩm quyền.
Chiều 26-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức TAND. Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Tiến trình bày tờ trình.
Đề xuất tăng số lượng Thẩm phán TAND Tối cao
“Tổ chức hệ thống Tòa án theo hướng không tổ chức TAND cấp cao, TAND cấp huyện; thành lập TAND khu vực; chuyển các TAND sơ thẩm chuyên biệt thành các Tòa chuyên trách trong TAND khu vực. Theo đó, mô hình tổ chức hệ thống Tòa án gồm: TAND Tối cao; TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; TAND khu vực”, Phó Chánh án Nguyễn Văn Tiến nói.
Ngoài các nhiệm vụ tăng thêm cho TAND Tối cao khi bỏ TAND cấp cao, tờ trình đề nghị tăng số lượng Thẩm phán TAND Tối cao từ 13 đến 17 người lên thành từ 23 đến 27 người. Mục đích để đảm bảo đủ nguồn nhân lực giải quyết kịp thời, chất lượng đối với khối lượng công việc giám đốc thẩm, tái thẩm tăng thêm từ TAND cấp cao chuyển về để đáp ứng chỉ tiêu, yêu cầu của Quốc hội.

Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Tiến trình bày tờ trình. Ảnh: QH
Nêu thực tiễn, ông Tiến cho biết TAND Tối cao giải quyết 2.800 đơn (vụ)/3.400 đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm thuộc thẩm quyền; giải quyết, xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm khoảng 200 vụ/năm. 3 TAND cấp cao giải quyết 6.500 đơn (vụ)/7.900 đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm thuộc thẩm quyền; giải quyết, xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm khoảng 800 vụ.
“Như vậy, sau khi tiếp nhận một phần nhiệm vụ giám đốc thẩm, tái thẩm của các TAND cấp cao, dự báo TAND Tối cao sẽ phải giải quyết khoảng 11.000 đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm/năm; xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm khoảng 1.000 vụ/năm. Với khối lượng công việc như vậy, đòi hỏi phải tăng số lượng Thẩm phán TAND Tối cao mới đáp ứng được yêu cầu của công việc”, ông Tiến trình bày.
Việc tăng số lượng thẩm phán TAND Tối cao như vậy liên quan trực tiếp đến điều kiện bổ nhiệm thẩm phán TAND Tối cao. Vì vậy, dự luật đưa ra quy định dự kiến “trong trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền quyết định, người được đề nghị bổ nhiệm phải đang là Thẩm phán TAND hoặc có đủ 5 năm làm Vụ trưởng hoặc tương đương tại TAND Tối cao”.
Có cần báo cáo lại Bộ Chính trị không?
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho hay Thẩm phán TAND Tối cao là chức danh tư pháp đặc biệt, thuộc diện Ban Bí thư quản lý.
Luật hiện hành quy định trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền quyết định nhưng phải có thời gian tối thiểu 5 năm là Thẩm phán TAND. Việc bỏ điều kiện về thời gian tối thiểu này có thể dẫn đến trường hợp một người mới được bổ nhiệm Thẩm phán TAND có thể được xem xét bổ nhiệm ngay làm Thẩm phán TAND Tối cao là chưa hợp lý.
“Đề nghị giữ như quy định hiện hành”, ông Tùng nói.
Việc dự luật quy định số lượng thành viên Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao không ít hơn 23 người và không quá 27 người, cơ quan thẩm tra đề nghị cân nhắc thận trọng để phù hợp với chủ trương của Đảng về tinh gọn tổ chức bộ máy.
Dù vậy, trong Ủy ban Pháp luật và Tư pháp, một số ý kiến tán thành đề xuất tăng số lượng Thẩm phán TAND Tối cao.
Mặt khác, cơ quan thẩm tra cho rằng việc tăng số lượng Thẩm phán TAND Tối cao là vấn đề quan trọng, liên quan đến chủ trương của Đảng và đề nghị TAND Tối cao xin ý kiến cấp có thẩm quyền theo quy định.

Chánh án TAND Tối cao Lê Minh Trí đặt vấn đề: Bộ Chính trị, Tổng Bí thư không "bác" các điểm trong đề án của TAND Tối cao thì có cần xin ý kiến lại không? Ảnh: QH
Giải trình, Chánh án TAND Tối cao Lê Minh Trí nói ngay từ đầu, TAND Tối cao đã trình đề án cho Bộ Chính trị nói rõ việc tăng số lượng thẩm phán TAND Tối cao lên 23-27 người.
Ông cho biết trong cuộc họp của Bộ Chính trị về đề án này, Tổng Bí thư chỉ kết luận ba vấn đề: bỏ TAND cấp cao; bỏ TAND cấp huyện, tổ chức TAND khu vực; thẩm quyền phân cấp, phân quyền thì giao cho TAND Tối cao. Bộ Chính trị, Ban Bí thư không bác việc tăng số lượng thẩm phán. Hội nghị Trung ương 11 cũng không ý kiến gì về việc này.
“Tôi đọc kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về việc này 3 lần rồi”, Chánh án Lê Minh Trí nói và đề nghị Ủy ban Thường vụ “đồng ý cho”. Nếu cần báo cáo Bộ Chính trị thì Ủy ban Thường vụ cũng thống nhất với TAND Tối cao và TAND Tối cao sẽ xin lại ý kiến cấp có thẩm quyền.
Về điều kiện bổ nhiệm thẩm phán TAND Tối cao, Chánh án Lê Minh Trí cho hay việc này là do Luật Tổ chức TAND cũ có vướng mắc. Trong bối cảnh hiện nay, khi TAND Tối cao phải đảm đương thêm nhiều nhiệm vụ, việc tăng số lượng thẩm phán TAND Tối cao là tất yếu.
Mặt khác, trong 10 năm nay, số lượng Vụ trưởng phục vụ công việc của ngành tòa án là rất nhiều, nhưng không bổ nhiệm được do luật. Các vụ trưởng vừa hướng dẫn, kiểm tra, vừa tham mưu cho Chánh án TAND Tối cao giải quyết các vụ án, năng lực và kinh nghiệm nhiều, có thể đáp ứng nhiệm vụ tốt hơn những nguồn khác.
“Đây không phải là giảm điều kiện mà là điều chỉnh điều kiện bổ nhiệm thẩm phán TAND Tối cao cho phù hợp thực tiễn”, Chánh án Lê Minh Trí nói và khẳng định “Tôi sẽ chịu trách nhiệm giải trình trước Quốc hội nếu bị chất vấn”.
'Thường vụ cũng không phản đối gì'
Chốt phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc định nói: Nếu Bộ Chính trị không “bác” đề án của TAND Tối cao thì thống nhất không báo cáo lại Bộ Chính trị nữa. Thường vụ Quốc hội cũng không phản đối gì.
Về điều kiện bổ nhiệm thẩm phán TAND Tối cao, ông Định cho rằng nên hiểu quy định trong dự luật là “mở rộng đối tượng xem xét bổ nhiệm thẩm phán TAND Tối cao trong bối cảnh số lượng phải tăng từ 13-17 lên 23-27.
“Khi bổ nhiệm ai làm thẩm phán TAND Tối cao thì chắc cũng không dễ dàng đâu, phức tạp lắm. Tuy nhiên, khi sửa luật lần trước thì TAND Tối cao xin ý kiến Bộ Chính trị vì đây là đối tượng Ban Bí thư quản lý. Vậy lần này có lẽ cũng nên xin ý kiến Bộ Chính trị”, ông Định nói.