Không thể tách thửa do hệ lụy từ văn bản trái luật, người dân Hà Nội có được khởi kiện?

Về việc người dân ở Hà Nội không thể tách thửa đất chia cho con cái do hệ lụy từ văn bản trái luật ban hành năm 2022, luật sư cho hay người dân có quyền khởi kiện khi quyền lợi của mình bị xâm phạm.

Trong bài viếtHệ lụy từ văn bản trái luật, người dân Hà Nội khốn khổ vì không thể tách thửa, VietTimes phản ánh việc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội ban hành công văn trái luật số 1685 ngày 22/3/2022 để yêu cầu dừng tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính liên quan việc chia tách, hợp thửa đất đã gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhiều hộ dân. Một năm sau, cơ quan này đã phải hủy bỏ văn bản trên vì bị Bộ Tư pháp “tuýt còi”, tuy nhiên thủ tục tách thửa vẫn không được giải quyết.

Hệ lụy là khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, nhiều hộ dân không thể tách thửa để chia cho con cái hoặc sang tên cho người mua đất từ những năm trước vì quy định về điều kiện tách thửa đã thay đổi. Cụ thể, tại các xã vùng đồng bằng, ngoài phải đảm bảo diện tích tối thiểu là 80 m2, thì cạnh tiếp giáp với đường giao thông công cộng hiện có hoặc lối đi được hình thành phải từ 5 m trở lên.

"Cần phải xem xét trách nhiệm"

Trao đổi với VietTimes về các trường hợp người sử dụng đất không thể tách thửa do chịu ảnh hưởng của văn bản ban hành trái luật số 1685 của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, luật sư Phạm Thanh Tuấn (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho hay Quyết định số 61 năm 2024 về điều kiện tách thửa hiện nay của Hà Nội cao hơn nhiều so với Quyết định số 20 năm 2017. Về tính hợp pháp, việc UBND thành phố ban hành Quyết định số 61 quy định điều kiện tách thửa đất là thực hiện đúng thẩm quyền được giao theo Điều 220 Luật Đất đai 2024.

Tuy nhiên, vấn đề gây cản trở với người dân là trước khi Hà Nội ban hành Quyết định số 61 có hiệu lực từ ngày 7/10/2024 thì Sở Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản yêu cầu tạm dừng các thủ tục hành chính liên quan đến việc tách thửa vào tháng 3/2022.

Điều này dẫn đến trường hợp những người dân dù đủ điều kiện tách thửa theo Quyết định số 20 năm 2017, nhưng đến thời điểm Quyết định số 61 năm 2024 có hiệu lực thì họ lại rơi vào trường hợp không đáp ứng điều kiện diện tích tách thửa theo quy định mới.

 Luật sư Phạm Thanh Tuấn: "Cần xem xét trách nhiệm cơ quan tham mưu và cơ quan ban hành công văn số 1685 về việc dừng tiếp nhận hồ sơ tách thửa".

Luật sư Phạm Thanh Tuấn: "Cần xem xét trách nhiệm cơ quan tham mưu và cơ quan ban hành công văn số 1685 về việc dừng tiếp nhận hồ sơ tách thửa".

Thêm nữa, tại thời điểm trước ngày 7/10/2024, Quyết định số 20 năm 2017 vẫn có hiệu lực, tức là người dân vẫn đủ điều kiện tách thửa, nhưng việc tạm thời dừng hồ sơ như vậy rõ ràng đã ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Sở Tài nguyên và Môi trường không có lý do gì để tạm dừng quyền lợi chính đáng của người dân về việc tách thửa.

“Như vậy, văn bản số 1685 của Sở Tài nguyên và Môi trường do Phó giám đốc sở Lê Thanh Nam ký ban hành là không hợp pháp, không phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Là văn bản cấp dưới nhưng công văn còn đi ngược lại, hạn chế quyền của người sử dụng đất đã được quy định trong Luật Đất đai”, luật sư Nguyễn Thanh Tuấn nhấn mạnh.

Trước những tình huống trớ trêu được VietTimes phản ánh trong bài viết trước, luật sư cho rằng cần phải xem xét trách nhiệm cơ quan tham mưu và cơ quan ban hành văn bản về việc dừng tiếp nhận hồ sơ, để đặt ra trách nhiệm của họ theo quy định của pháp luật.

 Văn bản ban hành trái pháp luật số 1685 do Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Thanh Nam ký ban hành ngày 22/3/2022.

Văn bản ban hành trái pháp luật số 1685 do Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Thanh Nam ký ban hành ngày 22/3/2022.

Người dân có kiện được không?

Vấn đề được nhiều người dân quan tâm lúc này là những trường hợp có giấy tiếp nhận đơn xin tách thửa ở thời điểm trước khi luật mới có hiệu lực, họ có được khởi kiện để đảm bảo quyền lợi? Từ góc độ pháp lý, luật sư Trần Tuấn Anh (Giám đốc Công ty luật Minh Bạch) viện dẫn khoản 2 Điều 256 Luật Đất đai năm 2024, trong đó quy định hồ sơ đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đã được cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận nhưng đến ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì tiếp tục giải quyết thủ tục theo quy định của Luật Đất đai số 45/2013/QH13 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.

Như vậy, trường hợp người dân ở Hà Nội đã nộp hồ sơ tách thửa và được tiếp nhận trước ngày 1/8/2024 mà chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận, thì hạn mức tách thửa được áp dụng quy định tại Quyết định 20/2017/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội.

Tuy nhiên, theo luật sư, Quyết định 20/2017/QĐ-UBND hết hiệu lực từ ngày 7/10/2024 và Quyết định 61/2024/QĐ-UBND không có điều khoản chuyển tiếp để hướng dẫn những trường hợp tiếp nhận hồ sơ trong khoảng thời gian từ ngày 1/8/2024 đến ngày 7/10/2024. Điều này sẽ gây khó khăn cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính cũng như người dân.

Về hướng giải quyết, luật sư cho biết khoản 1, Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định: “Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực”. Điều này có nghĩa là văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng tại thời điểm cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận thực hiện thủ tục hành chính.

“Thời điểm hồ sơ tách thửa được tiếp nhận trong khoảng thời gian nào thì áp dụng văn bản có hiệu lực tại thời gian đó. Cụ thể, nếu hồ sơ được tiếp nhận trong khoảng thời gian từ 1/8/2024 đến ngày 7/10/2024 thì hạn mức đất ở sẽ được quy định tại Quyết định 20/2017/QĐ-UBND”, luật sư Trần Tuấn Anh cho hay.

 Luật sư Trần Tuấn Anh: Thời điểm hồ sơ tách thửa được tiếp nhận trong khoảng thời gian nào thì áp dụng văn bản có hiệu lực tại thời gian đó.

Luật sư Trần Tuấn Anh: Thời điểm hồ sơ tách thửa được tiếp nhận trong khoảng thời gian nào thì áp dụng văn bản có hiệu lực tại thời gian đó.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà (Chủ tịch Công ty luật SBLAW) cũng cho rằng đối với các trường hợp người dân đã nộp hồ sơ xin tách thửa và có giấy tiếp nhận trước thời điểm Quyết định 61 có hiệu lực từ ngày 7/10/2024, các hồ sơ này cần được giải quyết theo quy định pháp luật tại thời điểm nộp hồ sơ. Việc từ chối giải quyết các hồ sơ cũ với lý do áp dụng Quyết định 61/2024 là không thỏa đáng.

“Trong tình huống bị từ chối giải quyết hồ sơ tách thửa, người dân có quyền thực hiện khiếu nại đến Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội để yêu cầu giải quyết đúng quy định pháp luật. Nếu cơ quan này vẫn cố tình không giải quyết hoặc bác bỏ quyền lợi chính đáng, người dân có thể tiến hành khởi kiện hành chính tại TAND cấp có thẩm quyền để bảo vệ quyền lợi của mình”, luật sư Nguyễn Thanh Hà nói.

Tư vấn thêm tình huống này, theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, khi khởi kiện vì cho rằng quyền lợi của mình bị xâm phạm do không được tách thửa, người dân cần xem xét ai là người gây ra sự xâm phạm đó.

Thông thường, có 2 khả năng. Một là kiện quyết định hành chính nếu người dân nhận được văn bản chính thức từ Sở Tài nguyên và Môi trường hoặc UBND quận/huyện từ chối tách thửa. Đây chính là quyết định hành chính mà người dân có thể kiện.

Trường hợp thứ hai, người dân có thể kiện hành vi hành chính nếu không nhận được văn bản chính thức từ cơ quan chức năng nhưng cán bộ địa chính trì hoãn hoặc có những hành động trái pháp luật khiến người dân không thể tách thửa. Lúc này, người khởi kiện có thể kiện hành vi hành chính của cán bộ giải quyết thủ tục tách thửa.

Luật sư Trần Tuấn Anh cũng cho biết nếu trong trường hợp thấy rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, cần được tòa án bảo vệ, người dân có thể gửi đơn và hồ sơ tài liệu khởi kiện đến TAND thành phố để khởi kiện UBND quận, huyện nơi thực hiện thủ tục tách thửa vì hành vi hành chính, quyết định hành chính của cơ quan này đã ảnh hưởng đến quyền lợi của mình.

“Tôi lưu ý là khởi kiện đối với UBND huyện/quận/thành phố/thị xã trực thuộc tỉnh, chứ không phải khởi kiện Chi nhánh hay Văn phòng đăng ký đất đai, bởi Văn phòng đăng ký đất đai chỉ là đơn vị tiếp nhận hồ sơ. Còn UBND cấp quận, huyện mới là chủ thể thực hiện hành vi hành chính và ban hành quyết định hành chính liên quan đến việc tách thửa của người dân. Khi bản án của tòa án có hiệu lực, bắt buộc các cơ quan hành chính phải thi hành nội dung của bản án”, luật sư Tuấn Anh nói thêm.

Nếu khởi kiện, cần chuẩn bị những giấy tờ gì?

Theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, việc chuẩn bị hồ sơ khiếu nại hoặc khởi kiện cần bao gồm: Giấy tiếp nhận hồ sơ tách thửa (bằng chứng về thời điểm nộp), Quyết định 61/2024/QĐ-UBND Hà Nội, và các văn bản pháp luật liên quan để làm căn cứ pháp lý.

Bên cạnh đó, người dân cần chuẩn bị các tài liệu chứng minh quyền sử dụng đất và các giấy tờ pháp lý khác liên quan đến thửa đất đang xin tách gồm:

- Đơn đề nghị tách thửa đất, hợp thửa đất theo Mẫu số 01/ĐK;

- Bản vẽ tách thửa đất, hợp thửa đất lập theo Mẫu số 02/ĐK do Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện hoặc do đơn vị đo đạc có Giấy phép về hoạt động đo đạc, thành lập bản đồ địa chính thực hiện;

- Giấy chứng nhận đã cấp hoặc bản sao giấy chứng nhận đã cấp kèm bản gốc để đối chiếu hoặc nộp bản sao có công chứng, chứng thực;

- Các văn bản của cơ quan có thẩm quyền có thể hiện nội dung tách thửa đất, hợp thửa đất (nếu có). Các văn bản này chính là các giấy tờ chứng minh thửa đất đủ điều kiện tách thửa theo quy định tại Điều 220 Luật Đất đai năm 2024.

 Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Luật Tố tụng Hành chính cho phép người dân khởi kiện các quyết định, hành vi sai trái của cơ quan Nhà nước.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Luật Tố tụng Hành chính cho phép người dân khởi kiện các quyết định, hành vi sai trái của cơ quan Nhà nước.

Cũng theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, Hiến pháp và Bộ luật Dân sự đều bảo vệ quyền sở hữu, quyền sử dụng đất của người dân. Việc từ chối tách thửa không có lý do chính đáng đã xâm phạm đến quyền này.

Ngoài ra,nhà nước quy định rõ các bước, thời gian để giải quyết thủ tục hành chính. Nếu cơ quan chức năng làm sai quy trình, gây phiền hà, đó là hành vi vi phạm.

Luật Tố tụng Hành chính cũng cho phép người dân khởi kiện các quyết định, hành vi sai trái của cơ quan nhà nước. Tòa án sẽ xem xét toàn diện vụ việc và đưa ra phán quyết dựa trên quy định pháp luật. Tùy vào từng vụ việc cụ thể, tòa có thể có những cách giải quyết khác nhau:

Thứ nhất, buộc cơ quan nhà nước phải giải quyết hồ sơ. Tức là, tòa sẽ yêu cầu cơ quan đó phải xem xét lại hồ sơ một cách nghiêm túc, khách quan và phải làm đúng theo quy định của pháp luật, chứ không được bỏ qua hay làm sai.

Thứ hai, hủy bỏ quyết định trái pháp luật.Nếu tòa thấy rằng quyết định từ chối tách thửa là sai luật, thì tòa án sẽ hủy bỏ ngay lập tức.

Thứ ba là bồi thường thiệt hại. Nếu chứng minh được rằng tổ chức, cá nhân đã bị thiệt hại (như mất tiền, mất cơ hội làm ăn...) do các hành vi trái pháp luật của cơ quan nhà nước gây ra, thì tòa án có thể yêu cầu cơ quan đó phải bồi thường.

Lệ Chi

Xuân Lực

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/khong-the-tach-thua-do-he-luy-tu-van-ban-trai-luat-nguoi-dan-ha-noi-co-duoc-khoi-kien-post184962.html?utm_source=web_vt&utm_medium=home_noibat_vt&utm_campaign=noibat
Zalo