Chây ỳ thi hành án dân sự
Mới đây, lãnh đạo UBND huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) thừa nhận: 6 giáo viên của địa phương này phải nghỉ việc oan vẫn chưa nhận được bồi thường do các bên có nghĩa vụ liên quan chây ỳ không chịu thực hiện bản án đã có hiệu lực pháp luật từ 3 năm trước.
Vậy là từ năm 2022, dù TAND tỉnh Đắk Lắk tuyên UBND huyện Krông Pắk và 2 trường (THCS Nguyễn Thị Minh Khai và THCS Ea Kly) phải liên đới bồi thường hơn 2,1 tỷ đồng cho 6 giáo viên bị những cơ quan này chấm dứt hợp đồng trái pháp luật, nhưng đến nay các bị án dân sự này vẫn không chịu thực hiện nghĩa vụ của mình.
Có lẽ sẽ có người cho rằng, chưa chắc các bị án dân sự này đã chây ỳ không chịu bồi thường cho 6 giáo viên phải nghỉ việc oan mà có thể do cơ quan thi hành án dân sự chưa yêu cầu họ phải thực hiện nghĩa vụ theo bản án. Xin thưa ngay rằng, chỉ sau vài tháng bản án dân sự do TAND tỉnh Đắk Lắk tuyên thắng kiện cho 6 giáo viên trên, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Krông Pắk đã ra quyết định thi hành án, ít nhất 7 lần gửi văn bản tới các đơn vị liên quan yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bồi thường cho các giáo viên như bản án đã tuyên. Tuy nhiên, tới nay quyền lợi chính đáng của các giáo viên vẫn không được đáp ứng.
Đáng nói, 6 giáo viên khởi kiện chỉ là số ít dám đứng lên đấu tranh đòi lại công lý cho bản thân vì bị các cơ quan có thẩm quyền ra quyết định trái pháp luật. Vào thời điểm năm 2018, có tới 500 giáo viên hợp đồng đã bị UBND huyện Krông Pắk ra quyết định chấm dứt hợp đồng do vượt chỉ tiêu, nhưng chỉ có 6 giáo viên dám đứng ra khởi kiện yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền phải đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp mà họ đáng được hưởng. Sau đó 4 năm, tới năm 2022, TAND tỉnh Đắl Lắk đã tuyên các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương này phải bồi thường cho nguyên đơn.
Theo giải thích của lãnh đạo huyện Krông Pắk, sở dĩ 6 giáo viên nói trên chưa nhận được tiền bồi thường theo bản án là do vụ việc liên quan tới nhiều cơ quan nên “khó” xử lý. Với lý do này, cho tới nay, dù 3 năm đã trôi qua, UBND huyện Krông Pắk và các đơn vị liên quan vẫn chưa có lộ trình bồi thường cụ thể, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các giáo viên. Trong khi đó, không ít giáo viên trong số những người bị chấm dứt hợp đồng trái pháp luật đang hàng ngày phải vật lộn với cuộc sống để mưu sinh. Bao nhiêu năm gắn bó với nghề dạy học, cuối cùng chỉ vì quyết định trái pháp luật của cơ quan có thẩm quyền, các giáo viên phải “ra đi” tay trắng, thậm chí có người phải đi phụ hồ, chở hàng thuê... để trang trải cuộc sống.
Một câu hỏi được đặt ra ở đây: Vì sao các bị án dân sự có thể “vô tư” chây ỳ không thực hiện nghĩa vụ bồi thường cho các giáo viên số tiền hơn 2 tỷ đồng như bản án dân sự mà TAND tỉnh Đắk Lắk đã tuyên cách đây tới 3 năm? Câu hỏi này có lẽ chỉ các cơ quan có thẩm quyền mới có thể trả lời được. Song, dư luận xã hội hy vọng các cơ quan chức năng sẽ sớm có giải pháp, biện pháp mạnh để thực thi công lý, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của 6 giáo viên bị mất việc oan.