Không mặc định giới tính cho những hoài bão tuổi trẻ
Định kiến giới trong lựa chọn ngành học vẫn tồn tại âm thầm, khi con trai học Văn bị xem là 'khác thường', còn con gái vào quân đội lại bị nghi ngờ về khả năng chịu đựng. Những khuôn mẫu ấy không chỉ gây áp lực vô hình, mà còn giới hạn ước mơ của nhiều người trẻ ngay từ khi bắt đầu.
Con trai học Văn thì sau làm được gì?
Đó là một trong những câu hỏi ám ảnh tuổi thơ của Châu Nguyễn Tùng Sơn – sinh viên Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Là con trai của một giáo viên tiểu học, Tùng Sơn lớn lên trong sự ngưỡng mộ với nghề nhà giáo. Nhưng thay vì được cổ vũ như nhiều cậu bé mơ làm kỹ sư, bác sĩ hay công an, ước mơ của Sơn lại bị nghi ngờ chỉ vì... gắn với môn Văn.

Châu Nguyễn Tùng Sơn tin rằng học Văn là học làm người, và đam mê không cần mang giới tính.
Từng bị nhận xét tiêu cực khi học giỏi Văn, Tùng Sơn đối mặt với định kiến như “con trai học Văn sau chẳng làm được gì”. Nhưng thay vì lùi bước, cậu chinh phục giải Ba Học sinh Giỏi Tỉnh, trở thành thủ khoa môn Văn THPT Quốc gia trường Nguyễn Cảnh Chân và được tuyển thẳng vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Quan trọng hơn, Sơn biến tình yêu Văn học thành động lực lan tỏa giá trị nhân văn qua mô hình “Lớp Văn Team Sơn”.
Giờ đây, khi ngồi trong giảng đường Sư phạm – nơi không nhiều bạn nam chọn học Văn – Sơn chia sẻ một cách giản dị: “Văn học là nhân học. Học Văn là học làm người, và ai cũng có quyền được học làm người – bất kể giới tính nào”.
Con gái học chính trị rồi sẽ làm được gì?
Ở một góc khác của giảng đường, một cô gái tên Đoàn Trần Quỳnh Chi lại từng đối diện với ánh nhìn nghi ngờ tương tự – khi quyết định theo học Học viện Chính trị Công an Nhân dân. Trong tâm trí của không ít người, quân đội, công an và lý luận chính trị vẫn là “lãnh địa mặc định” của nam giới. Và khi Chi chọn bước vào đó, những câu hỏi cũng bắt đầu vang lên: “Con gái học chính trị, rồi ra làm được gì?”.

Đoàn Trần Quỳnh Chi bước vào lực lượng Công an để chứng minh phụ nữ cũng có thể làm chính trị.
Ban đầu, Quỳnh Chi từng hoài nghi chính mình khi phải thuyết trình học thuật trong lớp gần như toàn nam sinh, hay những buổi tập luyện căng thẳng đến bật khóc. Nhưng càng đi sâu vào con đường ấy, cô càng nhận ra: điều khiến cô đứng vững không phải là sức mạnh thể chất, mà là lý do cô bắt đầu – lý tưởng phục vụ nhân dân và khẳng định bản lĩnh của nữ giới trong lực lượng vũ trang.
Hình ảnh của một nữ tướng lĩnh – Thiếu tướng, PGS, TS Đinh Ngọc Hoa – trở thành biểu tượng để Chi tiếp tục. Cô chia sẻ mạnh mẽ: “Đam mê không phân biệt giới tính. Chỉ cần chúng ta tin thì sẽ tìm được con đường của riêng mình".
Định kiến không tự nhiên sinh ra…
Không phải ngẫu nhiên mà một cậu bé học Văn bị coi là “khác thường”. Cũng không phải tình cờ mà một cô gái chọn ngành công an lại bị hỏi “ra làm gì?”. Những định kiến ấy – dù không hiện diện bằng văn bản, luật lệ – vẫn lặng lẽ tồn tại, lặp đi lặp lại, và ảnh hưởng đến lựa chọn của hàng nghìn người trẻ mỗi năm.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Tuyết Minh – giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, chuyên gia nghiên cứu về bình đẳng giới – lý giải rằng định kiến giới trong lựa chọn ngành nghề không sinh ra từ một cá nhân, mà là sản phẩm của hệ thống tư tưởng được củng cố trong suốt nhiều thế hệ.
“Lịch sử và văn hóa truyền thống Việt Nam chịu ảnh hưởng Khổng giáo, đặt nặng hình ảnh ‘nam trụ cột, nữ tề gia’ đã khắc sâu vào tiềm thức xã hội. Định kiến giới được duy trì từ sự kết hợp của ba thứ quan trọng: gia đình, nhà trường và truyền thông".

Tiến sĩ Nguyễn Thị Tuyết Minh chỉ ra rằng định kiến giới được duy trì bởi gia đình, nhà trường và truyền thông.
Theo bà, gia đình thường vô tình định hướng nghề nghiệp theo giới tính truyền thống. Đôi khi làm điều đó chỉ bằng những câu nói vô thức như: “Con trai phải làm bác sĩ”, “Con gái thì chọn nghề gì ổn định thôi”. Tiếp đó, nhà trường – từ chương trình học đến sách giáo khoa – cũng gián tiếp củng cố các khuôn mẫu. Chẳng hạn, trong tranh minh họa, người dạy học thường là nữ, nghề công an, lái tàu lại là nam. Cuối cùng là truyền thông, với vô số quảng cáo, phim ảnh, phóng sự mô tả nghề nghiệp theo giới.
Bà Minh cho rằng: “Truyền thông Việt Nam hiện nay đã có cải thiện, nhưng vẫn tồn tại rất nhiều hình mẫu ‘đàn ông bản lĩnh – phụ nữ dịu dàng’ trong những ngành nghề cụ thể”.
Giới tính không quyết định khả năng thích nghi, càng không giới hạn bản lĩnh
Trong môi trường có tính kỷ luật cao như lực lượng vũ trang, định kiến giới không chỉ nằm ở thái độ xã hội mà còn hiện diện ngay trong chính sách tuyển sinh. Trung tá Trần Phương Hạnh – Phó Trưởng phòng Quản lý học viên, Chủ tịch Hội Phụ nữ Học viện Chính trị CAND – đã nhiều năm trực tiếp tiếp xúc, huấn luyện và đồng hành cùng các nữ học viên công an. Với bà, rào cản đầu tiên với các bạn nữ không phải là năng lực, mà là nỗi sợ không vượt qua nổi thang đo thể chất. “Một trong những rào cản lớn khiến nhiều nữ sinh e ngại thi vào các trường Quân đội – Công an chính là yêu cầu khắt khe về sức khỏe. Các tiêu chí tuyển sinh đặc thù như chiều cao, cân nặng, thể lực, và thể trạng chung thường nghiêm ngặt hơn so với các trường dân sự”.

Trung tá Trần Phương Hạnh (Người thứ hai từ trái sang) khẳng định giới tính không thể ngăn cản bản lĩnh và khát vọng cống hiến.
Trung tá Hạnh khẳng định rằng những nữ học viên đã vượt qua cánh cổng tuyển sinh đều là minh chứng cho sự thích nghi mạnh mẽ và bền bỉ của phụ nữ: “Khi đã trúng tuyển, nữ sinh có thể gặp một số khó khăn ban đầu trong việc thích nghi với môi trường huấn luyện khắt khe, kỷ luật nghiêm ngặt và áp lực thể chất cao. Tuy nhiên, với sự nỗ lực, kiên trì và tinh thần vượt khó, phần lớn các em đều có thể bắt kịp và phát triển tốt trong môi trường này”.
“Thực tế cho thấy nhiều nữ học viên không những vượt qua thách thức mà còn đạt thành tích xuất sắc, trở thành tấm gương sáng cho đồng đội”.
Bởi vậy, thông điệp mà Trung tá Phương Hạnh muốn nhắn nhủ tới các bạn trẻ – nhất là nữ sinh – rất rõ ràng: “Giới tính không phải là rào cản của bản lĩnh và khát vọng. Nếu bạn có đam mê, có quyết tâm và tinh thần sẵn sàng vượt qua giới hạn bản thân, cánh cửa ấy luôn rộng mở. Môi trường Quân đội - Công an không chỉ là nơi rèn luyện mà còn là nơi bạn có thể khẳng định giá trị và bản lĩnh của chính mình. Hãy tin vào bản thân – bởi những chiến sĩ áo xanh đâu chỉ dành riêng cho hình ảnh của nam giới!”.