Đến hè lại lo… đuối nước

Mùa hè đang đến gần cùng với nỗi lo về tai nạn đuối nước, năm nào cũng được cảnh báo nhưng hầu như không có xu hướng giảm. Làm sao để hạn chế thấp nhất nguy cơ đuối nước cho trẻ em là vấn đề đang đặt ra cấp bách khi năm học chỉ còn 2 tuần nữa sẽ kết thúc.

Phổ cập bơi cho trẻ là biện pháp hiệu quả nhất nhằm ngăn chặn nguy cơ đuối nước. Ảnh: BVH.

Phổ cập bơi cho trẻ là biện pháp hiệu quả nhất nhằm ngăn chặn nguy cơ đuối nước. Ảnh: BVH.

Nỗi đau kéo dài

Ngay đầu tháng 5 đã ghi nhận liên tiếp nhiều vụ đuối nước ở các địa phương trên cả nước. Trong đó, trưa 12/5, hai cháu L.V.H. (SN 2018), học sinh lớp 1 và cháu L.T.K. (SN 2020), học sinh mầm non ở xã Quảng Lâm (huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng) sau khi tan học đi ra khỏi trường để về nhà, đã ra khu vực suối cách trường khoảng 150m và bị đuối nước. Đến chiều cùng ngày, gia đình mới tìm thấy các cháu cách khu vực suối khoảng 50m.

Chiều 10/5, tại khu vực biển quận Liên Chiểu (Đà Nẵng), hai học sinh 14 tuổi trên địa bàn đã bị đuối nước khi đi tắm biển. Người dân phát hiện một em bị sóng đẩy vào gần bờ, còn em học sinh còn lại cũng được phát hiện tử vong ở vị trí gần đó.

Tới chiều tối 12/5, tại khu vực biển Liên Chiểu, hai cậu cháu (26 tuổi và 7 tuổi) đã đi tắm biển và bị sóng cuốn ra xa. Người dân kịp thời báo Trạm Biên phòng cửa khẩu cảng Liên Chiểu phối hợp cứu nạn, đưa cả hai vào bờ và thực hiện sơ cứu, hô hấp nhân tạo, đồng thời gọi cấp cứu đưa nạn nhân về bệnh viện. Ngay sau đó, chính quyền địa phương và Đồn Biên phòng Hải Vân đã cắm biển cảnh báo khu vực nguy hiểm tại vị trí hai cậu cháu gặp nạn để cảnh báo người dân.

Cùng ngày 10/5, nhóm 4 học sinh tiểu học ở huyện Cư M’gar (tỉnh Đắk Lắk), trong giờ nghỉ học đã rủ nhau ra ao nước tưới cà phê gần nhà chơi. Tuy nhiên, 2 em bị trượt chân rơi xuống ao và tử vong sau đó, dù các em còn lại đã chạy đi báo người lớn nhưng không kịp cứu.

Ngày 1/5, một thanh niên 16 tuổi ở xã Đức Chánh (huyện Mộ Đức) (tỉnh Quảng Ngãi) cùng bạn ra tắm biển không may bị sóng cuốn mất tích. Cùng ngày, tại bãi biển Tân Định, xã Thắng Lợi (huyện Mộ Đức) cũng xảy ra vụ đuối nước khiến 3 học sinh mất tích…

Theo thống kê từ đầu năm 2025 đến nay, tỉnh Đắk Nông đã xảy ra 16 vụ đuối nước, làm chết 19 người. Riêng từ ngày 1/4 đến ngày 5/5 trên địa bàn tỉnh liên tiếp xảy ra 9 vụ đuối nước, trong đó có 7 vụ có nạn nhân là trẻ em.

Thực tế cho thấy, các vụ đuối nước chủ yếu xảy ra ở khu vực nông thôn, nương rẫy, nơi có nhiều ao, hồ, sông, suối, đập thủy lợi. Đặc biệt là các ao, hồ được xây dựng để dự trữ nước phục vụ tưới tiêu cho các loại cây công nghiệp, nhưng không có hoặc có rất ít các hình thức rào chắn, bảo vệ và cảnh báo khu vực dễ xảy ra đuối nước. Một số vụ đuối nước xảy ra tại biển, dù trẻ nhỏ, thậm chí người lớn có kỹ năng bơi lội thành thạo, nhưng trước cơn sóng mạnh, sức người nhỏ bé cũng không thể chống lại thiên nhiên và bị cuốn ra xa.

Hướng dẫn trẻ thực hành kỹ năng nổi trên mặt nước. Ảnh: Viện Khoa học An toàn Việt Nam.

Hướng dẫn trẻ thực hành kỹ năng nổi trên mặt nước. Ảnh: Viện Khoa học An toàn Việt Nam.

Địa phương chủ động

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đuối nước là một trong năm nguyên nhân tử vong hàng đầu đối với trẻ em từ 1 - 14 tuổi. Mỗi năm, Việt Nam ghi nhận khoảng 4.000 ca đuối nước, trong đó có khoảng 2.000 trẻ em. Tỷ lệ tử vong do đuối nước tại Việt Nam năm 2021 vào khoảng 7,8 trên 100 nghìn dân, đứng ở mức cao trong khu vực Thái Bình Dương. Đặc biệt, thực tế ghi nhận cho thấy vào mùa hè, tỷ lệ trẻ em bị đuối nước tăng cao gấp hàng trăm lần so với những thời gian khác. Hiện tượng này đã được cảnh báo liên tục hàng năm, nhất là khi trẻ chuẩn bị nghỉ hè, nhưng vẫn lặp đi lặp lại trong sự trăn trở của toàn xã hội.

Không thể phủ nhận những nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các giải pháp để ngăn ngừa tình trạng đuối nước, như đánh giá của bà Kelly Larson - Giám đốc Quỹ Bloomberg Philanthropies, đơn vị đã hỗ trợ phòng chống đuối nước tại Việt Nam kể từ năm 2018. Cụ thể, Chính phủ Việt Nam đã cam kết nguồn lực để đảm bảo trẻ em được học bơi. Chính phủ cũng đã làm việc rất chặt chẽ với các bộ, ngành có liên quan để triển khai chương trình hướng dẫn bơi và kỹ năng đảm bảo an toàn dưới nước cơ bản dành cho trẻ em từ 6 - 15 tuổi trong trường học ở các tỉnh, thành phố tại Việt Nam.

Thực tế tại tất cả các địa phương trên cả nước những năm gần đây phong trào dạy bơi, tập huấn kỹ năng phòng, chống tai nạn đuối nước được quan tâm đầu tư và triển khai thường xuyên, nhất là khi mùa hè đến. Mới đây, ngày 10/5, tại tỉnh Sơn La đã tổ chức tập hợp bơi, phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em cho 350 em học sinh đến từ các trường học trên địa bàn thành phố. Các em được trang bị lý thuyết và thực hành các kỹ năng, kỹ thuật và các kiểu bơi trong cứu đuối như kỹ năng bơi thực dụng, phương pháp hô hấp nhân tạo, cách tiếp cận và tư thế dìu nạn nhân, phương pháp giải thoát trong nước khi bị nạn nhân ôm ghì; hướng dẫn kỹ năng thoát hiểm khi bị đuối nước và hướng dẫn phương pháp sơ cấp cứu ban đầu…

Ngày 6/5, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Công điện về việc tăng cường công tác phòng, chống tai nạn đuối nước trên địa bàn tỉnh. Theo đó, ngoài việc rà soát thực hiện cắm biển cảnh báo, rào chắn thi công tại các hồ, đập, địa phương này còn chú trọng tới việc đảm bảo an toàn tại các công trình như hầm chứa nước, các hố đào chưa kịp san lấp, bố trí các phao cứu sinh bằng lốp xe tại các vùng nước hở để hỗ trợ khi cần thiết. Trước đó, từ ngày 21 đến 25/4, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An đã tổ chức khóa tập huấn cho 92 giáo viên viên thể dục tiểu học, THCS nhằm bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cả lý thuyết lẫn thực hành, kỹ năng dạy bơi, kỹ thuật bơi an toàn và phương pháp cứu đuối nước cho giáo viên. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho mọi người kỹ năng bơi, cách phòng chống tai nạn đuối nước, các phương pháp cứu đuối và sơ cứu người bị nạn.

Là địa phương có mật độ sông suối khá dày đặc cùng với các hồ chứa nước được hình thành từ nhà máy thủy điện, công trình thủy lợi có độ sâu lớn, khi kỳ nghỉ hè ngày càng tới gần cũng là lúc giáo viên tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Nậm Chà (huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu) thường xuyên nhắc nhở, hướng dẫn các em học sinh về việc phòng, chống đuối nước. Không chỉ trực tiếp hướng dẫn các em thực hành mặc áo phao đúng cách, giáo viên cũng dạy các kỹ năng an toàn khác khi tham gia môi trường nước và nhận biết môi trường nước nguy hiểm để không xuống chơi, xuống bơi. Từ đó, giúp các em có kỹ năng nhận biết vùng nước sâu, nguy hiểm để phòng tránh. Nhắc nhở các em không được tắm sông, suối khi không có sự giám sát của người lớn. Khi đi thuyền, bè đánh bắt cá cùng phụ huynh phải mặc áo phao và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn khác… là những điều nhà trường căn dặn các em cũng như nhắn nhủ tới phụ huynh học sinh cùng nhắc nhở, giám sát con em mình để tránh xảy ra tai nạn đáng tiếc.

Học sinh Trường THCS Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) học cách sơ cứu. Ảnh: NTCC.

Học sinh Trường THCS Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) học cách sơ cứu. Ảnh: NTCC.

Theo Giám đốc quốc gia Tổ chức Campaign for Tobacco Free Kids Đoàn Thị Thu Huyền, 6 can thiệp phòng, chống đuối nước ở Việt Nam hiện nay gồm: Làm rào để kiểm soát việc trẻ tiếp cận nguồn nước, tạo môi trường an toàn, tránh xa nguồn nước cho trẻ lứa tuổi mầm non, dạy cho trẻ độ tuổi tiểu học trở lên kỹ năng bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước; đào tạo người dân kỹ năng cứu hộ và sơ cứu; xây dựng và thực thi các quy định về an toàn giao thông đường thủy; xây dựng khả năng chống chịu và quản lý rủi ro và các hiểm họa khác ở cấp độ địa phương và quốc gia.

Cần sự chung tay của toàn xã hội

Theo các chuyên gia, nguy cơ về đuối nước hoàn toàn có thể ngăn chặn và phòng tránh được nếu có những giải pháp quyết liệt và phù hợp. Trong đó, giải pháp từ việc hạn chế các nguy cơ mất an toàn từ môi trường tự nhiên như tăng cường rào chắn, biển cảnh báo nguy hiểm; hệ thống kè sông, hồ phải được nghiên cứu thiết kế chống yếu tố gây nguy hiểm như dốc trượt… từ các cơ quan quản lý. Rà soát trên địa bàn tình trạng bể nước không có nắp đậy, các công trình xây dựng không có rào chắn, thiếu biển báo tại các hố nước hoặc không lấp bỏ các hố nước sau khi kết thúc xây dựng…

Về phía gia đình, đặc biệt là những người trực tiếp chăm sóc trẻ cần được truyền thông để nhận thức rõ tầm quan trọng, sự cần thiết của công tác phòng, chống đuối nước, quan tâm tạo môi trường an toàn cho trẻ em. Khi người lớn thiếu kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước trẻ em, còn chủ quan, thiếu trách nhiệm, chưa thường xuyên nhắc nhở, giám sát trẻ thì sẽ còn những nỗi đau kéo dài.

Công tác dạy bơi, tập huấn kỹ năng an toàn trong môi trường nước, kỹ năng cứu đuối cho trẻ em nói riêng và người dân nói chung cần được quan tâm triển khai sâu rộng bằng các hình thức phù hợp, trong đó cần huy động các nguồn lực xã hội hóa bên cạnh ngân sách của địa phương. Trong đó, cần chú trọng giảng dạy kỹ năng an toàn dưới nước như khuyến cáo của WHO nhằm ngăn ngừa đuối nước.

Ông Nguyễn Trọng An - nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động, thương binh và Xã hội cũ) cho rằng dạy bơi thôi chưa đủ. Bơi lội chỉ là một trong số giải pháp phòng, chống đuối nước ở lứa từ 6 - 7 tuổi trở lên. Trong đó, việc đầu tiên cần dạy trẻ là các kỹ năng sinh tồn khi bị rơi xuống nước. Ông An đề xuất cần đưa môn dạy kỹ năng sinh tồn trong môi trường nước vào môn học bắt buộc trong nhà trường ngay từ mẫu giáo; đồng thời, kiện toàn ngay đội ngũ, mạng lưới nhân viên công tác xã hội bảo vệ trẻ em ở cộng đồng. Từ đó, hỗ trợ và chuyển tải kiến thức kỹ năng bảo vệ trẻ em cho cha mẹ cũng như người chăm sóc trẻ, nhằm phát hiện ngăn chặn sớm các nguy cơ, nguy hiểm có thể xảy ra với trẻ em không chỉ riêng tai nạn đuối nước.

Tuy nhiên, để phòng chống đuối nước trẻ em, cốt lõi của vấn đề là trách nhiệm giám sát và kỹ năng phòng ngừa đuối nước của cha mẹ, người lớn trong gia đình; song song với đó là trang bị đầy đủ kiến thức phòng chống đuối nước và kỹ năng sinh tồn trong môi trường nước cho bản thân trẻ em.

Năm 2030, 70% học sinh được học kiến thức và kỹ năng thực hành phòng, chống đuối nước

Chương trình Tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho học sinh giai đoạn 2025 - 2035.đặt mục tiêu đến năm 2030, 95% cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và các cá nhân liên quan được truyền thông nâng cao nhận thức, kiến thức về phòng, chống đuối nước, đạt 100% vào năm 2035. Đến năm2030, 70% học sinh được học kiến thức và kỹ năng thực hành phòng, chống đuối nước, con số này sẽ tăng lên 90% vào năm 2035. Về cơ sở vật chất, đến năm 2030, tối thiểu 20% trường tiểu học, 15% trường THCS và THPT sẽ có bể bơi cố định hoặc di động, 50% xã, phường, thị trấn có ít nhất một bể bơi để dạy bơi an toàn cho trẻ em và học sinh. Đến năm 2035, tỷ lệ này sẽ tăng lên 30% ở trường tiểu học, 25% ở trung học cơ sở và phổ thông, 70% ở cấp xã, phường, thị trấn.

Hàn Minh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/den-he-lai-lo-duoi-nuoc-10305813.html
Zalo