Không lợi dụng cơ chế bảo vệ cán bộ để bao che hành vi tham nhũng, trục lợi
Chính phủ mới đây đã ban hành Nghị định 73 Quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Đây là bước quan trọng để để thể chế hóa cụ thể Kết luận 14 của Bộ chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, vì lợi ích chung.
Nếu như trước đây, có nhiều rào cản những cán bộ dám nghĩ, dám làm, chủ động đề xuất, thực hiện đổi mới, sáng tạo giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật. Bởi biết đâu đó, điều chờ đợi họ phía trước không phải là thành công, vinh quang mà lại là cánh cửa của “tù tội”. Nhưng với những quy định cụ thể về biện pháp bảo vệ cán bộ tại Nghị định 73 lần này, sẽ phần nào tháo gỡ lực cản tâm lý cho cán bộ, để có nhiều hơn nữa cán bộ dám hành động vì lợi ích chung.
Cán bộ là gốc của mọi công việc. Bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám đổi mới vì lợi ích chung là công cuộc quan trọng, để họ không cảm thấy bị đơn độc trên hành trình của mình. Nếu chúng ta làm tốt được việc này sẽ tạo ra một khí thế mới, một sức bật mới trong công tác quản lý cán bộ, cũng như thúc đẩy sự phát triển đất nước trong điều kiện hội nhập hiện nay.
Chính thức có một Nghị định bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, được miễn trừ trách nhiệm khi động cơ trong sáng là điều cần thiết. Nhưng ranh giới giữa năng động, sáng tạo hành động vì động cơ trong sáng, vì lợi ích chung với với cố ý làm trái, tạo vỏ bọc để che dấu hành vi vi phạm pháp luật, để tham nhũng, trục lợi là điều không phải lúc nào cũng dễ dàng nhận biết.
Nghị định 73 của Chính phủ ngoài giải thích khái niệm, xác định phạm vi bảo vệ cán bộ vì lợi ích chung nghĩa là lợi ích của quốc gia, dân tộc, cộng đồng, còn đề cập tới lợi ích chung là lợi ích của cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên trong thực tế, lợi ích “cơ quan, đơn vị” này chưa chắc đã hướng tới lợi ích chung, lợi ích của đa số, mà có thể bị “mượn danh”. Vì vậy cần phải nhận diện, lường định để ngăn chặn ngay từ ban đầu.
Và mặc dù trong Nghị định 73 cũng quy định rõ một trong những việc cơ quan, tổ chức, cán bộ và cá nhân không được làm là: lợi dụng chính sách, biện pháp bảo vệ cán bộ để thực hiện hoặc bao che hành vi tham nhũng, tiêu cực, trục lợi…nhưng để ngăn chặn được thì trong quá trình thực thi cũng cần phải tăng cường theo dõi, kiểm tra, giám sát.
Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!