Không gian mới, sức bật mới
Dự kiến TP Hà Nội là địa phương có tỷ lệ giảm đơn vị cấp xã sau sắp xếp nhiều nhất (khoảng 76%), đây là thông tin từ Bộ Nội vụ sau khi các tỉnh, TP đã gửi hồ sơ đề án sắp xếp đơn vị hành chín cấp tỉnh, cấp xã.
Việc Hà Nội sắp xếp giảm số lượng lớn đơn vị hành chính cấp xã cho thấy quyết tâm rất cao của TP trong thực hiện chủ trương của T.Ư, đồng thời cũng là cơ hội để tạo ra những không gian mới, sức bật mới trong phát triển.
Tổng hợp ban đầu cho thấy, dự kiến sau sắp xếp, cả nước giảm khoảng 67% đơn vị hành chính cấp xã so với hiện nay, đạt mục tiêu định hướng T.Ư đề ra là giảm từ 60 - 70% số đơn vị cấp xã. Có thể nói, đây là con số mang tính cách mạng, cho thấy những bước đi bài bản, đồng bộ trong triển khai. Như tại Hà Nội, với 526 phường, xã, thị trấn thuộc 30 quận, huyện, thị xã, là địa phương có số đơn vị hành chính cấp xã nhiều thứ hai cả nước (sau tỉnh Thanh Hóa), thực tế này phần nào cho thấy sự khó khăn trong việc sắp xếp. Bởi yêu cầu mà T.Ư đề ra không đơn thuần là giảm về số lượng, mà thông qua sắp xếp, mục tiêu cao nhất là xây dựng chính quyền cấp xã tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân,đồng thời, mở ra không gian phát triển mới.
Bám sát những định hướng, chỉ đạo của T.Ư, TP Hà Nội đã rất chủ động, khoa học và sáng tạo trong xây dựng phương án sắp xếp đơn vị hành chính cơ sở. Trong đó, xác định rõ các đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp phải có vị trí liền kề gắn với yêu cầu định hướng phát triển, để hỗ trợ lẫn nhau, cùng thúc đẩy phát triển. Đồng thời, TP Hà Nội cũng đã tính đến yếu tố quy hoạch, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cơ sở mới không chỉ trong nội bộ mỗi quận, huyện, thị xã với nhau, mà đi theo các trục đường giao thông chính, ranh giới tự nhiên... Cùng với đó, bảo tồn các không gian có ý nghĩa chính trị, quân sự, lịch sử, văn hóa quan trọng.
Có thể nói, với phương án 126 phường, xã mới hình thành sau sắp xếp (giảm hơn 76% số đơn vị hành chính cấp xã so với hiện nay) không chỉ dừng lại ở việc "gom" hay "chia", mà là tạo ra không gian phát triển tối ưu dựa trên những lợi thế sẵn có về địa lý và quy hoạch, nâng cao hiệu quả quản lý, giải quyết dứt điểm những tồn tại lịch sử, như tình trạng địa giới hành chính phức tạp, "cài răng lược"... Có lẽ, điểm nhấn không đơn thuần là những thay đổi cơ học trên bản đồ hành chính khi các phường, xã rất gọn, vuông vức, mà việc sắp xếp một cách khoa học, kỹ lưỡng còn hướng tới tương lai phát triển bền vững và vì lợi ích thiết thực của người dân.
Chính việc sắp xếp kỹ lưỡng, hợp lý về không gian hành chính đó đã nhận được sự đồng thuận từ người dân. Hầu hết các phương án ở 30 quận, huyện, thị xã đều được người dân đón nhận và đồng ý với tỷ lệ rất cao. Điều này càng cho thấy ý nghĩa từ sự dày công nghiên cứu xây dựng phương án sắp xếp của các cơ quan TP.
Cùng với đó, việc đẩy mạnh phân quyền, phân cấp tạo sự chủ động cho địa phương theo tinh thần "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm" gắn với việc triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp cũng đang được thể hiện trong quá trình xây dựng thể chế, văn bản pháp luật. Khi cấp xã mới hình thành sau sắp xếp có quy mô rộng lớn hơn, phù hợp hơn, cùng với đội ngũ cán bộ được lựa chọn kỹ càng theo các tiêu chí, sẽ tạo ra cấp chính quyền cơ sở gần dân, sát dân, phục vụ Nhân dân tốt hơn nữa. Từ đây, hình thành không gian phát triển mới với tư duy mới, sức bật mới, góp phần vào tạo động lực cho địa phương tiếp tục bứt phá, phát triển mạnh hơn nữa.