Không điều trị triệt để viêm tai, trẻ 9 tuổi nguy kịch vì biến chứng áp xe não

Các bác sĩ Bệnh viện Sản nhi Nghệ An vừa phẫu thuật cấp cứu thành công cho một bệnh nhi nguy kịch do viêm tai xương chũm biến chứng áp xe não.

Trẻ 9 tuổi nguy kịch vì viêm tai biến chứng áp xe não. Ảnh: BV

Trẻ 9 tuổi nguy kịch vì viêm tai biến chứng áp xe não. Ảnh: BV

Cụ thể, bệnh nhi T.B.L (9 tuổi, ở Hà Tĩnh) nhập viện trong tình trạng sốt cao, nôn nhiều, đau đầu, đau, sưng tai phải và mệt mỏi li bì. Trước đó 10 ngày, trẻ có biểu hiện sốt nhẹ, cách 3-4 giờ sốt một lần kèm theo đau tai phải. Gia đình nghĩ trẻ bị cúm thông thường nên đưa trẻ đến phòng khám để điều trị nhưng tình trạng không cải thiện, trẻ vẫn đau tai và đau đầu nhiều. Sau đó, gia đình liền đưa trẻ đến Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An để khám và điều trị.

Tại đây, các bác sĩ thăm khám lâm sàng và chỉ định chụp CLVT, kết quả cho thấy khối tổn thương dạng dịch kích thước 31x26x14mm, tỷ trọng cao dạng dịch viêm, trẻ được chẩn đoán viêm tai xương chũm biến chứng áp xe não. Nhận thấy tình trạng nguy kịch của bệnh nhi, các bác sĩ quyết định phẫu thuật khẩn cấp để loại bỏ ổ áp xe, nếu không sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ.

Sau khi hội chẩn với các bác sĩ khoa Cấp cứu, Tai Mũi Họng và Chấn thương Chỉnh hình - Bỏng, ekip phẫu thuật đã tiến hành phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhi. Ca phẫu thuật diễn ra thành công, loại bỏ được ổ bệnh tích ở tai, xương chũm, bộc lộ vùng màng não, tĩnh mạch bên đến đoạn lành và dẫn lưu ổ áp xe não.

Sau phẫu thuật, trẻ được điều trị tích cực và hiện tại tình trạng đã tiến triển tốt. Trẻ đã hết sốt, không còn đau đầu hay nôn mửa, tình trạng nhiễm trùng trở về bình thường. Kết quả chụp cộng hưởng từ kiểm tra lại cho thấy không còn ổ áp xe.

Theo ThS.BS Phan Quang Trung - Phó Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, viêm tai xương chũm cấp tính thường xuất hiện sau viêm tai giữa do không được điều trị triệt để. Bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, trong đó có viêm xương chũm và áp xe não. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến tử vong.

Khi bị áp xe não do tai, bệnh nhân luôn trong tình trạng nhiễm khuẩn, mệt mỏi. Tình trạng thường thấy là chảy mủ tai, ấn vào vùng chũm có phản ứng đau rõ, sưng nề hay xuất ngoại của xương chũm, nghe kém. Ngoài ra, còn có các triệu chứng của áp xe não với các biểu hiện như nhức đầu thành cơn, đau đầu dữ dội kèm theo triệu chứng như: nôn, mờ mắt một bên, sốt kéo dài...

Bác sĩ Trung khuyến cáo, để phòng viêm tai xương chũm ở trẻ thì việc phát hiện sớm, điều trị đúng viêm tai giữa là vô cùng quan trọng. Khi điều trị phòng bệnh viêm tai giữa cho trẻ cần lưu ý vệ sinh mũi họng đúng cách giúp phòng ngừa không bị viêm hô hấp trên, amidan, VA vì các bệnh viêm nhiễm tai mũi họng rất dễ lan sang tai.

Khi điều trị dùng thuốc cần tuân thủ chỉ định các bác sĩ, không được tự ý thay đổi, dừng thuốc để giúp trẻ được điều trị triệt để. Khi có biểu hiện bất thường cần đưa trẻ tới các bệnh viện có chuyên khoa để thăm khám, điều trị kịp thời.

Minh Nhật

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/khong-dieu-tri-triet-de-viem-tai-tre-9-tuoi-nguy-kich-vi-bien-chung-ap-xe-nao-383962.html
Zalo