Không để phát sinh các thủ tục gây khó cho doanh nghiệp

Để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025, cần cắt giảm quy định kinh doanh một cách thực chất và không để phát sinh thủ tục gây khó doanh nghiệp.

Doanh nghiệp vẫn đối diện thách thức

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 1/2025 của Tổng cục Thống kê công bố mới đây cho thấy, tháng 1/2025 số doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động là hơn 33,4 nghìn doanh nghiệp, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2024. Tuy nhiên, trong tháng 1/2025 cũng có hơn 58,3 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 8,1% so với cùng thời điểm năm 2024.

Như vậy, số doanh nghiệp thành lập mới và số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động thấp hơn rất nhiều so với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, qua đó chứng tỏ, khu vực doanh nghiệp vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Cần có chính sách tạo thuận lợi cho khu vực doanh nghiệp hoạt đông, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Ảnh Khánh Linh

Cần có chính sách tạo thuận lợi cho khu vực doanh nghiệp hoạt đông, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Ảnh Khánh Linh

Trao đổi với phóng viên, TS Nguyễn Đình Cung – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, khu vực doanh nghiệp tư nhân vẫn đối mặt với rất nhiều khó khăn, theo đó tỷ lệ doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn ở mức khá cao, điều đó cho thấy môi trường kinh doanh dù đã được cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Theo các chuyên gia kinh tế, khu vực doanh nghiệp chính là ‘xương sống’ của nền kinh tế, là động lực để Việt Nam đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025. Tuy nhiên, trong bối cảnh cộng đồng doanh nghiệp đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức sẽ làm giảm đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, làm ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng trên 8% trong năm 2025 và tăng trưởng 2 con số trong cả giai đoạn 2026-2030 như mục tiêu đã đề ra.

Tại báo cáo Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên được Chính phủ gửi Quốc hội mới đây nêu rõ, tình hình sản xuất kinh doanh một số lĩnh vực còn khó khăn; sức mua thị trường còn yếu, phục hồi chậm. Việc triển khai một số dự án hạ tầng trọng điểm còn vướng mắc; giải ngân vốn đầu tư công còn chậm.

Đặc biệt, thể chế, pháp luật vẫn là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”; tư duy xây dựng pháp luật còn nặng về quản lý hơn là kiến tạo phát triển; một số quy định pháp luật, cơ chế, chính sách còn chậm được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn; phân cấp, phân quyền còn vướng mắc; thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh có lĩnh vực còn rườm rà, ách tắc, gây cản trở phát triển doanh nghiệp và đời sống người dân. Lãng phí vẫn còn trong nhiều ngành, lĩnh vực, làm suy giảm nguồn lực, bỏ lỡ thời cơ cho phát triển của đất nước.

Cũng liên quan đến khăn của doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng: Các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các nước trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt là về giá thành, chất lượng và công nghệ, trong khi năng lực cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam còn hạn chế về công nghệ, quản lý, nguồn nhân lực và khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Doanh nghiệp là động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế. Ảnh minh họa

Doanh nghiệp là động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế. Ảnh minh họa

Tiếp tục đơn giản hóa thủ tục, điều kiện kinh doanh

Trao đổi với phóng viên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Chính phủ đã trình Trung ương Đảng, Quốc hội quyết nghị mục tiêu tăng trưởng năm 2025 là 6,5-7%, phấn đấu 7-7,5%, đồng thời, yêu cầu phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP năm 2025 cao hơn mục tiêu đề ra, từ 8% trở lên.

“Đây là nhiệm vụ lớn đặt ra trong bối cảnh thế giới dự báo tiếp tục diễn biến rất phức tạp, nhiều khó khăn, thách thức lớn, yếu tố rủi ro, khó lường, tiềm ẩn tác động không nhỏ đến kinh tế nước ta” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2025, tại báo cáo gửi Quốc hội mới đây, Chính phủ cũng đề ra giải pháp: “Tập trung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh một cách thực chất, hiệu quả, sửa đổi bổ sung hoặc bãi bỏ thủ tục hành chính, quy định không cần thiết; không để phát sinh thủ tục, quy định kinh doanh, tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật mới không phù hợp, làm tăng chi phí, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp”.

Cùng với đó, để thúc đẩy đầu tư tư nhân và công nghiệp chế biến chế tạo, Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo mọi điều kiện giải quyết nhanh các thủ tục đầu tư, các khó khăn vướng mắc trong hoạt động đầu tư kinh doanh, khuyến khích đầu tư của mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước lớn, khu vực tư nhân, các doanh nghiệp lớn, có tác động và đóng góp lớn đối với nền kinh tế. Sửa đổi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Xây dựng cơ chế ưu tiên hình thành phát triển lực lượng sản xuất mới, xây dựng cơ chế, chính sách phát triển mạnh doanh nghiệp dân tộc, quy mô lớn.

Nâng cao hơn nữa vai trò của doanh nghiệp nhà nước để tập trung đầu tư các dự án lớn, trọng tâm, trọng điểm, có tác động lan tỏa, tạo động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường gắn kết chặt chẽ giữa các khu vực doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI. Kiên quyết cắt bỏ cơ chế “xin-cho”, đầu tư công dàn trải.

Xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi

Đồng tình với quan điểm cải thiện môi trường kinh doanh nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2025, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng: Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, hướng tới xây dựng một môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, đồng hành và chia sẻ khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp bằng những hành động cụ thể, nhằm xử lý dứt điểm những điểm nghẽn về môi trường kinh doanh.

“Vì cái quan trọng nhất của đầu tư tư nhân không phải là ưu đãi về tiền bạc mà cần một cơ chế thuận lợi, minh bạch, đồng hành đáng tin cậy, ổn định đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp” – TS Nguyễn Đình Cung khẳng định.

Trong khi đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025, bên cạnh giữ vững ổn định về kinh tế, chính trị, xã hội, Việt Nam cần tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh. Qua đó, củng cố niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư về triển vọng phát triển kinh tế, để doanh nghiệp cam kết đầu tư, gắn bó lâu dài, đồng hành cùng với sự phát triển của Việt Nam.

Tổng cục trưởng Thống kê Nguyễn Thị Hương thì cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng trên 8% trong năm 2025, Việt Nam cần tăng cường các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận với vốn vay ưu đãi, lãi suất hợp lý; hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận nguồn lực hỗ trợ của nhà nước; cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; cung cấp thông tin thị trường và hỗ trợ pháp lý trong thương mại, đầu tư quốc tế, cập nhật thông tin đầy đủ, chính xác, thường xuyên những thông tin quy định chính sách của các thị trường xuất khẩu chủ yếu như châu Âu, Mỹ, Canada, Nhật Bản…

Tháng 1/2025, cả nước có gần 10,7 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký đạt gần 94,1 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký là 81,5 ghìn lao độngn, giảm 30,3% về số doanh nghiệp và giảm 39,3% về vốn đăng ký và giảm 22,3% về số lao động so với cùng kỳ năm 2024.

Nguyễn Hòa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/khong-de-phat-sinh-cac-thu-tuc-gay-kho-cho-doanh-nghiep-372991.html
Zalo