Thaco sẽ làm đường sắt đô thị, Hòa Phát đầu tư nhà máy ray 10.000 tỷ đồng

Lãnh đạo Tập đoàn Thaco Trường Hải cho biết sẽ tập trung tham gia vào làm đường sắt đô thị, đặc biệt là các toa tàu, các cấu kiện thép, trong khi lãnh đạo Tập đoàn Hòa Phát nói có thể đầu tư nhà máy sản xuất ray, khoảng 10.000 tỷ đồng.

"Ông lớn" liên kết, dìu dắt DN nhỏ

Đáp lại lời mời gọi "doanh nghiệp có thể đăng ký làm và đề xuất cơ chế chính sách để thực hiện các công việc lớn của đất nước" mà Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu tại hội nghị Thường trực Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp sáng nay (10/2), ông chủ của những tập đoàn lớn nhất nước đã có những kiến nghị để "khởi động" những dự án lớn.

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Trường Hải (Thaco) cho biết sẽ tập trung tham gia vào làm đường sắt đô thị, đặc biệt là các toa tàu, các cấu kiện thép.

“Với lực lượng kỹ sư cũng như kinh nghiệm về nghiên cứu phát triển sản phẩm, hợp tác quốc tế, tôi xin hứa với Thủ tướng, chúng tôi sẽ có sự chuyển giao công nghệ hợp lý, tổ chức sản xuất tại chỗ nhằm giảm giá thành và sản phẩm này sẽ có sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam, chịu trách nhiệm về chất lượng và giá thành.

Thông qua các dự án lớn, sẽ giúp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi sản xuất, cũng như liên kết để đặt hàng thép chế tạo theo đúng tiêu chuẩn của sản phẩm”, Chủ tịch Thaco nói.

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Trường Hải (Thaco). Ảnh: VGP

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Trường Hải (Thaco). Ảnh: VGP

Tháng 9 tới, tập đoàn sẽ khởi công Khu công nghiệp cơ khí hỗ trợ tại Bình Dương với quy mô hơn 700ha.

Đối với nông nghiệp, Thaco đã hình thành mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, tích hợp tuần hoàn trên nền tảng hữu cơ và đã thành công tại Campuchia, Lào và "xin nhận trách nhiệm hình thành một mô hình sản xuất tại cao nguyên".

“Tôi hy vọng mô hình này sẽ giúp đất nước trở thành một quốc gia sản xuất nông nghiệp hiệu quả, có thương hiệu và cạnh tranh được với các nước có nền nông nghiệp phát triển”, ông Dương nói.

Tuy nhiên, ông Dương cho biết, hiện cao nguyên gặp khó khăn do quy hoạch và hệ thống thủy lợi chưa đồng bộ, do đó nông dân có người làm thành công, có người chưa thành công, có lúc thành công, có lúc không.

Liên quan logistics, ông Dương cho biết, tập đoàn đã thành công với cảng 50.000 tấn chuyên dụng về container, đồng thời có kết nối với nam Lào, bắc Campuchia và Tây Nguyên.

Vừa qua, Thủ tướng đã xử lý vấn đề luồng 5 vạn tấn do tập đoàn tự đầu tư xây dựng. Nếu thể chế làm nhanh và có đặc thù, ông Dương hứa với Thủ tướng sẽ cố gắng đến đầu năm 2026 đưa vào vận hành. Khi vận hành, công ty cũng đã đầu tư hai tàu có trọng tải 1.800 TEU để kết nối từ Chu Lai đi thẳng qua Thượng Hải (Trung Quốc), từ đó đi châu Âu, Mỹ, đi Đông Bắc Á. Khi đó, chắc chắn chi phí logistics tại miền Trung sẽ tương đương với 2 miền Nam - Bắc.

Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hòa Phát. Ảnh: VGP

Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hòa Phát. Ảnh: VGP

Còn ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hòa Phát cho hay, trong kế hoạch 2025-2030 vốn đầu tư công rất lớn, đặc biệt là dự án đường sắt đô thị Hà Nội, TPHCM, dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Đây là thời cơ rất lớn cho doanh nghiệp.

“Thời gian tới, Hòa Phát có thể đầu tư nhà máy sản xuất ray, vốn 10.000 tỷ đồng. Đây là sản phẩm rất đặc thù, nếu không sử dụng cho dự án thì không biết bán cho ai. Cho nên chúng tôi rất mong có một văn bản như một nghị quyết để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư và sản xuất sản phẩm phục vụ dự án.

Chúng tôi xin hứa đảm bảo cung cấp thép chế tạo cho Tổng công ty Đường sắt để làm dự án. Theo dự kiến, cần khoảng 10 triệu tấn thép, Hòa Phát cam kết đảm bảo số lượng 10 triệu tấn, chất lượng, tiến độ giao hàng và giá thấp hơn giá nhập khẩu”, ông Long nói.

Tư nhân tiên phong trong lĩnh vực mới

Ông Nguyễn Việt Quang, Tổng giám đốc Vingroup cho biết, những năm qua, tập đoàn đã nỗ lực đầu tư vào các lĩnh vực mang tính chiến lược như hạ tầng năng lượng, kinh tế xanh, kinh tế số, công nghiệp hỗ trợ nhằm góp phần hiện thực hóa tầm nhìn phát triển bền vững.

Trong đó, Vinfast không chỉ đơn thuần sản xuất xe điện mà còn tập trung xây dựng chuỗi công nghiệp hỗ trợ từ sản xuất pin, trạm sạc cho đến các giải pháp năng lượng thông minh.

Ông Nguyễn Việt Quang, Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup. Ảnh: VGP

Ông Nguyễn Việt Quang, Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup. Ảnh: VGP

Bên cạnh đó, Vingroup cũng thúc đẩy ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số trong quản lý vận hành. Các lĩnh vực về nghiên cứu phát triển trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn được triển khai để tối ưu hóa sản xuất, gia tăng trải nghiệm cho khách hàng.

Ông Quang cho biết, mới đây Vingroup đã đặt chân vào lĩnh vực robot học, người máy đa năng với việc thành lập 2 công ty mới là VinRobotics, VinMotion để phát triển các giải pháp tối ưu cho doanh nghiệp và tạo ra những lợi ích thiết thực bền vững và nhân văn cho con người.

Cho rằng chuyển đổi phương tiện gây ô nhiễm, phát triển công nghệ số đòi hỏi phải phát triển năng lượng, Tổng giám đốc Vingroup đề xuất có cơ chế chính sách thông thoáng hơn để mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia kinh doanh điện, góp phần đảm bảo đủ sản lượng, giảm giá thành điện.

“Vingroup cam kết đóng vai trò là một trong những doanh nghiệp tiên phong thúc đẩy sự đổi mới và phát triển bền vững của đất nước. Chúng tôi tin rằng, với sự đồng hành và hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ban ngành, doanh nghiệp tư nhân có cơ hội vươn xa, góp phần xây dựng một nền kinh tế thịnh vượng xanh và bền vững”, ông Quang nói.

Ông Lê Văn Kiểm, Chủ tịch KN Holdings. Ảnh: VGP

Ông Lê Văn Kiểm, Chủ tịch KN Holdings. Ảnh: VGP

Trong khi đó, ông Lê Văn Kiểm, Chủ tịch KN Holdings đề xuất, Chính phủ sớm thông qua Quy hoạch điện VIII điều chỉnh, cũng như thông qua Kế hoạch triển khai các nguồn năng lượng tái tạo giai đoạn đến năm 2030.

Đối với các dự án năng lượng mặt trời, ông kiến nghị đầu tư hệ thống pin tích trữ để bảo đảm tối ưu vận hành và bảo đảm không bị quá tải của hệ thống.

Nghị định 80/2024/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế mua bán điện trực tiếp đã được ban hành từ tháng 7/2024, nhưng vẫn chưa có các thông tư hướng dẫn chi tiết, cũng như quy định cụ thể về các loại phí liên quan.

Do đó, ông Kiểm mong Chính phủ quan tâm, chỉ đạo sớm hoàn thiện khung pháp lý để nghị định nhanh chóng đi vào thực tiễn, giúp doanh nghiệp tiếp cận năng lượng sạch và nâng cao sức cạnh tranh trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nguyễn Lê

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/thaco-se-lam-duong-sat-do-thi-hoa-phat-dau-tu-nha-may-san-xuat-ray-2370031.html
Zalo