Không để đề tài nghiên cứu khoa học chỉ 'xếp vào ngăn kéo tủ'
Thảo luận tại Tổ 2, Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh, sáng 15.2, các đại biểu đề nghị cần tập trung vào những cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học và hướng tới kết quả thực chất, thay vì chỉ 'xếp vào ngăn kéo tủ'.
Khuyến khích đầu tư, đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu
Góp ý về tên gọi của dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, ĐBQH Phan Văn Mãi đề nghị, nghiên cứu chỉnh sửa theo hướng “Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm phát triển đột phá khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”. Theo đại biểu, tên gọi này thể hiện mạnh mẽ quan điểm, chủ trương của Đảng về thực hiện mục tiêu phát triển đột phá trong hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
![ĐBQH Phan Văn Mãi (TP. Hồ Chí Minh) phát biểu. Ảnh: T.Chi](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_592_51483851/2057fffcccb225ec7ca3.jpg)
ĐBQH Phan Văn Mãi (TP. Hồ Chí Minh) phát biểu. Ảnh: T.Chi
Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, đại biểu Phan Văn Mãi đề nghị, dự thảo Nghị quyết cần mở rộng phạm vi hơn nhằm huy động được toàn bộ năng lực quốc gia có liên quan để phát triển đột phá khoa học công nghệ, đối mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Đại biểu nhấn mạnh, đầu tư vào lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia gồm đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn ngoài ngân sách nhà nước. Do vậy, dự thảo Nghị quyết cần tập trung đề xuất được những cơ chế, chính sách đặc thù, đột phá để khuyến khích được các nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực này. Cần đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học.
Đối với những tài sản hiện hữu hình thành từ ngân sách Nhà nước, đại biểu cho rằng, nên để cho tổ chức khoa học công nghệ được mượn, trưng dụng cho hoạt động nghiên cứu khoa học, sau khi hoàn tất quá trình nghiên cứu khoa học thì trả lại cho Nhà nước.
Đối với những trang thiết bị được mua sắm để phục vụ hoạt động nghiên cứu, sau khi hoàn tất nghiên cứu, trừ đi khấu hao tài sản thì có thể giao lại cho đơn vị nghiên cứu khoa học, coi như là tài sản của đơn vị đó.
![Thảo luận tại Tổ 2 (Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh). Ảnh: T.Chi](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_592_51483851/2f0ecca5ffeb16b54ffa.jpg)
Thảo luận tại Tổ 2 (Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh). Ảnh: T.Chi
Đối với tài sản hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học, đại biểu Phan Văn Mãi đề xuất, nên để tổ chức, nhóm nghiên cứu, tác giả sở hữu và mạnh dạn cho phép tổ chức, nhóm nghiên cứu, tác giả được hưởng lợi từ kết quả nghiên cứu sau khi kết quả nghiên cứu được thương mại hóa.
"Nếu kết quả nghiên cứu khoa học sau khi thương mại hóa được 500 tỷ đồng thì anh được hưởng 300 tỷ, 200 tỷ còn lại anh trả lại cho nhà nước và số tiền này đóng góp vào quỹ phát triển khoa học công nghệ của đơn vị đó, của tỉnh thành đó, của trung ương…”.
Với đề xuất trên, đại biểu Phan Văn Mãi tin rằng, sẽ khuyến khích tổ chức nghiên cứu tập trung vào nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học hướng tới kết quả thực chất thay vì chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu khoa học để lấy tiền nghiên cứu là xong, còn kết quả nghiên cứu không có giá trị sử dụng và đề tài nghiên cứu chỉ đem “xếp vào ngăn kéo tủ”.
Làm rõ hơn phạm vi và đối tượng áp dụng
Cũng góp ý về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự thảo Nghị quyết, ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân và ĐBQH Trương Trọng Nghĩa nêu vấn đề, dự thảo Nghị quyết quy định về thí điểm một số cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ chi tiêu tài chính từ ngân sách nhà nước, hoạt động của tổ chức và nhân lực trong tổ chức khoa học, công nghệ công lập.
![ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân phát biểu. Ảnh: T.Chi](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_592_51483851/8426618d52c3bb9de2d2.jpg)
ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân phát biểu. Ảnh: T.Chi
"Như vậy, Nghị quyết có áp dụng đối với các trường đại học hay không?" Đặt câu hỏi này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng cho biết, các trường đại học hiện nay không được coi là các tổ chức khoa học công nghệ công lập mà là cơ sở giáo dục công lập.
Theo đại biểu Nguyễn Thiện Nhân, các trường đại học chiếm tới 65-70% năng lực nghiên cứu khoa học của cả nước, bao gồm cả đội ngũ nhân lực, cơ sở vật chất và trang thiết bị nghiên cứu; nếu các chính sách, cơ chế thì điểm này không áp dụng đối với các trường đại học sẽ vô cùng lãng phí. Ngoài các viện hàn lâm, viện nghiên cứu, trường đại học…, các bệnh viện cũng là những đơn vị phải thực hiện rất nhiều nhiệm vụ nghiên cứu. Vậy các bệnh viện có thuộc đối tượng áp dụng của dự thảo Nghị quyết hay không?
![Các ĐBQH TP. Hồ Chí Minh thảo luận tại Tổ. Ảnh: T.Chi](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_592_51483851/2cf6c55df6131f4d4602.jpg)
Các ĐBQH TP. Hồ Chí Minh thảo luận tại Tổ. Ảnh: T.Chi
Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, trong các tổ chức khoa học, công nghệ có những tổ chức có tư cách pháp nhân và có những tổ chức không có tư cách pháp nhân, ví dụ phòng thí nghiệm trực thuộc 1 cơ quan nào đó. Do đó, cần làm rõ để dễ áp dụng trong thực tiễn.
ĐBQH Vũ Hải Quân cho biết, hiện nay một số trường đại học công lập đang thực hiện cơ chế tự chủ và Nhà nước cắt ngân sách cấp cho những trường thực hiện cơ chế tự chủ. Các trường đại học đều hoạt động phi lợi nhuận nên hàng năm nhà trường hầu hết là không dư nguồn lực để đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học. Từ thực tế này, đại biểu đề nghị, không áp dụng thu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các tổ chức khoa học, công nghệ công lập và các cơ sở giáo dục đại học công lập.