Không chỉ Việt Nam, nhà ở vừa túi tiền là thách thức của nhiều quốc gia châu Á

Điểm chung của nhiều quốc gia châu Á hiện nay đó là mức độ gia tăng nguồn cung nhà ở vừa túi tiền đang không theo kịp tốc độ gia tăng dân số.

Nhà ở vừa túi tiền là thách thức lớn với nhiều thành phố hạng 1 ở châu Á. Ảnh: Shutterstock.

Nhà ở vừa túi tiền là thách thức lớn với nhiều thành phố hạng 1 ở châu Á. Ảnh: Shutterstock.

Theo Savills, nhìn chung các quốc gia trong khu vực đang phải đối mặt với nhiều thách thức về vấn đề nhà ở, trong đó, nổi cộm là câu chuyện nguồn cung nhà ở vừa túi tiền không theo kịp đà tăng dân số tại các đô thị, nhất là các đô thị cấp 1.

Ví dụ với trường hợp của Trung Quốc, theo Savills, Trung Quốc là quốc gia duy nhất trong khu vực đã phát triển một số lượng lớn nhà ở trong thập kỷ qua dù tốc độ tăng trưởng dân số đã chững lại. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa tại đây vẫn tiếp diễn, đặc biệt là xu hướng di cư của người lao động từ các khu vực tỉnh lẻ đến các thành phố hạng 1 như Thượng Hải và Bắc Kinh.

Tuy nhiên, khả năng chi trả nhà ở không phải là vấn đề của tất cả các thành phố tại Trung Quốc, mà chủ yếu tập trung vào các thành phố hạng 1 và hạng 2. Lý do đến từ việc các doanh nghiệp hầu hết có xu hướng tập trung quanh một vài thành phố chính tạo ra nguồn cung lớn về việc làm, thu hút lực lượng lao động tài năng. Ở Trung Quốc, bất động sản là một kênh đầu tư được ưa chuộng trong khi nền kinh tế chung có ít lựa chọn đầu tư thay thế. Chi phí sở hữu bất động sản tại đây khá thấp, vì vậy nhiều nhà đầu tư sẵn sàng mua bất động sản dù sau đó bỏ trống, làm hạn chế cơ hội tiếp cận nhà ở của những người còn lại. Do đó, hiện tại Chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực giải quyết những vấn đề này bằng định hướng khuyến khích phát triển nhà ở cho thuê.

Câu chuyện tương tự cũng đang diễn ra tại Nhật Bản, khi các thành phố lớn và năng động như Tokyo và Osaka vẫn đang ghi nhận xu hướng gia tăng dân số, trong khi bức tranh dân số chung tại quốc gia này đang có xu hướng giảm. Điều này dẫn đến thực tế nguồn cung nhà ở mới trở nên hạn chế, càng đẩy thêm sự thiếu hụt nhà ở phải chăng tăng cao.

Tại Singapore, dù có nhiều khác biệt trên thị trường nhà ở, nhưng thách thức về nhà ở vừa túi tiền cũng đang ngày một lớn. Theo Savills, ở Singapore có hai loại hình nhà ở chính: nhà ở bình dân (public housing) và nhà ở tư nhân (private housing). Hơn ba phần tư dân số sống trong khu nhà ở bình dân được xây dựng bởi Hội đồng Phát triển Nhà ở (HDB). Thị trường nhà ở tư nhân hoặc “chung cư” cũng được quản lý chặt chẽ để bảo vệ quyền lợi của công dân và thường trú nhân. Ở đây, người nước ngoài mua bất động sản phải trả 60% thuế trước bạ. Tuy nhiên, sự gia tăng dân số kể từ giai đoạn đại dịch đã thúc đẩy giá thuê và giá bán của thị trường chung cư tăng mạnh.

Bình Minh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/khong-chi-viet-nam-nha-o-vua-tui-tien-la-thach-thuc-cua-nhieu-quoc-gia-chau-a-post351618.html
Zalo