Không chỉ do nghỉ chơi với Nga, 'cơn ác mộng' của kinh tế Đức còn đến từ một đồng minh thân thiết

Chưa đầy 24 giờ sau khi ông Donald Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ vào tháng 11/2024, hãng Thông tấn nhà nước Đức Deutsche Welle đã đăng một bài viết với tiêu đề 'Chiến thắng bầu cử của ông Trump là cơn ác mộng đối với Đức'.

Vài giờ sau, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố, liên minh chính trị ba đảng của ông đã sụp đổ. Những bất đồng trong cách giúp củng cố nền kinh tế yếu kém là một yếu tố chính, nhưng ông Scholz đề cập rằng, kết quả bầu cử Mỹ cũng góp phần khiến liên minh nhanh chóng tan rã.

Không chỉ do nghỉ chơi với Nga, 'cơn ác mộng' của kinh tế Đức còn đến từ một đồng minh thân thiết. (Nguồn: FT)

Không chỉ do nghỉ chơi với Nga, 'cơn ác mộng' của kinh tế Đức còn đến từ một đồng minh thân thiết. (Nguồn: FT)

Một tháng sau, Thủ tướng Scholz thua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm, chấm dứt chính phủ liên minh mà ông đã lãnh đạo kể từ năm 2021. Đức sẽ có cuộc bầu cử liên bang sớm vào ngày 23/2 tới.

"Một bước ngoặt" không dễ chịu

Đức được coi là một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở Tây Âu, hợp tác trong mọi lĩnh vực, từ thương mại, kinh tế đến quốc phòng quân sự.

Nhưng, theo giới phân tích quốc tế, điều này có thể thay đổi khi ông Trump trở lại nắm quyền tại Nhà Trắng. Cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel đã từng chia sẻ quan điểm vào tháng 11/2024 rằng, nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Trump đang đến gần "là một thách thức đối với thế giới, đặc biệt là đối với chủ nghĩa đa phương". Trong khi đó, nhiều chính trị gia Đức không khỏi lo ngại rằng, chính quyền Tổng thống Donald Trump sắp tới có thể sẽ không thân thiện với mối quan hệ Đức-Mỹ.

Thật vậy, cách tiếp cận lấy Mỹ làm trung tâm của Tổng thống đắc cử Donald Trump đối với các vấn đề quốc tế được giới chuyên gia đánh giá là trái ngược với tinh thần của chủ nghĩa đa phương - ý tưởng mà các quốc gia khác nhau hợp tác với nhau sẽ giúp ích cho tất cả mọi người có liên quan.

Chưa đề cập các vấn đề sâu xa khác, mối quan ngại trước mắt của Đức bao gồm, khả năng Tổng thống Mỹ thứ 47 có thể sẽ phát động một cuộc chiến thương mại do quan điểm thuế quan của ông gây ra, cũng như khả năng ông Trump sẽ rút lại hỗ trợ tài chính và quân sự cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.

Cả hai kịch bản này đều sẽ gây tổn hại thêm cho nền kinh tế vốn yếu kém của Đức - đặc biệt là khi Đức hiện là nhà tài trợ lớn thứ ba cho Ukraine, chỉ sau Mỹ và Liên minh châu Âu. Họ chắc chắn sẽ phải đứng ra gánh vác nhiều hơn nữa khoản hỗ trợ tài chính này, nếu Mỹ ngừng cấp tiền cho Kiev.

Đến nay, các chính trị gia Đức vẫn sửng sốt trước phong cách chính trị đặc biệt của ông Trump, mặc dù ông ấy đã từng có một nhiệm kỳ là tổng thống của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Chia sẻ về lần đầu gặp Tổng thống Trump vào năm 2017, bà Angela Merkel viết trong hồi ký rằng - bà nhận thấy ông Trump không hề giống những chính trị gia Mỹ khác. Ông ấy dường như nghĩ rằng, tất cả các quốc gia đều cạnh tranh và thành công của một quốc gia này có nghĩa là thất bại của quốc gia khác. Đó không phải là hình mẫu Tổng thống Mỹ mà bà Merkel và những người Đức khác từng quen.

Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự vào Ukraine, hồi tháng 2/2022, cách tiếp cận của Đức đối với các cuộc xung đột quốc tế đã thay đổi đáng kể và cuối cùng nước này đã bước vào vai trò lãnh đạo không mong muốn, theo giới phân tích chính trị quốc tế bình luận. Trong bài phát biểu mang tính lịch sử vào ngày 27/2/2022, Thủ tướng Scholz gọi cuộc xung đột Nga-Ukraine là "Zeitenwende", có nghĩa là "Một bước ngoặt" trong tiếng Đức và tuyên bố sẽ tăng đáng kể chi tiêu quân sự.

Mỹ và các đồng minh phương Tây khác đã hoan nghênh sự thay đổi này. Tuy nhiên, đối với kinh tế Đức, "Một bước ngoặt" trong giai đoạn này không hoàn toàn dễ chịu.

Mặc dù các thành viên NATO đã đồng ý đầu tư tối thiểu 2% GDP của họ vào chi tiêu quốc phòng từ năm 2006, nhưng Đức - giống như các nước châu Âu khác - đã không thực hiện cam kết này trong nhiều năm.

Chỉ đến tháng 2/2024, Đức mới đạt được mục tiêu chi tiêu 2% lần đầu tiên sau khi cuộc xung đột Nga-Ukraine đang diễn ra.

Việc nước này làm được như vậy không chỉ là kết quả của cuộc xung đột đó. Áp lực từ các tổng thống Mỹ, đặc biệt là ông Trump đã đóng một vai trò quan trọng. Lời kêu gọi, thậm chí là đe dọa của ông Trump trong suốt nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên là "trả hóa đơn của các người hoặc chúng tôi sẽ rời khỏi NATO" dường như đã có hiệu quả.

Chính phủ Đức có lẽ sẽ phải nhắc nhở ông Tổng thống Mỹ sắp nhậm chức về lịch sử quan hệ Đức-Mỹ và nhiều lợi ích của liên minh xuyên Đại Tây Dương giữa hai cường quốc kể từ năm 1945.

Điều khó nói của Berlin

Tờ Spiegel mới đây đưa tin, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã hoãn phê duyệt gói viện trợ quân sự lớn mới cho Ukraine. Trước đó, chính phủ Đức đã phải tranh luận về vấn đề này trong suốt nhiều tuần.

Dựa trên yêu cầu của Kiev, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock từ đảng Xanh và Bộ trưởng Quốc phòng Boris Pistorius từ đảng Dân chủ xã hội được cho là đã đề xuất phân bổ thêm 3 tỷ Euro để cung cấp cho Ukraine các loại vũ khí cần thiết trước cuộc bầu cử sớm của nước này (ngày 23/2).

Hai bộ trưởng của Đức tin tưởng gói viện trợ sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Kiev, rằng sự ủng hộ của Berlin sẽ không giảm trong thời gian tới. Họ dự định yêu cầu Ủy ban Ngân sách Quốc hội Đức phê duyệt khoản chi tiêu khẩn cấp, viện dẫn tình hình thực tế khi lực lượng Nga lấn át Ukraine ở mặt trận phía Đông và sự không chắc chắn về các khoản viện trợ trong tương lai của Mỹ dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump.

Tuy nhiên, kể từ tháng 1/2025, tiến độ thực hiện gói viện trợ này đã bị đình trệ vì Thủ tướng Đức Scholz phản đối. Văn phòng của ông Scholz lập luận, gói cứu trợ này không thực sự cấp thiết và các khoản viện trợ theo kế hoạch sẽ vẫn đủ trong ngắn hạn. Họ không muốn áp đặt các quyết định lên chính phủ mới, dự kiến được thành lập sau cuộc bầu cử sớm, theo Spiegel.

Trên thực tế, nếu không có sự chấp thuận của ông Scholz, gói cứu trợ không thể được thông qua. Các nguồn tin trong đảng Dân chủ xã hội Đức cho rằng, mục đích thực sự của ông Scholz là cuộc bầu cử, vì ông lo ngại mất đi sự ủng hộ của những cử tri vẫn đang phân vân. Ngược lại, đảng Xanh hy vọng sẽ ghi điểm bằng cách ủng hộ việc tăng chi tiêu quốc phòng và hỗ trợ tích cực cho Ukraine.

Trong khi đó, vẫn đang xuất hiện thêm dấu hiệu về tình trạng khó khăn của kinh tế Đức. Lượng đơn đặt hàng công nghiệp của Đức đã giảm 5,4% trong tháng 11/2024. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy những khó khăn mà nền kinh tế lớn nhất châu Âu phải đối mặt. Theo số liệu chính thức, đơn đặt hàng công nghiệp của Đức trong tháng 11/2024 đã giảm 5,4% so với tháng trước đó, sau khi giảm 1,5% trong tháng 10/2024.

Trước đây, ngành công nghiệp Đức trở nên giàu có, một phần nhờ vào mối quan hệ thương mại năng lượng chặt chẽ với Nga. Tuy nhiên, kể từ khi bùng phát xung đột quân sự tại Ukraine, kinh tế Đức như "bị đánh vào xương sống" khi nền công nghiệp hùng mạnh mất đi nguồn khí đốt quan trọng và giá rẻ từ Nga.

Ngoài ra, nhu cầu toàn cầu yếu, sự cạnh tranh khốc liệt từ Trung Quốc và giá năng lượng tăng cao đã giáng thêm một "đòn chí tử" vào nền công nghiệp Đức - chiếm khoảng 1/5 sản lượng kinh tế của nước này.

Chuyên gia kinh tế Jens-Oliver Niklasch tại ngân hàng Landesbank Baden-Wuerttemberg cho biết, nhìn chung, các số liệu cho thấy ngành công nghiệp Đức hoạt động kém hiệu quả trong năm 2024. Tình hình dường như sẽ không khả quan hơn trong năm 2025, khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump quay lại Nhà Trắng cùng những chính sách khó có thể dự đoán.

Theo chuyên gia kinh tế Carsten Brzeski tại ING, các số liệu cho thấy Đức có khả năng đang trong thời kỳ suy thoái nhẹ. Chính phủ Đức ước tính GDP sụt giảm 0,2% trong năm 2024, đánh dấu năm thứ hai liên tiếp đi xuống, sau khi GDP giảm 0,3% trong năm 2023.

Minh Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/khong-chi-do-nghi-choi-voi-nga-con-ac-mong-cua-kinh-te-duc-con-den-tu-mot-dong-minh-than-thiet-300465.html
Zalo