Không chăm cha mẹ già, tôi xấu hổ khi được thừa kế nhiều hơn các em

Đất của cha mẹ được chia cho tôi một nửa, 2 em chia đôi phần còn lại; nội dung di chúc này khiến tôi xấu hổ vì tôi là anh cả nhưng ở xa, không ở bên cha mẹ cuối đời.

Tôi năm nay 55 tuổi, là con trai cả trong một gia đình ba anh em. Cha mẹ tôi sống ở một vùng quê nhỏ, quanh năm làm nông, tích cóp từng đồng để nuôi ba đứa con ăn học. Tôi là người đầu tiên trong họ hàng được vào đại học. Cũng vì thế, từ nhỏ tôi đã mang theo áp lực “làm anh phải làm gương, thành đạt để ba mẹ nở mày nở mặt”.

Sau khi tốt nghiệp, tôi xin được việc làm ở một công ty xây dựng, rồi định cư ở thành phố cách nhà 400km. Vì công việc bận rộn, thường xuyên phải đi công tác, những năm gần đây, tôi không có điều kiện để thường xuyên về quê thăm nom cha mẹ già ngoài 80 tuổi.

Em trai tôi sau khi trưởng thành cũng đi làm ăn xa, sống ở thành phố lớn. Tôi nhiều lần ngỏ lời đón bố mẹ đến sống cùng mình nhưng hai cụ đều không đồng ý rời quê. May mắn là em gái út làm giáo viên trường THCS ở quê, lấy chồng cùng xã nên có điều kiện thường xuyên qua lại chăm sóc cha mẹ.

Tôi rất thương bố mẹ tuổi già phải sống một mình, không có con cái ở bên để chăm sóc sớm hôm, nhưng họ luôn an ủi tôi, bảo rằng bản thân vẫn sống tốt, khỏe mạnh, con không phải lo. Tháng nào tôi cũng gửi tiền cho cha mẹ khoảng 5 triệu đồng, thỉnh thoảng gửi quà bánh, thuốc bổ.

Ngay từ những ngày đầu chọn làm việc ở thành phố, tôi luôn nung nấu ý định khi có chút vốn, không còn phải vất vả mưu sinh nữa thì sẽ trở về quê để có cuộc sống an nhàn với vườn ruộng bên cạnh cha mẹ, nhưng ước mong nhỏ nhoi đó chưa bao giờ thành hiện thực.

(Ảnh minh họa: AI)

(Ảnh minh họa: AI)

Năm ngoái, mẹ tôi đột ngột qua đời vì bệnh tim. Sau đám tang, cha tôi yếu dần. Ông ít nói, ít ra ngoài, sợ có mệnh hệ nào nên nghe lời mọi người khuyên, muốn lập di chúc. Vì ở gần, em gái út của tôi nhận trách nhiệm nhờ luật sư đến và hoàn tất thủ tục.

Tôi không về chăm sóc dài ngày được vì công việc không cho phép nên phải thuê một người cùng làng đến nhà cha tôi làm giúp việc, dọn dẹp, cơm nước cho ông. Em trai tôi cũng vậy, vài tháng mới về được một vài ngày rồi lại vội vã đi.

Đầu năm nay, cha tôi cũng đi theo mẹ. Sau tang lễ, thủ tục mở thừa kế được tiến hành theo quy định. Theo di chúc của cha, trong mảnh vườn rộng 400m², tôi được hưởng 200m² bao gồm cả phần nhà để thờ tự; còn hai người em mỗi người nhận được 100m².

Các em tôi hoàn toàn không có ý kiến gì, coi cách chia đó là đương nhiên; em gái giải thích rằng cha muốn con trai trưởng sau này có thể về quê sống, chăm sân vườn, lo thờ tự. Nhưng tôi thì xấu hổ và áy náy vô cùng. Thật ra tôi không nghĩ cha mẹ để cho mình phần nhiều như vậy mà sẽ chia đều, vì tôi không làm nhiều hơn các em trong việc phụng dưỡng.

Là con cả, tôi biết nhiều năm qua mình chưa làm tròn đạo hiếu, chỉ chu cấp tài chính như vậy thật quá vô tâm. Cha mẹ già yếu, đau ốm rồi lần lượt ra đi, tôi không dành được bao nhiều thời gian cho họ, thậm chí không có mặt khi cha mẹ trút hơi thở cuối cùng.

Tôi nói với các em rằng bản thân thấy xấu hổ khi nhận thừa kế như vậy. Tôi quyết định chỉ giữ lại căn nhà và vườn rộng khoảng 100m²; phần 100m² vườn còn lại sẽ tặng em gái út, coi như cảm ơn em chăm sóc, động viên cha mẹ nhiều nhất. Em gái cương quyết không nhận, nhưng tôi sẽ tìm cách thuyết phục cho bằng được. Tôi tin rằng người con nào hiếu thuận hơn thì nên nhận được phần gia sản lớn hơn. Đây không chỉ là vấn đề tài chính, mà còn là giá trị tinh thần, là hình thức ghi nhận dành cho em.

Nếu bạn có những khúc mắc trong cuộc sống, xin đừng ngần ngại gửi cho chúng tôi để nhận được sự sẻ chia chân thành và lời khuyên nghiêm túc của độc giả. Ý kiến xin gửi đến toasoan@vtcnews.vn.

Nam Anh

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/khong-cham-cha-me-gia-toi-xau-ho-khi-duoc-thua-ke-nhieu-hon-cac-em-ar944557.html
Zalo