Khơi thông nguồn lực đất đai

Đất đai là nguồn tài nguyên, tài sản quan trọng của quốc gia. Vì vậy việc phân bổ, sử dụng hợp lý, tiết kiệm hiệu quả, bảo đảm lợi ích trước mắt và lâu dài, bảo vệ môi trường sinh thái, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước luôn là vấn đề xuyên suốt trong quá trình hoàn thiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Khu đất tại địa chỉ số 2-4-6 Hai Bà Trưng, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh bị bỏ hoang trong nhiều năm qua. (Ảnh DUY ANH)

Khu đất tại địa chỉ số 2-4-6 Hai Bà Trưng, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh bị bỏ hoang trong nhiều năm qua. (Ảnh DUY ANH)

Thực tế cho thấy, công tác quản lý và sử dụng đất ở nước ta thời gian qua vẫn còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế; nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ và bền vững, nhất là việc sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp.

LÃNG PHÍ, VI PHẠM TRONG SỬ DỤNG ĐẤT ĐAI

Trước yêu cầu bảo vệ và phát triển đất nước, các chủ trương, chính sách về đất đai liên tục được đổi mới, từ đó đưa nguồn tài nguyên đất đai dần trở thành nguồn lực, nguồn vốn cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Nội dung cơ bản của công tác quản lý đất đai đã dần được định hình rõ trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đất đai từ Luật Đất đai năm 1987, năm 1993, năm 2003, năm 2013 và các văn bản dưới Luật.

Đến nay, công tác quản lý và sử dụng đất ở nước ta vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Quy hoạch sử dụng đất chưa bảo đảm tính đồng bộ, tổng thể, hệ thống, chất lượng chưa cao, thiếu tầm nhìn dài hạn; nguồn lực đất đai chưa được khai thác, phát huy đầy đủ và bền vững, việc sử dụng đất có nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp; việc tiếp cận đất đai của tổ chức, cá nhân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số còn bất cập; việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có nơi chưa bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư.

Mặt khác, công tác cải cách hành chính trong quản lý đất đai chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; tài chính về đất đai và giá đất chưa phản ánh đúng thực tế thị trường; tranh chấp đất đai, khiếu nại, tố cáo, vi phạm về đất đai còn nhiều nhưng việc xử lý còn hạn chế, nhất là trong chống lãng phí và vi phạm trong sử dụng đất công.

Theo Báo cáo số 330/BC- ĐGS ngày 11/10/2022 của Đoàn giám sát chuyên đề Quốc hội khóa XV “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” trích dẫn Báo cáo số 1557/BC-TTCP ngày 12/9/2022 của Thanh tra Chính phủ, giai đoạn 2016-2021 đã phát hiện vi phạm 63.200 ha đất, kiến nghị thu hồi 31.287 ha; trong đó, có đất công của các đơn vị công lập, nhất là việc sử dụng đất đai tại các tập đoàn, tổng công ty có vốn nhà nước đầu tư còn nhiều bất cập, vi phạm.

Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, thực hiện Nghị quyết số 74/2022/QH15, ngày 15/11/2022 của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, toàn ngành tài nguyên và môi trường đã tham mưu, xử lý 172 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng, với diện tích 6.922 ha.

Cụ thể, qua rà soát, hiện nay cả nước có 908 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng (còn vướng mắc chưa xử lý), với diện tích là 28.155 ha, trong đó đã xử lý xong (đã thu hồi đất và đã chấm dứt hoạt động dự án) là 172 dự án, với diện tích là 6.922 ha; đã xử lý gia hạn sử dụng đất 226 dự án, với diện tích là 1.719 ha; đang xử lý 106 dự án, với diện tích là 1.206 ha; chưa xử lý 404 dự án, với diện tích là 18.308 ha.

Chính vì việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng đất tại một số nơi chưa nghiêm; hiệu quả khai thác, sử dụng đất một số nơi chưa cao, nhất là việc thu hồi đất đối với các dự án không triển khai thực hiện, tiến độ chậm, nhất là các lãng phí, vi phạm trong sử dụng đất công tại nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổng công ty của Nhà nước trong giai đoạn vừa qua đã tạo nên những điểm nghẽn, gây lãng phí, thất thoát rất lớn các nguồn lực của quốc gia và toàn xã hội.

Đáng lo ngại, các lãng phí, thất thoát này không chỉ giảm nguồn lực về tài chính, tài sản, thời gian, mà còn mất nhiều cơ hội và nguồn lực tổng hợp khác để xây dựng, phát huy các tiềm năng, thế mạnh của đất nước nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội.

ĐỂ ĐẤT ĐAI TRỞ THÀNH NGUỒN LỰC PHÁT TRIỂN

Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đất đai nhằm phát huy tối đa nguồn lực đất đai cho phát triển đất nước, ngày 16/6/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.

Để thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW và các Nghị quyết của Đảng, Luật Đất đai năm 2024, gồm 16 chương, 260 điều đã được thông qua ngày 18/1/2024 tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 Quốc hội khóa XV. Tại kỳ họp lần thứ 7 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng, trong đó cho phép Luật Đất đai năm 2024, có hiệu lực vào ngày 1/8/2024 (sớm hơn 5 tháng so với kế hoạch).

Theo đánh giá của các chuyên gia, nhà quản lý lĩnh vực đất đai, Luật Đất đai năm 2024 đã hoàn thiện thể chế, chính sách về đất đai phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong các chính sách, pháp luật có liên quan đến đất đai; giải quyết các vấn đề vướng mắc, tồn tại từ thực tiễn công tác quản lý, sử dụng đất.

Mặt khác, tăng cường quản lý đất đai cả về diện tích, chất lượng, giá trị kinh tế; bảo đảm hài hòa quyền và lợi ích Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; thúc đẩy thương mại hóa quyền sử dụng đất, phát triển thị trường bất động sản minh bạch, lành mạnh; thiết lập hệ thống quản lý đất đai hiện đại, minh bạch, hiệu quả, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai; phát huy dân chủ, hạn chế tình trạng khiếu kiện về đất đai...

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, Luật Đất đai năm 2024 giao Chính phủ quy định chi tiết 96 nội dung, trong đó Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì tham mưu quy định chi tiết 86 trong tổng số 96 nội dung, tập trung vào điều tra cơ bản đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất; giá đất; đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; chế độ sử dụng các loại đất; giám sát, theo dõi và đánh giá việc quản lý, sử dụng đất đai; thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai...

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, để bảo đảm điều kiện cho việc đưa Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tích cực, chủ động phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan có liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành bốn Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực thi hành đồng bộ với Luật, bao gồm:

Nghị định số 71/2024/NĐ-CP ngày 27/6/2024 quy định về giá đất; Nghị định số 88/2024/ NĐ-CP ngày 15/7/2024 quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Nghị định số 101/2024/ NĐ-CP ngày 29/7/2024 quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và Hệ thống thông tin đất đai; Nghị định số 102/2024/NĐ-CP ngày 30/7/2024 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai. Đồng thời, Bộ cũng đã ban hành theo thẩm quyền bốn Thông tư được giao trong Luật.

Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả thi hành và tạo sự đồng thuận trong xã hội về triển khai thực hiện Luật Đất đai năm 2024, bên cạnh đòi hỏi sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, cần tập trung tiếp tục thực hiện việc rà soát, thống kê các dự án vi phạm về đất đai để từ đó có các giải pháp xử lý, khắc phục thất thoát, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng đất đai.

Các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương cần thực hiện nghiêm công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra đất đai để hạn chế tối đa việc sử dụng đất sai mục đích hoặc lãng phí đất đai để xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành… qua đó, góp phần quản lý hiệu quả, nhất là giải phóng nguồn lực đất đai, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đồng thời từng bước hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay và trong tương lai.

TRUNG TUYẾN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/khoi-thong-nguon-luc-dat-dai-post859290.html
Zalo