Đảm bảo cân đối vốn và đánh giá kỹ rủi ro với các dự án hạ tầng

Chiều 10/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Một số cơ chế chính sách đặc thù

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh, đã báo cáo tóm tắt Tờ trình phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Trong thời gian qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã có nhiều Nghị quyết, Kết luận về chủ trương đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 10, Khóa XIII, đã yêu cầu phấn đấu hoàn thành thủ tục và khởi công đầu tư dự án trong năm 2025, Bộ Chính trị đã thống nhất chủ trương đầu tư dự án và giao các cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ để trình Quốc hội Khóa XV tại Kỳ họp bất thường thứ 9; xem xét, quyết định thông qua chủ trương đầu tư, một số cơ chế, chính sách đặc thù để triển khai dự án.

Về phạm vi triển khai: Điểm đầu tại vị trí kết nối ray qua biên giới giữa ga Lào Cai mới và ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc); điểm cuối tại khu bến Lạch Huyện, đi qua địa phận 9 tỉnh, thành phố; chiều dài tuyến chính khoảng 390,9km và 3 tuyến nhánh khoảng 27,9km. Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 203.231 tỷ đồng (khoảng 8,369 tỷ USD). Để chủ động, linh hoạt trong việc sử dụng nguồn vốn, kiến nghị nguồn vốn cho dự án gồm ngân sách Nhà nước (trung ương, địa phương); nguồn vốn trong nước, nguồn vốn nước ngoài (vay Chính phủ Trung Quốc) và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Dự kiến lập báo cáo nghiên cứu khả thi từ năm 2025, phấn đấu cơ bản hoàn thành dự án năm 2030.

Theo Báo cáo thẩm tra chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày, Ủy ban Kinh tế thống nhất sự cần thiết đầu tư dự án với những cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và những lý do thực tiễn đã được nêu tại Tờ trình số 69/TTr-CP.

Về nguồn vốn cho dự án, Ủy ban Kinh tế cho rằng, dự án có quy mô và tổng mức đầu tư rất lớn. Trong kỳ trung hạn 2021 - 2025, nhu cầu vốn cho dự án khoảng 128 tỷ đồng đã được Chính phủ cân đối trong kế hoạch đầu tư công trung hạn. Giai đoạn 2026 - 2030, nhu cầu vốn khoảng 177.282 tỷ đồng và giai đoạn 2031 - 2035, nhu cầu vốn khoảng 25.821 tỷ đồng. Chính phủ đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt như: Không thẩm định khả năng cân đối vốn theo quy định của Luật Đầu tư công; trong quá trình thực hiện dự án, cho phép Thủ tướng được quyết định phát hành trái phiếu Chính phủ, huy động vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi nước ngoài, sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương hằng năm (nếu có) và các nguồn vốn hợp pháp khác để bảo đảm tính phù hợp, khả thi cho dự án. Được biết, các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt này đã được Quốc hội cho phép áp dụng trong thời gian qua và đã được cấp có thẩm quyền xem xét, cho ý kiến, do đó kiến nghị của Chính phủ là có cơ sở.

Đánh giá kỹ yếu tố tác động

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh khẳng định, đây là chủ trương rất quan trọng, nhằm đẩy mạnh sự phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Về nguồn vốn, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách lưu ý sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi cho dự án, bởi hiện nay các Nghị quyết của Quốc hội cho phép ưu tiên sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi cho các dự án lớn và quan trọng. Trong khi đó, bản chất của tăng thu, tiết kiệm chi là hàng năm khi tăng thu vượt dự toán, mới có nguồn tăng thu tiết kiệm chi.

Về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét quyết định chủ trương đầu tư dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9 để thực hiện chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước, tạo bước đột phá trong phát triển, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng giao thông, đáp ứng yêu cầu vận tải, kết nối với các trung tâm đô thị, khu công nghiệp lớn, cửa khẩu, cảng biển của vùng trung du và miền núi phía Bắc, vùng đồng bằng sông Hồng và vận tải hàng hóa từ khu vực Tây Nam Trung Quốc đến cảng biển quốc tế.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra, hoàn thiện hồ sơ dự án và lưu ý một số vấn đề: Rà soát tính toán sơ bộ tổng mức đầu tư, phương án thiết kế sơ bộ, hướng tuyến của dự án và việc kết nối mạng lưới đường sắt, hệ thống giao thông khác, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả. Đánh giá kỹ các yếu tố tác động đến tiến độ triển khai, để có giải pháp đến năm 2030 cơ bản hoàn thành xây dựng dự án, lưu ý đến việc thu hồi đất, đền bù, hỗ trợ tái định cư, lựa chọn nhà đầu tư, việc đáp ứng về công nghệ, nhân lực, vật liệu... trong quá trình khai thác, đưa vào sử dụng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ phải bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, đánh giá kỹ lưỡng hơn các rủi ro và các giải pháp kiểm soát rủi ro, đặc biệt là rủi ro thiếu vốn, không hoàn thành dự án đúng tiến độ.

Lê Vân/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/dam-bao-can-doi-von-va-danh-gia-ky-rui-ro-voi-cac-du-an-ha-tang-20250210171822024.htm
Zalo